Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Khiêm Nhường Khi Nhận Được Sự Ban Cho

Gia-cơ 3:13-18

“Trong anh em có người nào khôn ngoan thông sáng chăng? Hãy lấy cách ăn ở tốt của mình mà bày tỏ việc mình làm bởi khôn ngoan nhu mì mà ra” (câu 13).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gia-cơ nói đến hai loại khôn ngoan nào (câu 15-16, 17-18)? Hai loại khôn ngoan này có nguồn gốc và đặc điểm khác nhau thế nào? Bạn đang tìm kiếm sự khôn ngoan nào và sử dụng ra sao?

Kinh Thánh đề cập nhiều đến sự khôn ngoan, là điều không phải đơn thuần là sở hữu tri thức nhưng là áp dụng hiệu quả tri thức hay chân lý vào cuộc sống hằng ngày. Trong 3:13, ông Gia-cơ chuyển từ việc thảo luận về những người tự lập mình làm thầy và lời nói sang việc trình bày về ảnh hưởng của sự khôn ngoan trên mỗi người. Theo trước giả, có hai loại khôn ngoan.

Thứ nhất là loại khôn ngoan thuộc “về đất, về xác thịt, và về ma quỷ” (câu 15). Những người sở hữu sự khôn ngoan này sẽ bày tỏ sự kiêu ngạo của họ qua sự “ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh” (câu 14). Họ không muốn mình thua kém một ai và cũng không chấp nhận ai hơn mình. Do đó, họ làm mọi cách để chứng tỏ mình hơn người khác, và đem lại “sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác” (câu 16). Ông Gia-cơ nói rằng những người như vậy “nói dối nghịch cùng lẽ thật” (câu 14). Những điều mà họ đang sở hữu chẳng phải là khôn ngoan và họ cũng chẳng nên khoe mình (câu 14).

Thứ hai là loại “khôn ngoan từ trên mà xuống” (câu 17), đó là sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời và là sự ban cho của Ngài. Những người sở hữu sự khôn ngoan này không kiêu ngạo và phô trương nhưng bày tỏ qua “cách ăn ở tốt” (câu 13). Sự khôn ngoan nói đến cách sống hơn là tri thức; nói cách khác chính cách sống quyết định một người là khôn hay dại. Hơn thế nữa, sự khôn ngoan được Chúa ban cho là “nhu mì” (câu 13), nghĩa là người có sự khôn ngoan này sẽ không lạm dụng quyền lực hay tri thức vì biết mọi điều đến từ Chúa, mình chỉ là người quản lý, và cũng sẽ không tìm kiếm quyền lợi, danh vọng cho riêng mình, và không sống ích kỷ, nhưng sống với tinh thần thuận phục, sẵn sàng học hỏi, sửa đổi, và khiêm nhường.

Câu 17 cho biết người có sự khôn ngoan từ Chúa sẽ đeo đuổi nếp sống thanh sạch và tìm kiếm sự hòa thuận trong các mối quan hệ; đó là sự hòa thuận không phải do thỏa hiệp với điều ác nhưng đặt nền tảng trên sự thánh khiết. Người đó cũng sẽ tiết độ, nghĩa là tử tế với người khác và không hiếu chiến. Một người như vậy cũng sẽ đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, nghĩa là tận dụng mọi cơ hội để bày tỏ tình yêu cách thiết thực với những người chung quanh. Đó cũng sẽ là người không giả hình nhưng sống chân thật với Chúa và với người.

Bạn sẽ trả lời câu hỏi: “Trong anh em có người nào khôn ngoan thông sáng chăng?” (câu 13a) như thế nào? Nếu câu trả lời của bạn là: “Không” thì hãy trở về với Gia-cơ 1:5 để cầu xin Chúa là Nguồn của sự khôn ngoan. Nếu câu trả lời của bạn là: “Có” thì điều kế tiếp bạn nên làm là quỳ gối, hạ lòng, đến với Chúa mà tạ ơn sự ban cho của Ngài, và sau đó hãy đứng lên, lấy lòng biết ơn và khiêm nhường mà sử dụng sự ban cho lớn lao đó.

Lạy Chúa, xin ban cho con sự khôn ngoan và dạy con sử dụng vui lòng Ngài. Trên hết mọi sự, xin ban cho con đầy dẫy Thần Chân Lý, là Nguồn của khôn ngoan.

(c) 2024 svtk.net