“Khi vách thành đã xây xong, và tôi đã tra các cánh cửa, lập những người giữ cửa, người ca hát, và người Lê-vi trong chức việc của họ, thì tôi giao phó việc cai trị Giê-ru-sa-lem cho Ha-na-ni, em tôi, và cho Ha-na-nia, quan tể cung; vì là một người trung tín và kính sợ Đức Chúa Trời hơn nhiều người khác” (câu 1-2).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Nê-hê-mi tiếp tục làm gì sau khi vách thành đã xây xong? Điều này cho thấy điều gì là quan trọng đối với ông Nê-hê-mi? Bài học này nhắc nhở bạn điều gì về trọng tâm của đời sống và chức vụ của bạn?
Sau khi vách thành xây xong, điều tiếp theo ông
Nê-hê-mi làm là lắp các cửa, thiết lập người canh giữ, khôi phục đời sống thờ phượng của dân chúng (câu 1), thiết lập một quốc gia kính sợ Chúa (câu 2), và tiếp tục theo đuổi một khải tượng lớn hơn (câu 4).
Vì sao thay vì ăn mừng và nghỉ ngơi, ông Nê-hê-mi lại tiếp tục những công việc mang tính thuộc linh này? Vì mục đích chính của ông vẫn chưa hoàn thành! Ông Nê-hê-mi xin phép trở về Giê-ru-sa-lem là để xây sửa lại vách thành, nhưng mục đích chính của ông là khôi phục lại dân Chúa đang bị sỉ nhục (câu 3). Vách thành là cần thiết nhưng đó cũng chỉ là phương tiện để thực hiện việc khôi phục dân Chúa. Xây sửa vách thành là khó nhưng phục hồi đời sống tâm linh con dân Chúa càng khó hơn. Điều quan trọng trong việc phục hồi sức mạnh thuộc linh là phải xác định đâu là phương tiện và đâu là mục đích, đâu là việc thứ yếu và đâu là trọng tâm.
Nhà thờ tuy là cần thiết và quan trọng nhưng cũng chỉ là phương tiện để con cái Chúa có chỗ họp nhau thờ phượng Đức Chúa Trời, điều quan trọng hơn hết cần phải đặt ưu tiên hàng đầu là gây dựng đời sống tâm linh của tín hữu. Khi bầu cử ban chấp sự, chúng ta thường chú tâm đến những người năng nổ trong công việc hơn là tìm hiểu sự trưởng thành thuộc linh của các ứng viên. Đối với chúng ta hiệu quả của công việc quan trọng hơn chính đời sống thuộc linh của chấp sự.
Với cá nhân, chúng ta vẫn thường cảm thấy yên tâm vì mỗi Chúa Nhật vẫn còn đến nhà thờ, vẫn dâng hiến phần mười, vẫn sinh hoạt trong ca đoàn… nhưng còn mối liên hệ cá nhân giữa chúng ta với Chúa thì sao? Chúng ta có đang giải trí, hẹn hò, sử dụng tiền bạc, thì giờ, và ngay cả phục vụ Chúa theo ý muốn Ngài không? Công việc có vẻ sẽ đem lại cho chúng ta sự yên tâm, nhưng nếu chúng ta không nhận biết nhu cầu gây dựng tâm linh thì chính công việc sẽ có ngày đánh gục chúng ta. Lời Chúa nhắc nhở: “Ngươi hay nhịn nhục và chịu khó vì Danh Ta, không mệt nhọc chút nào. Nhưng điều Ta trách ngươi, là ngươi đã bỏ lòng kính mến ban đầu” (Khải Huyền 2:3-4).
Đời sống tâm linh con người cần phải được quan tâm hàng đầu hơn là công việc. Đời sống tâm linh của bạn đang trong tình trạng nào?
Lạy Chúa, xin cho con có mối liên hệ mật thiết với Chúa. Xin dạy con đặt nhu cầu gây dựng tâm linh lên trên công việc và nhu cầu vật chất mỗi ngày.
(c) 2024 svtk.net