“Ngày Sa-bát qua rồi, Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ
Gia-cơ, cùng Sa-lô-mê mua thuốc thơm đặng đi xức xác Đức Chúa Giê-xu” (câu 1).
Câu hỏi suy ngẫm: Những phụ nữ đi thăm mộ Chúa
Giê-xu với mục đích nào? Trên đường đi, họ bàn với nhau điều gì? Tại sao họ khiếp sợ khi vào trong mộ Chúa? Chúa phục sinh đã làm gì cho họ? Chúa phục sinh đem lại cho nhân loại điều gì?
Khi ngày Sa-bát đã qua, vào lúc mặt trời mới chớm mọc, cô Ma-ri Ma-đơ-len, bà Ma-ri là mẹ ông Gia-cơ, cùng bà Sa-lô-mê lên đường đến mộ Chúa Giê-xu, đem theo đầy đủ thuốc thơm để xức xác Ngài. Họ là những người tận mắt chứng kiến Chúa trút hơi thở cuối cùng, và cũng là những người nhìn thấy nơi người ta đã đặt xác Chúa. Dù không muốn chấp nhận sự thật những gì họ nhìn thấy, nhưng họ cũng không thể chối cãi rằng Chúa Giê-xu thân yêu của họ đã chết. Vì thế, vượt lên trên mọi cảm xúc đau buồn, họ đi đến mộ Chúa để xức xác Ngài theo phong tục của người Ít-ra-ên. Trên đường đi, họ lo lắng bàn bạc với nhau là ai sẽ giúp họ lăn hòn đá lấp cửa mộ đây. Chưa kịp có câu trả lời thì họ thấy tảng đá lớn ấy đã được lăn đi rồi. Và điều khiếp kinh hơn là khi họ đi vào mộ, thay vì nhìn thấy xác Chúa, thì họ lại nhìn thấy một người trẻ tuổi mặc áo dài trắng nói với họ rằng: “Đừng sợ chi, các ngươi tìm Đức Chúa Giê-xu Na-xa-rét, là Đấng đã chịu đóng đinh; Ngài sống lại rồi, chẳng còn ở đây; hãy xem nơi đã táng xác Ngài” (câu 6). Thật khó có thể tin, vì họ là những người chứng kiến người ta chôn cất Chúa. Nhưng sự thật hiển nhiên ngay trước mắt là xác Chúa Giê-xu biến mất, chỉ còn ngôi mộ trống. Họ run rẩy sợ hãi chạy ra khỏi mộ. Câu 9-11 tóm lược ý của Phúc Âm Giăng 20:11-18, cho biết lúc đó Chúa Giê-xu đã hiện ra với cô Ma-ri Ma-đơ-len, khích lệ, ban hy vọng, niềm vui, và Ngài sai phái cô đi loan báo tin vui Chúa sống lại cho các môn đệ.
Ngày nay chúng ta quá quen thuộc với thông điệp về sự phục sinh của Chúa Giê-xu, nên lắm khi chúng ta kỷ niệm Chúa Phục Sinh như một thói quen chứ không phải một tinh thần đầy kinh ngạc như những nhân vật lịch sử năm xưa. Sự kiện Chúa Giê-xu sống lại là một trong những điều quan trọng nhất của Cơ Đốc giáo, như Sứ đồ Phao-lô từng nói: “Nếu Đấng Christ chẳng sống lại, thì đức tin anh em cũng vô ích, anh em còn ở trong tội lỗi mình” (I Cô-rinh-tô 15:17). Vì thế, hãy kỷ niệm Chúa Phục Sinh bằng tinh thần hân hoan, cảm tạ, vì Đấng chúng ta tôn thờ là Đấng Sống, Đấng đã bẻ gãy chìa khóa của sự chết và âm phủ.
Chúa Giê-xu Phục Sinh đem lại hy vọng vĩnh cửu cho những ai tin cậy Ngài. Bạn đón nhận thông điệp Chúa sống lại với tinh thần nào?
Lạy Chúa, xin cho con luôn tự nhắc nhở rằng vì Chúa phục sinh mà mọi vô vọng trong trần gian đều biến thành hy vọng. Ngài chính là hy vọng đời đời của con.
(c) 2024 svtk.net