Bài giảng trên núi của Chúa Giê-xu được ghi lại trong Phúc Âm Ma-thi-ơ đầy đủ nhất. Mở đầu bài giảng này, Chúa dạy về các phước lành. Nguyên cách mở đầu của Chúa cũng đã nói lên đức thiện lành của Ngài. Phúc Âm của Chúa đem đến phước hạnh cho con người trước nhất vì Chúa là đấng ban phúc lành. Chúa luôn luôn có ý định tốt lành cho mỗi người trên mặt đất. Nói cách khác, Chúa thương tất cả mọi người và muốn cứu hơn là diệt.
Trong các bài trước, chúng ta đã phân tích sáu phước lành đầu tiên, nay sang đến phước lành thứ bẩy:
"Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời."
Trong bài này chúng ta sẽ trả lời các câu hỏi sau đây:
1. Hòa thuận là gì? Người làm cho người hòa thuận là ai?
2. Con của Đức Chúa Trời là thế nào? Cần các điều kiện nào?
3. Làm sao áp dụng câu này vào đời thường?
Chúng ta sẽ lần lượt trả lời các câu hỏi này:
1. Hoà thuận là gì? Người làm cho người hòa thuận là ai?
Chữ hòa thuận trong nguyên ngữ là eirènè nghĩa là bình an, hay hòa bình. Tiếng Hê-bơ-rơ là shalom, cũng là tiếng chào hỏi nhau, chúc cho nhau được an lành. Hoà bình hay bình an đây không phải chỉ có nghĩa là thoát khỏi mọi khó khăn, nhưng còn là được hưởng mọi điều tốt lành.
Nhiều khi phước lành này được hiểu là dành cho người yêu hòa bình, nhưng nghĩa đích thực ở đây là người đem lại hòa bình chứ không phải người yêu hòa bình. Tất nhiên phải yêu hòa bình mới muốn làm cho người được hòa giải. Như thế vấn đề đặt ra không phải là sự kiện hòa bình hay bình an, nghĩa là không có một xung khắc nào, nhưng có nghĩa là làm cho hai phe thù nghịch được hòa thuận với nhau. Tái lập lại quan hệ giữa hai phía từng chống và làm hại nhau là xây dựng hòa bình. Đây là giải quyết vấn đề xung khắc một cách trực tiếp chứ không phải chỉ lý thuyết.
Vấn đề được đặt ra là: các phe thù nghịch nào và ở đâu?
Con người luôn luôn sống trong thù nghịch với nhau, điều đó đã hẳn. Các mối quan hệ dễ trở nên xấu vì con người thường ích kỷ và tham lam, vì tình thương không rộng mở mà quá hẹp hòi. Những tính xấu này đưa đến các tệ đoan, thù hận, làm hại nhau, tiêu diệt nhau. Thế gian trở thành nơi băng hoại, không đáng sống nữa. Như thế một phương diện lời dạy của Chúa ngụ ý bảo rằng: Mỗi người nên tạo cho nơi mình ở thành một chỗ tốt cho người ta sống, và nên tạo điều kiện cho hòa bình, an lành được phát triển. Đừng chăm làm điều tàn ác, nhưng phải theo đuổi thiện lành cho đến cùng.
Nhưng tạo điều kiện tốt cũng trở thành lý thuyết, vì con người không có khả năng làm điều đó.
Tới đây ta phải thấy khía cạnh khác của hòa bình, đó là hòa bình giữa Chúa và người. Nhiều người phủ nhận Chúa, Đức Chúa Trời nên không biết giữa ta và Đức Chúa Trời có một mối xung khắc truyền kỳ. Đức Chúa Trời là đấng ban sự sống cho sinh vật, tạo hóa cả vũ trụ, vì vậy không tôn thờ mà còn bài bác, phủ nhận là mang tội rất lớn. Giữa Đức Chúa Trời và loài người đã có một khoảng cách vô cùng rộng lớn, vì Chúa là nguồn sống, toàn thánh, toàn thiện, tuyệt đối, vĩnh hằng, còn con người là vật thọ tạo, đầy tội lỗi xấu xa, làm điều tàn ác và bị giới hạn trong không gian và thời gian.
Nói theo thư La-mã hay Rô-ma của Phao-lô thì Chúa sẵn sàng trừng phạt con người vô đạo. Nhưng tình thương bao la của Ngài đã đem đến cho nhân loại một lối giải thoát, đó là Chúa Giê-xu xuống đời làm sinh tế chuộc tội cho mọi người. Loài người phản nghịch nếu tin nhận Chúa Giê-xu là người đã chết thay tội cho mình, thì sẽ được cứu và trở thành con trong nhà Chúa.
Một phương diện tích cực khác, làm cho người hòa thuận còn là tạo các quan hệ đúng giữa người này với người khác. Có những người đi đến đâu cũng gây xáo trộn, khích bác người này với người khác, tạo ra những mối bất hòa bằng cách thêu dệt sự thật và làm cho người ta ghét nhau hơn là thân nhau.
Ta có thể nhận ra những người không tin Chúa, bằng cách quan sát xem những người ấy có làm cho người hòa thuận hay chỉ chăm việc tạo mâu thuẫn. Ma quỷ bao giờ cũng phá hoại và Chúa bao giờ cũng xây dựng. Vì vậy, không thể nào có một cuộc cãi cọ hay là mắng nhiếc, chửi bới nhau hay làm hại thanh danh của nhau xuất phát từ những người xưng là tín đồ của Chúa. Chúa dạy, hãy xem quả mà biết cây. Cây nào thuộc về Chúa sẽ sinh những quả thiện lành, hòa bình; cây nào của ma quỷ, sẽ có những quả trái gây đau khổ, làm hại cho kẻ khác.
2. Con của Chúa là thế nào? Cần những điều kiện nào?
Những người làm cho người hòa thuận thì được gọi là con của Chúa. Do việc làm cho người hòa thuận mà được gọi là con của Chúa. Như thế để cho xứng đáng gọi Chúa bằng Cha, ta phải làm cho người được hòa thuận. Trong lối nói của người thời Chúa Giê-xu thì người có ân tứ đi an ủi kẻ khác thì gọi là con trai của sự an ủi, như trường hợp Ba-na-ba. Gia-cơ và Giăng là hai người nóng tính thì gọi là con trai của sấm sét. Trong Kinh-thánh, Chúa được gọi là Chúa Hòa Bình (Ê-sai 9:5). Vì thế ai tạo hòa bình là con của sự hòa bình, tức là con của Chúa.
Điều kiện làm con của Chúa rất căn bản, đó là phải tin nhận Chúa, phải xưng nhận tội lỗi và quyết tâm từ bỏ mãi mãi, phải sống đời sống mới, thực hành những lời Chúa dạy. Tạo hoà bình giữa mình với Chúa, giữa người với Chúa, giữa người với người và giữa người với ta.
Ta để ý sẽ thấy rằng người tin Chúa được dạy là phải có tình thương như Chúa, thiện lành như Chúa, xây dựng như Chúa. Đây không phải là lý thuyết, nhưng là hành động. Tin Chúa không phải là thụ động chờ phép lạ, nhưng là tích cực sống như Chúa đã dạy và vào đời làm những việc Chúa muốn ta làm. Một trong những việc đó là tạo mối hòa thuận nơi nào ta có mặt. Hoà thuận với Chúa, với nhau và với chính ta.
Gia-cơ viết: "Nhưng nếu anh em có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và nói dối nghịch với sự thật. Sự khôn ngoan ấy không phải từ trên xuống đâu, trái lại nó thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỷ, vì nơi nào có những điều ghen tương tranh cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác. Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống, trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình."
Đó chính là khuôn mẫu cho người xưng là con của Chúa.
3. Áp dụng lời dạy này trong đời thường như thế nào?
"Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con của Đức Chúa Trời."
a. Điều quan trọng nhất cho người tin Chúa không phải là làm tín đồ của một giáo hội, nhưng chính là làm con của Chúa.
b. Làm con của Chúa nghĩa là phản ánh thánh tính của Chúa trong cuộc đời. Mưu cầu hòa bình trong tâm lý, tâm hồn và tâm linh của chính mình và cho người khác.
c. Mỗi người tin Chúa là một ngọn đèn trong đêm tối, nếu vì lý do nào đó, ánh lửa bình an, thương yêu trong ta không cháy lên mà lại tàn lụi dần, thì đêm tối sẽ vây phủ lấy cuộc đời của ta và không ai thấy được ánh sáng của Chúa trong ta.
d. Làm con của Chúa trong gia đình, nơi làm việc, khi giao dịch với người khác và trong đám đông, đó là bổn phận của mỗi chúng ta và Chúa hứa ban phước cho ai làm như vậy.