“Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (Phi-líp 4:6-7).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gióp dùng những hình ảnh nào để than thở về thân phận con người? Ông than thở thế nào về thân phận của chính mình? Bạn thường làm gì khi gặp hoạn nạn?
Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay (7:1-6) là lời ông Gióp than thân trách phận về hoàn cảnh hoạn nạn mà ông đang đương đầu. Ông bắt đầu với sự so sánh người ở thế gian, sinh ra là “có sự chiến trận,” hay trong nguyên nghĩa là phải gánh nghĩa vụ lao dịch, công việc nhọc nhằn (câu 1). Ông nêu ra hai hình ảnh: Thân phận người làm mướn (câu 1) và thân phận người nô lệ (câu 2). Người làm mướn thì lao khổ cả ngày để đến khi chiều về mong nhận được tiền công của mình (Ma-thi-ơ 20:1-13; Lê-vi Ký 19:13). Thân phận người nô lệ thì còn thảm thương hơn, bản thân họ, con cái của họ đều là tài sản của chủ, họ làm việc mà không được quyền hưởng lương (Lê-vi Ký 25:44-46). Họ chỉ “ước ao bóng tối” hay bóng mát để tránh sự thiêu đốt của tia nắng mặt trời. Họ mong cho hoàng hôn đến, thời tiết dịu mát để được nghỉ ngơi cho đỡ mệt nhọc. Nhìn chung, ông Gióp than thở về thân phận con người phải lao khổ, cực nhọc suốt đời.
Từ câu 3, ông Gióp tiếp tục với lời than trách thân phận mình. Ông than thở rằng số phận ông còn thảm thương hơn người làm công hay người nô lệ, vì những người này làm ngày nhưng đêm đến còn được nghỉ ngơi, còn ông thì không được an nghỉ. Ông than “đêm lao khổ làm phần định cho tôi,” và ông “trăn trở cho đến rạng ngày,” bởi vì “thịt tôi bị bao phủ dòi tửa và lấp đất, da tôi nứt nẻ và chảy mủ ra.” Rồi ông đưa đến kết luận về đời người “qua mau hơn thoi dệt cửi, tiêu đi, chẳng có trông cậy gì.” Ông Gióp than thân trách phận và dẫn đến suy nghĩ tuyệt vọng.
Cuộc đời Cơ Đốc nhân cũng có những thăng trầm như cuộc đời ông Gióp; có lúc gặp thuận cảnh, lúc gặp nghịch cảnh, lúc khỏe mạnh, lúc đau yếu. Nhưng chúng ta phải tin vào sự quan phòng của Đức Chúa Trời. Ngày xưa, Chúa không bỏ ông Gióp, và Ngài có quyền trên Sa-tan; ngày nay Chúa cũng không bao giờ bỏ rơi chúng ta, và Chúa cũng biết được sức chịu đựng của chúng ra. Chúa dạy chúng ta cách sống trong hoạn nạn là “hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời,” và chúng ta phải “giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Giê-xu Christ.”
Bạn có vững lòng tin nơi quyền tể trị của Chúa trong hoạn nạn không?
Lạy Chúa, con tin Chúa là Đấng yêu thương con, luôn ở cùng con lúc thuận cũng như nghịch cảnh. Xin cho con luôn giữ lòng, ý tưởng trung thành với Chúa dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
(c) 2024 svtk.net