Chúng ta đang nghiên cứu về bài dạy trên núi của Chúa Giê-xu. Chúng ta đã nói đến năm phước lành đầu tiên, chương này sang đến phước lành thứ sáu:
"Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời!"
Trong bài này chúng ta sẽ trả lời các câu hỏi sau đây:
1. Trong sạch là gì?
2. Làm thế nào cho được trong sạch giữa đời hư vong này?
3. Thấy Đức Chúa Trời hay Đức Chúa Trời nghĩa là gì?
4. Áp dụng bài học này vào đời thường như thế nào?
1. Chúng ta bắt đầu với định nghĩa chữ Trong Sạch:
Trong nguyên ngữ Hi-lạp, chữ này là KATHAROS, nghĩa là sạch, tức là hết nhơ bẩn, thanh tẩy. Cũng có nghĩa được gạn lọc chất cặn, như rác rến, trấu, bã. Khi dùng cho binh lính, có nghĩa là thành phần tốt nhất, can đảm nhất, thiện chiến, tinh luyện. Một nghĩa khác là chất lỏng không bị pha trộn với chất nào khác.
Trong bài dạy về các phước lành thì trong sạch là tình trạng tâm hồn của người đã tin nhận Chúa và được tha tội, vì thế trong sạch đây có thể hiểu là ngay thẳng trong tư tưởng, trong quyết định, trong động cơ thúc đẩy làm việc, phục vụ Chúa và đồng bào.
Chúng ta để ý thì thấy rằng Tin Mừng hay Phúc Âm cứu chuộc nhân loại của Chúa Cứu Thế chú trọng đặc biệt đến tấm lòng, tâm hồn của người. Chúa Giê-xu dạy rất nhiều về tâm hồn, và đạo Chúa cốt ở việc thay đổi, tái tạo tâm hồn người.
Chúa không dạy: phước cho những kẻ trí thức vì sẽ thấy Đức Chúa Trời, nhưng Ngài nói đến kẻ có lòng trong sạch, hay là kẻ trong sạch trong lòng. Cũng vì vậy mà tất cả mọi người trong đời đều có thể thấy Chúa, từ trẻ em cho đến người cao tuổi, từ người ít học cho đến bậc học giả uyên thâm. Chúa không dành độc quyền cho bất cứ người nào.
Tất nhiên học theo Chúa cũng rất cần tri thức, Chúa không phủ nhận điều này, nhưng Ngài nhấn mạnh về tình trạng của tâm hồn, vì chúng ta thấy Đức Chúa Trời vô hình qua tâm hồn của mình. Chúa chú trọng vào niềm tin của chúng ta trước, vì có tin mới biết.
Biết Chúa không bằng tri thức, mà bằng lòng tin. Đây chính là điều mà nhiều người không hiểu. Những người bằng lòng tin nhận thì tâm hồn được tha tội, trong sạch, gặp Chúa và thỏa mãn.
Nếu ai đòi phải thấy Chúa rồi mới tin, thì không còn là tin nữa. Mặt khác, có rất nhiều người từng thấy Chúa tận mặt nhưng cũng vẫn không tin, như những người đương thời với Chúa lúc Ngài ở trần gian.
Ta trở lại với định nghĩa trong sạch. Chúa Giê-xu nhấn mạnh về trong sạch của tấm lòng, vì tôn giáo thời đó chỉ chú trọng vào bề ngoài, nghi lễ thanh tẩy áo, tay, thân thể, nhưng bỏ quên tấm lòng trong sạch, vì vậy mà Chúa quở trách các giới lãnh đạo tôn giáo thời đó là giả hình. Như thế về một phương diện, trong sạch ở tâm hồn đây có nghĩa tương phản với trong sạch ở bề ngoài.
2. Làm thế nào để được trong sạch trong tâm hồn?
Trong sạch trong tâm hồn mới thấy Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời là thánh thiện, chỉ có nguời tự biết mình nghèo khó trong tâm linh, than khóc về tình trạng băng hoại của mình, nhu mì khiêm nhường, khát khao công chính, thương xót đồng loại, và nhất là trong sạch trong tư tưởng và ý định, mới có thể thấy Chúa được.
Như vậy kẻ thấy Đức Chúa Trời là người đã nếm biết Thiên Đàng, đã được an ủi, đã có phần nơi Chúa, đã no đủ công chính của Chúa, biết thương như Chúa vẫn thương. Nghĩa là phước lành này là kết quả tất yếu của những phước lành Chúa đã dạy.
Làm thế nào để được trong sạch nơi tâm hồn? Đây không phải việc cần làm của người chưa tin Chúa, nhưng là việc phải làm của người đã tin Chúa.
Khi tin Chúa, chúng ta kết giao với Chúa. Giữa Chúa và ta có một thỏa hiệp nhằm đem lại phúc lợi cho ta, cho Chúa và cho đồng loại. Thỏa hiệp đó là: ta hết lòng tin Chúa và cam kết sống lánh xa đời băng hoại, tìm hạnh phúc thật trong Chúa, vì chỉ trong Chúa ta mới tìm được tình thương, hi vọng thật mà thôi.
Cam kết này ta cần phải tuân giữ bằng cách thanh tẩy tâm hồn cho trong sạch. Ta cầu nguyện, đọc lời Chúa mỗi ngày để bảo dưỡng lòng tin và thánh hoá đời sống. Lời dạy ta nhận được đem áp dụng vào đời thường.
3. Câu hỏi thứ ba: Thấy Đức Chúa Trời hay Đức Chúa Trời nghĩa là gì?
Tấm lòng là trung tâm của tất cả. Tấm lòng không phải chỉ là phần xúc cảm, nhưng là toàn diện con người gồm: lý trí, ý chí và tình cảm. Khi tâm hồn hay tấm lòng trong sạch thì tư duy trong sạch, quyết định trong sạch và tình cảm trong sạch. Trong sạch đây không chỉ có nghĩa vật lý hay là tiêu cực, nghĩa là không có tội mà thôi, nhưng còn là điều kiện để đôi mắt tâm linh mở ra, thấy được các giá trị ở bên ngoài thời gian và không gian. Đó là những giá trị của Chúa.
Thấy Đức Chúa Trời không phải là chiêm ngưỡng một bức tượng hay là một siêu nhân có những hình dạng theo lối suy tư của loài người. Nhưng là tiếp xúc với Chân Thần vô hình, là nguồn sống, toàn thánh, toàn thiện, toàn tri, toàn năng. Làm sao một sinh vật như con người chúng ta có thể nhìn lên một Đấng Siêu Phàm như vậy? Ngày xưa các môn đệ của Chúa Giê-xu xin Ngài cho họ thấy Đức Chúa Trời, Chúa Giê-xu trả lời: ai đã thấy Ta tức là đã thấy Cha. Thấy Chúa Giê-xu cũng không hẳn là nhìn thấy một người, nhưng chính là tin nhận Chúa Giê-xu. Tin nhận Chúa Giê-xu là đấng đã chết thay cho mình, sẽ được tha tội và được tiếp nối với nguồn sống, toàn thánh, toàn thiện, toàn tri, toàn năng.
Thấy Đức Chúa Trời là bước vào một mối tương giao thường xuyên với Chúa. Chúa sống trong ta và ta sống trong Chúa. Ta sẽ thấy chán ghét những gì bề ngoài, giả trá, băng hoại, nhơ bẩn của trần tục và thèm khát những phút giây gần Chúa. Tâm hồn ta sẽ vượt các giới hạn để gặp Chúa, và được thỏa mãn.
Ta thấy Chúa trong đời sống mỗi ngày của mình.
Về một khía cạnh thì khi thấy Chúa, tấm lòng mình được trong sạch, vì Chúa Thánh Linh làm sạch tâm hồn chúng ta. Đây là tình trạng thánh hóa mỗi ngày của người tin Chúa.
4. Áp dụng bài học này vào đời thường như thế nào?
Có bốn điểm:
a. Lòng trong sạch là bí quyết gặp Chúa. Chính vì vậy mỗi chúng ta trước khi vào đời làm việc, buôn bán, hoạt động đều phải đến với Chúa trong giờ cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Thánh Linh sẽ qua lời Chúa, thanh tẩy tâm hồn ta và cho ta một ngày phước hạnh.
b. Lòng trong sạch không phải là một tình trạng, nhưng là động cơ, quan niệm, quyết định trong đời sống.
Nhiều người tin Chúa hăng say phục vụ, nhưng không phải vì Chúa, mà vì muốn được nổi danh, được nhiều người tôn trọng, hay được lợi về vật chất. Đó là cuộc sống với tâm hồn không trong sạch. Những việc làm vì các động cơ sai lầm đó sẽ không tôn vinh Chúa, mà chỉ tôn vinh cá nhân, Chúa không chấp nhận. Hay có thể nói là không thấy Chúa được.
c. Con dân Chúa phải chú trọng vào trong sạch thánh thiện trong tâm hồn, chứ không phải chỉ bề ngoài hay qua ngôn ngữ. Người trong sạch sẽ thấy Chúa và cũng sẽ gặp anh em chị em cùng một lòng tin và sống với các giá trị vĩnh hằng.
d. Trong sạch trong tâm hồn không phải là một điều ao ước hay dành cho giới lãnh đạo tôn giáo, nhưng là của tất cả mọi người. Vì thấy Đức Chúa Trời hay thấy Đức Chúa Trời là mục tiêu của mỗi người tin Chúa. Nếu không thấy Chúa, tức là không ở trong Chúa và Chúa không sống trong tâm hồn mình.
Bạn cần thấy Chúa ngay giây phút này để đời sống được thay đổi thật và bạn được thỏa lòng.