“Hỡi anh em, tôi nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau” (câu 10).
Câu hỏi suy ngẫm: Điều đầu tiên Sứ đồ Phao-lô nhân danh Chúa Giê-xu để khuyên các tín hữu ở Cô-rinh-tô là gì? “Phải đồng một tiếng nói” có nghĩa gì? Đòi hỏi này có ý nghĩa thế nào cho sự hiệp nhất trong Hội Thánh?
Điều đầu tiên Sứ đồ Phao-lô đề cập là những tín hữu “phải đồng một tiếng nói với nhau.” Ở đây, ông không nhằm đề nghị họ nói chung một loại ngôn ngữ là tiếng Hy Lạp hay tiếng Hê-bơ-rơ, hoặc bất cứ một thứ ngôn ngữ nào khác. Nhưng khi ông gọi họ là “anh em,” ngoài việc nhắc họ nhớ đến mọi tín hữu có một mối liên hệ chung thân thiết, yêu thương trong gia đình đức tin, thì họ với tư cách là chi thể trong thân của Đấng Christ còn phải có trách nhiệm lo tưởng đến cả thân thể. Và phương cách để họ có thể gìn giữ thân thể của Đấng Christ không bị chia cách, phân rẽ, đó chính là trong vòng họ phải có sự đồng tâm, nhất trí với nhau. Trong một tập thể với nhiều cá thể khác nhau, chúng ta không thể đòi hỏi mọi người phải đều có cùng một quan điểm giống nhau. Điều này hoàn toàn không bao giờ có được. Song vẫn sẽ tồn tại những tập thể có sự đồng tâm nhất trí với nhau, dù rằng trong vòng họ vẫn có những quan điểm khác nhau, vì họ cùng hướng đến một mục đích chung nên mọi người chủ động giữ mối quan hệ hòa hợp với nhau. Sứ đồ Phao-lô hết sức khôn ngoan khi trình bày với họ rằng, ông nhân danh Chúa Giê-xu để khuyên họ phải đồng tâm nhất trí. Điều này có nghĩa là những thành viên trong gia đình của Đấng Christ, hãy vì mục đích gìn giữ thân thể của Ngài mà đồng tâm nhất trí với nhau.
Câu chuyện tháp Ba-bên vào thời các tổ phụ cho thấy khi không có “đồng một tiếng nói” với nhau theo nghĩa đen, thì họ đã phân rẽ nhau và tan lạc khắp nơi trên thế giới (Sáng Thế Ký 11:1-9). Cũng vậy, đồng tâm nhất trí với nhau thật sự có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đem đến sự hiệp nhất cho Hội Thánh. Mọi người sẽ có sự đồng tâm nhất trí khi mọi chi thể trong thân đều hướng về một mục đích sống theo ý Chúa, không đề cao quan điểm cá nhân, không vì những bất đồng mà đứng riêng, nhưng bỏ qua mọi khác biệt nhỏ nhặt để hướng đến mục đích chung rộng lớn và quan trọng hơn. Có như thế chúng ta mới có thể “đồng một tiếng nói” với nhau. Trong gia đình đức tin mà bạn đang sống có “đồng một tiếng nói với nhau” không? Mục đích chung mà Hội Thánh bạn đang hướng đến là gì? Bạn cần làm gì để góp phần cho sự hiệp nhất của Hội Thánh?
Lạy Chúa, xin giúp con luôn thấy trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn thân thể của Đấng Christ, để luôn chủ động nhờ ơn Ngài ban gìn giữ sự hiệp nhất trong các mối quan hệ.
(c) 2024 svtk.net