Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 24

Đức Giê-hô-va Sẽ Tỉnh Thức

Giê-rê-mi 1:11-12

“Đức Giê-hô-va bèn phán: Ngươi thấy phải đó; ta sẽ tỉnh thức, giữ lời phán ta đặng làm trọn” (câu 12).

Câu hỏi suy ngẫm: Cây hạnh được nhắc đến trong câu 11 mang ý nghĩa gì? Đức Giê-hô-va phán rằng Ngài sẽ tỉnh thức để làm gì? Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Tiên tri Giê-rê-mi? Bạn nhận biết Chúa sẽ tỉnh thức như thế nào trên đời sống và chức vụ bạn?

Giê-rê-mi 1:11-12 tường thuật lại khải tượng Đức Chúa Trời ban cho Tiên tri Giê-rê-mi. Đây là một trong ba khải tượng Ngài ban để bảo đảm cho chức vụ đầy nguy hiểm mà Ngài giao phó cho ông. “Cây hạnh” còn được gọi là “cây thức.” Sở dĩ cây có tên như thế bởi vì sau giấc ngủ dài của cây cối vào mùa đông, cây hạnh là cây trổ hoa trước nhất vào đầu mùa xuân. Nên cây hạnh ở đây được biểu trưng cho sự tỉnh thức của Đức Chúa Trời. Điều này có ý nghĩa thật sự lớn lao đối với Tiên tri Giê-rê-mi cũng như với tuyển dân của Đức Chúa Trời và cả muôn dân muôn nước. Về phương diện tích cực, khi Đức Chúa Trời xác quyết rằng Ngài sẽ tỉnh thức để giữ Lời phán của Ngài đặng làm trọn. Điều này đem đến cho chúng ta một tin vui mừng. Đối với Tiên tri Giê-rê-mi và chức vụ của ông thì ông có thể tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ luôn ở cùng và bảo vệ ông như điều Ngài đã hứa. Còn riêng chúng ta là con dân của Ngài vẫn sẽ sống trong niềm vui mừng tin cậy Ngài vì những Lời Ngài hứa sẽ ban sự may mắn và phước hạnh cho những ai vâng theo Lời Ngài (Giô-suê 1:8). Về một phương diện khác, có thể xem đây là lời tái xác nhận của Đức Chúa Trời với Tiên tri Giê-rê-mi về những hình phạt mà Ngài truyền cho ông phải rao báo với dân chúng, rằng Ngài sẽ thực hiện những điều Ngài đã phán. Nghĩa là Ngài sẽ “nhổ, phá, diệt, đổ” những đối tượng không ăn năn. Và như thế, đây là một lời cảnh tỉnh hết sức nghiêm túc từ Đức Chúa Trời dành cho những ai tưởng rằng Ngài đang chậm trễ, hay tự ngụy biện rằng Đức Chúa Trời nhân từ nào nỡ hình phạt con dân Ngài. Tuy nhiên, chúng ta cần hết sức tỉnh táo để nhận biết rằng Ngài vẫn chưa hình phạt là vì lòng nhân từ Ngài muốn cho chúng ta có cơ hội để ăn năn tội lỗi, theo lời Sứ đồ Phi-e-rơ đã giải thích trong II Phi-e-rơ 3:1-18.

Sự thành tín của Đức Chúa Trời là một trong những điều đáng để chúng ta tôn ngợi Danh Ngài. Thuộc tính ấy là một sự bảo đảm vô cùng giá trị cho những ai để lòng tin cậy nơi Ngài. Đức Chúa Trời ban cho Tiên tri Giê-rê-mi quyền “hoặc nhổ, hoặc phá, hoặc diệt, hoặc đổ, hoặc dựng, hoặc trồng” trên muôn dân muôn nước và chắc chắn Ngài sẽ làm trọn mọi sự ấy. Lời Chúa phán “Ta sẽ tỉnh thức” có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống bạn?

Kính lạy Đức Chúa Trời Thành Tín! Xin nhắc con luôn nhớ rằng Ngài sẽ tỉnh thức để giúp con luôn giữ lòng tin cậy nơi lời hứa của Chúa và nghiêm túc ghi nhớ những lời cảnh cáo của Ngài.

(c) 2024 svtk.net