Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 30

Tầm Quan Trọng Của Tiếng Lạ

I Cô-rinh-tô 14:1-25

"Tôi ao ước anh em đều nói tiếng lạ cả, song tôi còn ao ước hơn nữa là anh em nói tiên tri" (c. #5).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Phao-lô ước ao Hội thánh đều nói tiếng lạ? Sự đầy dẫy Thánh Linh và nói tiếng lạ có liên hệ với nhau không? Căn cứ vào đâu người ta có thể ủng hộ hoặc đả phá tiếng lạ? Chúng ta nên có lập trường nào trong vấn đề tiếng lạ?

Tiếng lạ có vai trò gì trong đời sống tín hữu trong sinh hoạt Hội thánh?

Có người cho rằng tiếng lạ rất quan trọng, mọi tín hữu cần tìm kiếm. Vì tiếng lạ là dấu hiệu chứng tỏ người ấy được đầy dẫy Thánh Linh. Những anh chị em ấy căn cứ vào các ghi nhận trong Công Vụ để biện minh cho lập trường của mình. Trong sách Công Vụ có mấy chỗ ghi nhận rằng các môn đệ đầy dẫy Thánh Linh và nói tiếng lạ (Công-vụ các Sứ-đồ 2:4; 10:46; 19:6).

Có những con cái Chúa khác dè dặt hơn đối với tiếng lạ. Có người ngại tiếng lạ vì nó có vẻ huyền bí khác thường. Có người không thiện cảm với tiếng lạ vì thái độ có vẻ quá khích, kiêu ngạo của một số người nói tiếng lạ, và họ cũng thấy có người dường như nói tiếng lạ giả nữa. Có người kịch liệt chống tiếng lạ vì cho rằng tiếng lạ là của ma quỉ.

Chúng ta nên có lập trường nào đối với vấn đề tiếng lạ? Kinh thánh cho thấy tiếng lạ là một ơn có ích cho tín hữu. Tuy nhiên Kinh thánh không dạy rằng người đầy dẫy Thánh Linh phải nói tiếng lạ. Trong sách Công Vụ nhiều chỗ nói đến đầy dẫy Thánh Linh nhưng không đề cập đến việc nói tiếng lạ (Công-vụ các Sứ-đồ 4:31; 8:17; 9:17). Ngoài ra I Cô-rinh-tô 12:30 cho thấy nhiều tín hữu có ân tứ thiêng liêng khác (đầy dẫy Thánh Linh) nhưng không có ơn nói tiếng lạ.

Mặt khác, lịch sử Hội thánh cho thấy tiếng lạ có thể gây nhiều rắc rối trong Hội thánh. Có người nói tiếng lạ và gây hỗn độn, chia rẽ trong Hội thánh. Có những trường hợp tiếng lạ giả, hay tiếng lạ của ma quỉ nữa. Tuy nhiên, không vì những rắc rối trên mà chúng ta lên án hay bài trừ tiếng lạ. Phương cách lý tưởng để giải quyết vấn đề tiếng lạ là cần phân biệt chân giả, cần sử dụng đúng cách và đừng kiêu ngạo. Tuy nhiên mỗi hệ phái có cách giải quyết khác nhau. Bạn tùy theo sự hướng dẫn của Chúa mà liên kết với giáo hội thích hợp để thờ phượng và phục vụ Chúa, hoặc bạn có thể đề nghị những cải biến thích hợp trong giáo hội của mình để công việc Chúa được tiến bộ. Dù có lập trường thế nào đi nữa, chúng ta nên sáng suốt để thông cảm nhau, yêu thương, chấp nhận nhau trong đại gia đình của Chúa.

Lạy Chúa Thánh Linh, xin giúp con sâu nhiệm trong Ngài để con luôn sống trong sự dẫn dắt của Ngài. Ban cho con sự khôn ngoan và lòng khiêm nhường.

(c) 2024 svtk.net