“Phao-lô, theo ý Đức Chúa Trời, được gọi làm sứ đồ của Đức Chúa Giê-xu Christ…” (câu 1).
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao trong danh sách sứ đồ do Chúa Giê-xu chọn không có tên ông Phao-lô, nhưng ông lại khẳng định mình là “sứ đồ của Đức Chúa Giê-xu Christ”? Những yếu tố nào phải có để được chọn làm sứ đồ? Chức sứ đồ ngày nay không còn, nhưng chúng ta có trách nhiệm tiếp nối công vụ của các sứ đồ như thế nào?
Viết thư cho Hội Thánh Cô-rinh-tô, ông Phao-lô tuyên bố mình là “sứ đồ của Đức Chúa Giê-xu Christ.” Nhưng trong danh sách sứ đồ Chúa Giê-xu chọn khi Ngài thi hành chức vụ không có tên ông, vậy phải chăng chính ông tự xưng mình là sứ đồ, hay do cộng đồng các tín hữu thời đó phong chức cho? Hoàn toàn không phải như thế. Nếu như mười hai sứ đồ được đặc ân chính Đức Chúa Giê-xu kêu gọi họ và họ được có thời gian ở riêng với Ngài, cũng như họ đã được chứng kiến sự phục sinh vinh quang của Chúa Giê-xu, thì Sứ đồ Phao-lô cũng hội đủ các yếu tố như thế. Thư Ga-la-ti chương 1 và 2 ghi lại đầy đủ những chi tiết về việc Sứ đồ Phao-lô bênh vực cho chức vụ sứ đồ của mình. Sứ đồ Phao-lô đã được gặp gỡ Chúa Giê-xu và được Ngài bắt phục khi ông đang trên đường đến thành Đa-mách để truy nã những người tin theo Chúa Giê-xu. Ông hoàn toàn được thay đổi, từ người bức hại Hội Thánh của Đức Chúa Trời, trở nên người liều cả sự sống của mình để rao giảng Tin Lành về Đức Chúa Giê-xu Christ. Đây chính là chứng cớ về sự kinh nghiệm Chúa Giê-xu Phục Sinh của Sứ đồ Phao-lô (I Cô-rinh-tô 15:8). Từ “sứ đồ” có ý nghĩa là “người được sai đi” hoặc “người được sai đi với công tác đặc biệt.” Công tác đặc biệt đó chính là rao giảng Phúc Âm.
Ngày nay, nếu căn cứ theo những điều kiện trên thì không còn ai được đảm nhận chức vị này. Tuy nhiên, sứ mệnh rao truyền Phúc Âm cho mọi người trên thế giới vẫn phải được tiếp tục thực hiện, vì đây là mệnh lệnh Chúa Giê-xu đã truyền trước khi Ngài về trời (Công-vụ Các Sứ-đồ 1:8). Để hoàn thành trọng trách này, đòi hỏi chúng ta cần có thời gian ở riêng với Chúa, và quan trọng hơn cả, chúng ta cần trải nghiệm Phúc Âm Cứu Rỗi của Đấng Phục Sinh trước khi chúng ta rao giảng Phúc Âm ấy. Song có nhiều khi vì mãi chú tâm vào công việc, chúng ta đã bỏ qua thời gian ở riêng với Chúa mỗi ngày. Đừng quên rằng, thời lượng chúng ta dành riêng với Chúa là thước đo cho mức độ hoàn thành công tác của chúng ta, và kinh nghiệm Đấng Phục Sinh xác chứng chúng ta có đang làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời hay không.
Sự kiện Chúa Giê-xu Phục Sinh có ý nghĩa thế nào đối với bạn?
Lạy Đức Chúa Trời quyền năng! Xin cho con luôn khát khao được học biết Chúa mỗi ngày, có thời gian riêng tư với Chúa để nhận lấy năng lực từ Chúa mà phục vụ Ngài theo đúng thánh ý của Đức Chúa Trời và kết quả hơn mỗi ngày.
(c) 2024 svtk.net