Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 24

Người Nhà Cơ-lô-ê

I Cô-rinh-tô 1:10-11

“Vì, hỡi anh em, bởi người nhà Cơ-lô-ê, tôi có được tin rằng trong anh em có sự tranh cạnh” (câu 11).

Câu hỏi suy ngẫm: Nhờ đâu Sứ đồ Phao-lô biết được tình hình tại Hội Thánh Cô-rinh-tô? Người nhà bà Cơ-lê-ô thuộc phe nhóm nào? Họ báo tin cho Sứ đồ Phao-lô với mục đích gì? Bạn học được điều gì từ việc làm của người nhà bà Cơ-lê-ô?

Trong thư I Cô-rinh-tô 7, Sứ đồ Phao-lô nhắc đến việc những tín hữu tại Cô-rinh-tô viết thư để trình bày những điều họ thắc mắc như của cúng thần tượng, đạo vợ chồng, sự cưới gả…, nhưng hoàn toàn không thấy họ bàn gì đến vấn đề tranh cạnh trong Hội Thánh. Thế thì làm sao Sứ đồ Phao-lô có thể biết được nan đề chia rẽ đang tồn tại và tàn hại Hội Thánh, nếu không có những người được gọi là “người nhà Cơ-lê-ô” cho ông hay tin. Khi Sứ đồ Phao-lô không ngại viết cho các tín hữu tại Cô-rinh-tô rằng ông biết được tình trạng chia rẽ trong vòng họ là do sự cung cấp thông tin từ người nhà bà Cơ-lê-ô, chắc chắn phải có sự đồng ý của người đem tin. Điều này cho thấy việc làm của người nhà bà Cơ-lê-ô là một việc làm công khai, trong sáng vì lợi ích chung nên họ không lén lút, giấu giếm vì một ý đồ nào đó. Họ cũng không vì lo sợ thế lực của những nhóm người trong Hội Thánh mà bưng bít sự thật. Chúng ta không biết nhiều về người nhà bà

Cơ-lê-ô, nhưng chắc chắn họ phải là những tín hữu tại Hội Thánh Cô-rinh-tô nên mới biết rõ ràng sự tình tại nơi đây. Mặt khác, họ phải là những người thuộc linh, tin kính, yêu mến Chúa và Hội Thánh nên mới quan tâm đến sự an nguy của Hội Thánh. Họ không theo phe phái nào trong bốn nhóm đối tượng được kể trong câu 12, và họ có quyền im lặng để tìm sự yên ổn cho gia đình mình. Nhưng họ đã không làm như thế. Họ đem sự tình trình bày cho lãnh đạo Hội Thánh biết để có cách giải quyết, giúp đỡ.

Sứ đồ Phao-lô nhắc đến người nhà bà Cơ-lô-ê với sự trân trọng chứ không phải khiển trách; điều này nhắc nhở chúng ta nhiều điều đáng quý. Nhiều khi chúng ta thuật lại sự việc trong Hội Thánh theo kiểu bới lông tìm vết, hoặc ngồi lê đôi mách, hoặc nói hành, hoặc ném đá giấu tay… Có nhiều trường hợp cũng đem sự tình của Hội Thánh trình bày cho lãnh đạo nhưng với tinh thần ton hót, lập công, gây thêm chia rẽ thay vì đoàn kết. Đây là điều nên tránh. Ngược lại với trường hợp trên là tránh né sự thật, chọn thái độ cầu an, yên lặng, để không liên lụy bản thân. Đây cũng là tinh thần không nên có trong gia đình của Đức Chúa Trời. Điều mỗi chúng ta cần tìm kiếm là tinh thần gây dựng thân thể Đấng Christ theo sự khôn ngoan Chúa cho, như gương của người nhà bà Cơ-lê-ô đã thực hiện.

Bạn quyết định làm gì khi nhìn thấy những nan đề trong Hội Thánh?

Kính lạy Đức Chúa Trời! Tạ ơn Chúa vì Ngài cho con biết dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có những người trung kiên, tin kính Chúa, sẵn sàng đứng về chân lý. Xin giúp con can đảm để luôn sống theo Lời Ngài.

(c) 2024 svtk.net