"Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi" (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12).
Câu hỏi suy ngẫm: Điều luật thứ năm bao hàm ý nghĩa gì khi liên hệ với Đức Chúa Trời như là "Cha"? Cha Thiên Thượng có những đặc điểm nào liên hệ đến con người? Tại sao người ta thiếu sự tôn kính Chúa? Sự không tôn kính Chúa thể hiện qua điều gì và với hình thức nào? Chúng ta làm gì để bày tỏ lòng tôn kính Chúa?
Chúng ta đã suy niệm về lòng hiếu kính của con cái đối với cha mẹ. Nói cách khác, chúng ta đã suy niệm điểm bắt đầu của một chu kỳ hiếu thảo từ con cái lên cha mẹ, từ cha mẹ lên ông bà. Hôm nay chúng ta suy nghĩ đến lòng kính thờ Chúa, vị Thủy Tổ của loài người, Đấng tạo dựng chúng ta. Nói đến chữ hiểu, chúng ta nhớ đến câu:
Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Hoặc: Công cha đức mẹ cao dày. Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ. Nuôi con khó nhọc đến giờ. Trưởng thành con phải biết thờ hai thân.
Dù chịu ảnh hưởng sâu đậm luân lý Khổng giáo, người Việt Nam chỉ hiểu chữ "thờ" ở đây một cách tổng quát về trách nhiệm đối với cha mẹ, con cái phải ở sao cho hết lòng theo lẽ phải và đúng phận làm con; và chữ "đạo" là đường, là cách xử sự, chứ không phải là tôn giáo. Tuy nhiên, chúng ta nên phân biệt thêm nghĩa thần học: "thờ" là một hành vi chỉ dành cho một mình Đấng Tạo Hóa. Còn "kính" là dành cho tạo vật: bậc trưởng thượng, tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Bạn đã hiếu kính cha mẹ dưới đất, thì càng phải thờ kính cha trên trời. Vì các con vốn là xấu, còn biết cho con cái mình các vật tốt, huống chi cha các con ở trên trời, lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao? (Ma-thi-ơ 7:11). Chúa đang hỏi bạn: Con trai tôn kính cha mình, đầy tớ tôn kính chủ mình. Vậy nếu ta là cha, nào sự tôn kính thuộc về ta ở đâu? Và nếu ta là chủ nào sự kính sợ ta ở đâu? (Ma-la-chi 1:6).
Lạy Cha của con ở trên trời, xin giúp con biết kính thờ Cha cho đúng đạo làm con mà Ngài đang trông đợi.
(c) 2024 svtk.net