“Tôi cũng thuật cho chúng làm sao tay nhân từ của Đức Chúa Trời tôi đã giúp đỡ tôi, và các lời vua đã nói cùng tôi. Chúng nói: Hè, ta hãy trỗi dậy và xây sửa lại! Vậy, chúng được vững chắc trong ý nhất định làm công việc tốt lành này” (câu 18).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Nê-hê-mi là ai? Khi nghe vua hỏi thì ông đã làm gì đầu tiên? Ông có mục tiêu và kế hoạch hành động cụ thể như thế nào? Ông biến khải tượng của mình thành khải tượng chung của tập thể ra sao? Người lãnh đạo giỏi có những đặc tính nào?
Xứ Giu-đa bị đế quốc Ba-by-lôn xâm chiếm, thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị tàn phá năm 586 T.C. Hầu hết người Giu-đa bị lưu đày qua Ba-by-lôn (I-rắc ngày nay). Năm 539 T.C., đế quốc Ba Tư lật đổ đế quốc Ba-by-lôn. Năm sau, họ cho phép người Do Thái hồi hương dưới sự hướng dẫn của ông Xô-rô-ba-bên, và đã xây lại đền thờ trong hoàn cảnh khó khăn. Ông
Nê-hê-mi thuộc thế hệ con cháu của những người bị lưu đày, ông đang làm quan tửu chánh (dâng rượu) cho hoàng đế Ba Tư.
Năm 444 T.C., ông nghe một người từ Giê-ru-sa-lem đến nói rằng dù đã hơn 90 năm sau đợt hồi hương đầu tiên, vách thành vẫn đổ nát, ông đau buồn kiêng ăn, cầu nguyện, xưng tội (chương 1). Bốn tháng sau, khi đang dâng rượu, thấy vẻ mặt buồn rầu của ông Nê-hê-mi nên vua hỏi lý do. Bị hỏi bất ngờ, ông cầu nguyện thầm với Đức Chúa Trời rồi thưa với vua rằng ông muốn xin trở về xây dựng lại thành Giê-ru-sa-lem (câu 4-5). Ông trình bày rõ ràng về kế hoạch thực hiện, thời gian đi và về, xin các văn thư cần thiết, xin gỗ để xây dựng (câu 6-8), và vua đã chấp thuận. Điều này chứng tỏ trong khi chờ cơ hội Chúa cho để trình bày với vua, ông đã chuẩn bị sẵn kế hoạch. Khi về đến Giê-ru-sa-lem, ông Nê-hê-mi âm thầm đi quan sát vách thành để nắm vững tình hình cụ thể. Rồi ông tập hợp các quan chức địa phương để chia sẻ khải tượng, ông biến khải tượng của riêng ông thành khải tượng chung, khiến mọi người đồng lòng trỗi dậy cùng nhau làm việc (câu 11-18).
Ông Nê-hê-mi là một lãnh đạo giỏi vì có các đặc điểm sau: Ông không cậy sức mạnh hoặc tài năng riêng của mình nhưng hết sức kính sợ và nhờ cậy Chúa; ông có tinh thần hy sinh dấn thân cao độ, dù đang sống an nhàn nhưng ông sẵn sàng từ bỏ để dấn thân cho công việc Chúa; ông không làm việc tùy hứng nhưng có khải tượng và biến khải tượng thành thực tế qua những hành động cụ thể; ông không làm việc một mình nhưng biết khéo léo huy động mọi người để họ tự nguyện tham gia vào chương trình chung. Mỗi chúng ta đều được Chúa đặt để vào vai trò lãnh đạo gia đình, nhóm nhỏ, Hội Thánh… Chúng ta cần học theo gương lãnh đạo của ông Nê-hê-mi để mang lại kết quả tốt cho công việc Chúa.
Bạn còn thiếu đặc điểm nào trong công tác lãnh đạo của mình?
Lạy Chúa, xin giúp con học theo những mỹ đức trong công tác lãnh đạo của ông Nê-hê-mi để con trở nên công cụ hữu ích cho Nhà Ngài.
(c) 2024 svtk.net