Ma-thi-ơ 5:10 "Phước cho những kẻ chịu bắt bớ về sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy."
Đây là phần cuối cùng của các phước lành Chúa dạy. Phước lành này dường như khác với tất cả các phước lành trước vì đối tượng là nạn nhân của một cuộc bách hại vì niềm tin. Các phước lành trên mô tả một cách trực tiếp còn phước lành này gián tiếp. Nhưng dù sao cũng vẫn nói về người tin Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu dường như bảo rằng: "Vì con là môn đồ của ta nên những điều này sẽ xảy đến cho con."
Trong bài này chúng ta sẽ trả lời các câu hỏi sau đây:
1. Công Bình là gì? Tại sao công bình lại bị bắt bớ?
2. Nước thiên đàng trong câu này là gì?
3. Áp dụng lời dạy này vào thực tế như thế nào?
1. Công bình là gì? Tại sao công bình lại bị bắt bớ?
Trước tiên ta nhận thấy rằng phước lành này được nói ngay sau phước lành của những người giải hòa. Theo một ý nghĩa thì vì người tin Chúa làm công việc giải hòa mà bị bắt bớ. Như thế từ công bình đây có thể hiểu là cách sống đạo của người tin Chúa thể hiện qua nghĩa cử giải hòa, hay là làm cho người hòa thuận.
Công bình trong câu này phải hiểu là công chính, ngay thẳng, chính đáng, thiện lành, chứ không phải là công bằng, như chúng ta đã nói.
Xã hội loài người đầy dẫy tội ác và bất công. Người tin Chúa không chấp nhận nếp sống vô đạo, giả dối của người đời, hơn nữa thường tỏ thái độ bất đồng ý kiến, vì ngược với lời dạy của Chúa và nếp sống đạo đức. Thái độ của người ấy làm cho kẻ thù chán ghét, muốn bài bác, đả phá, vu cáo và âm mưu tiêu diệt.
Nạn nhân của xã hội thối nát ngày nay không phải những kẻ đàn áp bóc lột dân chúng, ăn hối lộ công khai, nhưng chính là những người hiền lành, ngay thẳng, cương trực. Vì họ trở thành nhân chứng cho tội ác của xã hội, và thường lên án các hành vi bất chính của người chung quanh mình. Ở hiền không gặp lành như người ta mong ước, nhưng chính là đón chờ tai họa.
Ta để ý thì thấy rằng câu này không nói: Phước cho những kẻ bị bắt bớ hay bị bách hại. Nhưng nói rằng: Phước cho những kẻ bị bắt bớ về sự công bình, hay công chính. Trong một xã hội lúc nào cũng có những nạn nhân bị hành hạ áp bức, nhưng cũng có những kẻ phạm pháp, gian tham, hư hỏng cần phải trừng trị. Không phải hễ bị hành hạ là được phước đâu. Vì thế phước lành chỉ dành cho những người sống ngay lành, thánh thiện, thực hành những gì Chúa dạy mà bị xã hội chán ghét ruồng bỏ, hành hạ, bách hại, có khi giết cho chết nữa.
Kinh-thánh cũng dạy rằng: "Trong anh em chớ có ai chịu khổ như kẻ giết người, trộm cướp, gây rối, quấy phá việc người khác. Nhưng nếu chịu khổ vì làm môn đệ Chúa thì chẳng có gì phải hổ thẹn. Hãy tạ ơn Đức Chúa Trời vì được mang danh Chúa." Như vậy chúng ta phải ý thức rõ về trường hợp chịu khổ của mình.
Chúa Giê-xu trước khi về trời cũng đã dạy các môn đệ của Ngài là họ sẽ gặp nhiều khó khăn, bách hại vì mang danh là môn đồ của Chúa. Cho đến nay, con dân Chúa khắp nơi trên thế giới đã hiểu rõ lời dạy này. Tin Chúa không phải được thịnh vượng, giàu có, sung sướng về vật chất hay tinh thần, nhưng có giá phải trả. Giá đó là cuộc chịu khổ vì danh Chúa. Chịu khổ vì tình thương chứ không phải chịu khổ vì làm ác.
Câu Kinh-thánh này không nói rằng: Phước cho những kẻ bị bách hại vì quá chủ quan. Cũng không phải: Phước cho những kẻ bị bách hại trong đời sống theo Chúa vì tính gắt gao của mình. Cũng không phải: Phước cho những kẻ bị bách hại vì làm môn đồ Chúa nhưng thiếu khôn ngoan, dại dột và làm những chuyện vô lý trong xã hội để được người ta chú ý.
Nhiều người tin Chúa sống trong những chế độ hà khắc đã có những hành động trái với an ninh trật tự trong xã hội, tạo hoàn cảnh cho kẻ thù bách hại, là một cách chịu khổ sai lầm.
Nhiều người tin Chúa nhưng cuồng tín đến nỗi có thái độ thách thức giới cầm quyền, rồi phải chịu khổ, như thế cũng sai lầm. Vì cuồng tín không phải là lối sống đạo mà Chúa dạy. Chỉ là do con người nghĩ ra mà thôi.
Vì thế lý do nào mà ta chịu khổ mới là đáng kể.
Có người lại nghĩ rằng, từ khi tin Chúa mình không gặp khó khăn nào cả, như thế có được phước không? Có cần phải vào tù ra khám vì danh Chúa để chứng tỏ là mình có chịu khổ vì Chúa và được mọi người biết tiếng tăm không? Nếu chịu khổ chỉ vì để được nổi danh và được lợi về sau, thì động cơ chịu khổ không chính đáng.
Chúng ta đừng tự chuốc lấy đau khổ không cần thiết trong cuộc đời theo Chúa của mình.
Như thế chịu khổ vì sự công chính là gì? Câu trả lời giản dị là thực hành công chính như Chúa Giê-xu. Như vậy có thể rút ngắn câu này là: Phước cho những kẻ bị bách hại vì sống giống như Chúa Giê-xu. Một phương diện khác, bất cứ ai sống như Chúa Giê-xu đều bị bách hại cả. Vì chính Chúa Giê-xu đã dạy rằng: "Nếu thế gian ghét các con, các con biết rằng họ cũng đã từng ghét ta trước khi ghét các con. Nếu các con thuộc về thế gian, người đời sẽ yêu quý các con. Nhưng vì các con không thuộc về thế gian, và Ta đã chọn các con từ giữa thế gian, nên người đời ghét các con. Hãy nhớ kỹ lời ta nói với các con. Đầy tớ không hơn chủ. Nếu họ đã từng bách hại ta, họ cũng sẽ bách hại các con." Giăng 15:18-20.
Chúa Giê-xu bị người thời đó ghét không những vì Chúa thánh thiện, nhưng vì Chúa khác hẳn họ. Chính con người của Chúa lên án họ. Họ tự cảm biết những gì họ làm là xấu xa, tham nhũng, hư hỏng. Họ không thể nào chịu được ánh mắt của Chúa.
Chúng ta tin Chúa với một mục đích là được giống như chính Chúa, đó là lý do mà người tin Chúa bị bách hại.
Có lẽ đọc đến đây, quý vị sẽ nói rằng: nếu tin Chúa để chịu khổ thì tin làm gì? Chúa Giê-xu biết người ta sẽ đặt câu hỏi này nên đã giải đáp ngay trong phần sau của câu Kinh-thánh này.
2. Chúng ta trả lời câu hỏi thứ hai: Nước Thiên Đàng trong câu này là gì?
"Phước cho những kẻ bị bắt bớ về sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy" Ta để ý thì thấy rằng phước lành này giống như phước lành thứ nhất, nghĩa là: Nước Thiên Đàng là của những kẻ ấy.
Chúa trả lời câu hỏi thầm kín của người tin Chúa khi chịu khổ, đó là: Tôi chịu khổ vì danh Chúa để được gì? Chúa cho biết rằng, cuộc đời này người tin Chúa thua thiệt, không có phần nào thuộc về họ cả. Nói khác đi, người tin Chúa vì không thuộc về đời tạm này, nên sẽ không có gì trong đời tạm. Người bị bách hại có khi còn mất cả mạng sống nữa. Nhưng họ thuộc về trời, về nước Chúa, về các giá trị vĩnh hằng mà không ai đoạt được.
Người tin Chúa thuộc hẳn về Chúa và hưởng các giá trị thật trong đời này và vĩnh hằng đời sau. Các giá trị đó là đức tin, hi vọng, thương yêu. Những điều hoàn toàn xa lạ với loài người băng hoại hư hỏng, tội ác.
Nước Thiên Đàng là nơi Chúa ngự, là chỗ Chúa làm chủ. Tâm hồn người tin Chúa chính là đền thờ Chúa ngự, và chính là thiên đàng. Ta không tin Chúa để chờ đợi một ngày nào đó vào thiên đàng, nhưng ta thuộc về thiên đàng ngay trong hiện tại. Những người chịu khổ vì Chúa nên nhớ rằng, Chúa đang sống trong tâm hồn mình, và tâm hồn đó được an nghỉ giữa sóng gió của cuộc đời.
Khi chịu khổ vì sự công chính, hay là khi sống trong niềm tin, hi vọng và tình thương thật mà bị bách hại, thì nên nhớ đến Chúa, đến vết thương của Ngài khi xưa, và nên ý thức rằng Chúa vẫn ở với mình.
Nhiều người trong lúc chịu bách hại, than rằng: không biết Chúa ở đâu mà không giải cứu tôi. Chúa ở đâu mà không ra tay cứu giúp? Có người trả lời rằng, Chúa ở trên thập giá. Chúa đã chịu hết những khổ đau cho ta rồi. Chúa vẫn quan tâm và không bao giờ bỏ ta, đó chính là nước thiên đàng trong câu Kinh-thánh này.
3. Chúng ta sẽ áp dụng câu này trong thực tế như thế nào? Xin kể ra một vài điểm áp dụng, mong quý vị thực nghiệm:
a. Cuộc đời người tin Chúa có giá phải trả. Giá đó nhiều khi rất đắt. Nhưng khi ta đã nắm được chân lý, đã biết đâu là giá trị thật, thì nếu giá phải trả là mạng sống cũng vẫn đáng. Chính vì lý do này mà nhiều người bằng lòng tử đạo hơn là chối bỏ Chúa để được quyền lợi trong đời.
b. Chịu khổ phải đúng ý nghĩa. Nếu chịu khổ vì dại dột, vì lập dị, hay thách thức kẻ thù, thì lý do chịu khổ không đáng, phần thưởng chắc cũng không có.
c. Càng sống trong khó khăn bách hại bao nhiêu thì lại cần phải chăm sóc đức tin bấy nhiêu, càng gần Chúa hơn. Khi trở về với Chúa, ta lúc nào cũng sẽ được an ủi, bao bọc, che chở.
d. Chúa không bao giờ muốn gây tai họa vô cớ cho con dân Chúa. Chúa luôn luôn có những ý định thiện lành đối với chúng ta. Vì thế nên phân biệt rõ giữa thử thách và tai nạn. Chúa đưa thử thách đến để rèn luyện. Tai nạn có khi là một thử thách, nhưng thử thách không nhất thiết lúc nào cũng là tai nạn. Tai nạn nhiều khi là do tính bất cẩn hay không khôn ngoan, ta phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai lầm của mình, có khi là chịu khổ. Ngoài ra, vì sống trong xã hội tội lỗi, nhiều khi con dân Chúa cũng phải chịu chung những tai họa Chúa đưa đến cho thế giới con người. Chúng ta chỉ khác người đời là có Chúa an ủi, ban sức lực và khôn ngoan cho ta trong mọi hoàn cảnh.
Cầu xin Chúa giúp bạn hiểu được ý nghĩa của việc chịu khổ và sẵn sàng chịu khổ vì Chúa.