Đọc Kinh Thánh: Phúc Âm Ma-thi-ơ 5:1-12
Câu 11 và 12 của chương 5 là phần giải thích câu 10. Câu 10 như sau: "Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy." Câu 11 và 12 ghi rằng:
"Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ và lấy mọi điều dữ nói vu cho các người, thì các người sẽ được phước. Hãy vui vẻ và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các người ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy."
Như thế ta thấy câu 11 và 12 khai triển ý được nói đến trong câu 10. Hai câu này mở rộng và áp dụng phúc lành chịu khổ đối với hoàn cảnh đặc biệt của các môn đệ có mặt ngay tại đó, và qua họ, đến các tín hữu của Chúa trong mọi thời đại.
Tuy nhiên theo một nghĩa thì việc khai triển này cũng có thêm vào một đôi ý nghĩa khác và trình bầy một số sự việc liên quan đến người tin Chúa.
Như chúng ta đã thấy, các phước lành Chúa dạy tả vẽ một bức chân dung về đức tính của người tin Chúa. Đây là một bức tranh tổng hợp, mỗi phần cho thấy một đặc tính của người tin Chúa. Người tin Chúa là một hình ảnh rất khó mô tả, vì vậy cách hay nhất là mô tả những đức tính mà người ấy biểu lộ ra.
Trong phần khai triển này, Chúa chúng ta rọi thêm một ít ánh sáng vào bức chân dung đó.
Có hai cách nhìn một người tín đồ. Ta có thể nhìn người ấy trong tính cách tự nhiên, nhưng cũng có thể thấy rõ khi người ấy phản ứng đối với những hoàn cảnh khác nhau trong đời người ấy hay là trong xã hội người ấy sinh sống. Khi nói về một người tin Chúa, ta có ngay một số những tính tốt của người ấy, nhưng ta sẽ biết nhiều hơn về người ấy khi anh ta tiếp xúc với người khác và cách đối xử với người ta.
Hai câu Kinh-thánh trên đây thuộc về loại nhận xét thứ hai này. Vì chúng ta sẽ thấy các phản ứng của người tín đồ đối với vấn đề bách hại.
Có ba nguyên tắc Chúa Giê-xu dạy về người tin Chúa trong hai câu này. Các nguyên tắc ấy rất rõ ràng, mong mỗi chúng ta quan tâm và không bao giờ quên.
Nguyên tắc thứ nhất: Người tin Chúa không giống bất cứ người nào chưa tin Chúa.
Chắc quý vị còn nhớ lời Chúa dạy: "Đừng tưởng Ta đến để đem bình an trên đất, ta đến đem gươm dáo". (Ma 10:34). Nói khác đi, Chúa đưa đến thế gian một cuộc chia rẽ, cha với con, mẹ với con gái, và kẻ thù chính là người trong gia đình. Phúc âm của Chúa Giê-xu tạo ra một phân biệt rất rõ giữa người tin Chúa và người không tin Chúa. Người không tin Chúa chứng tỏ sự khác biệt ấy bằng cách bách hại, làm khó dễ người tin Chúa.
Phương cách làm khó dễ không thành vấn đề, chủ yếu là trong nhiều hình thức hay mức độ, người không tin Chúa chắc chắn có làm khó dễ. Nghĩa là người không tin Chúa hoàn toàn chống đối người tin Chúa chân thật.
Chúa chúng ta khi vào đời, cũng từng bị người đời bách hại, và chúng ta, người tin Chúa chắc chắn không được thừa trừ. Vì Chúa không thuộc về thế gian này, và người tin Chúa cũng vậy. Đó là lý do người tin Chúa không giống người chưa tin Chúa. Vì người tin Chúa có một bản chất mới, và là một con người hoàn toàn khác.
Nguyên tắc thứ hai: Cuộc đời người tin Chúa có Chúa Giê-xu chế ngự và quản trị.
Người tin Chúa chân thành trung thành đối với Chúa và chú tâm làm mọi việc vì danh nghĩa của Chúa. "Khi nào vì cớ Ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi..." Vì cớ Chúa, vì Chúa mà người ta bách hại.
Như thế đặc điểm người tín đồ của Chúa là sống vì Chúa, chứ không sống cho riêng mình. Người ta thường hay khó chịu nhau và có thể làm khó dễ nhau, dù họ không phải là tín đồ của Chúa, nhưng không phải vì danh nghĩa của Chúa mà bị làm khó dễ.
Điều đặc biệt nhất về cuộc chịu bách hại của người tin Chúa là "Vì Chúa" mà chịu bách hại. Người tin Chúa muốn sống sao cho vừa lòng Chúa, vì người ấy đã là con người mới, mắc nợ Chúa về đủ mọi mặt, nhất là Chúa đã chết thay chỗ cho chính mình, nên tự nhắc mình rằng: Ta đã được mua chuộc bằng một giá rất đắt, nên ta không còn là của chính ta nữa. Suy nghĩ như vậy, người tin Chúa quyết tâm sống trọn vẹn cho vinh quang của Chúa là Đấng đã hi sinh vì mình, và đã phục sinh khải hoàn. Người tin Chúa mong ước dâng trọn thân, hồn, linh cho Chúa Giê-xu. Đây chính là đặc tính làm cho người tin Chúa khác với mọi người trong đời.
Nhiều người tin Chúa nhưng thất bại trong việc sống vì Chúa, sống cho Chúa, nên cẩn thận, vì có thể ta đã theo Chúa lâu nay một cách vô ích. Đó là hình ảnh rất đáng thương.
Nguyên tắc thứ ba: Cuộc đời người tin Chúa phải được chế ngự bằng những ý nghĩ về thiên đàng và thế giới trong tương lai.
"Hãy vui vẻ và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm..." Đây là một tư tưởng được khai triển rất nhiều trong Kinh Thánh Tân Ước. Hê-bơ-rơ 11 cũng đã tóm tắt tư tưởng này của Kinh Thánh Cựu Ước. Tác giả liệt kê những anh hùng đức tin thời Cựu Ước rồi kết luận: Họ là những người đang tìm về quê hương. Họ mong đợi một quê hương ở trên trời, vì Chúa đã sắm sẵn cho họ một thành. Đây là bí quyết mà các anh hùng đức tin đã coi thường cái chết để giữ vững lòng tin.
Đây chính là điều khác biệt giữa người tin Chúa và người không tin Chúa. Người không tin Chúa làm bất cứ điều gì mình có thể làm, sống nhanh, sống vội trong đời tạm này và không bao giờ nghĩ đến một đời sau nào cả. Đó là lý do mà con người phóng đãng, mong hưởng thụ hết lạc thú trong đời và được thỏa mãn tham dục. Xã hội loài người chống lại ý nghĩ về một thế giới tương lai và nhất là tránh nói đến cái chết, vì coi chết là hết, là tuyệt vọng. Người không tin Chúa rất ghét nói đến tương lai sau khi chết, và chỉ muốn nghĩ đến những gì thấy trước mắt trong đời.
Người tin Chúa khác hẳn, chủ trương rằng tất cả lý tưởng của đời người là vì Chúa, vì cuộc đời vĩnh hằng trong tương lai. Quan niệm như thế đưa đến một lối sống coi vật chất là tiện nghi, coi cuộc đời là tạm, coi mình như lữ khách. Hơn nữa, vì sống cho Chúa nên không muốn thỏa mãn tham dục của mình, tránh xa đời sống vô luân để xứng đáng sống trong cõi vĩnh hằng.
Ba nguyên tắc vừa kể đã được Chúa Giê-xu dẫn chứng bằng thái độ của người tin Chúa đối với cuộc bách hại vì lòng tin. Ta nên nhớ rằng lời Chúa nói đây chỉ áp dụng cho người bị bách hại vì danh Chúa chứ không vì lý do nào khác cả. Phước hạnh được hứa ban cho những ai vâng theo đúng những điều kiện. Lời hứa nào cũng có những điều kiện, đó là tất yếu. Lời hứa dành riêng cho những ai là người mới trong Chúa, nghĩa là tin Chúa chân thật.
Người tin Chúa đối đầu với bách hại, thử thách như thế nào?
Cuộc bách hại có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Có thể rất tàn bạo, bị bắt, bỏ tù hay là trại cải tạo, bị loại ra khỏi một chức vụ,bị bắn chết hay là âm mưu hạ sát để thủ tiêu, cũng có thể diễu cợt, chê cười giữa chỗ đông người v.v. Còn nhiều hình thức bách hại lắm. Đây không phải là chuyện ngày xưa, mà ngay trong thời đại chúng ta. Nhưng các hình thức ấy không đáng quan tâm cho bằng thái độ của người tin Chúa trong các hoàn cảnh đó ra sao.
Trước tiên, người tin Chúa không được phép trả thù. Đây là điều chính Chúa dạy, và cũng đã nêu gương. Chúng ta là người của Chúa, phải theo gương Chúa. Đây là điểm làm ta khác với người vô tín.
Không những không báo thù nhưng còn tránh tức bực nữa. Đây là việc khó làm hơn. Vì làm sao tránh được xúc động và tức giận? Chúng ta nên nhớ rằng, nếu chúng ta nổi giận, hay nói những lời không hay là làm nhục Chúa. Chúng ta phải vượt xa hơn thái độ tầm thường đó.
Phản ứng thứ ba là chúng ta sẽ không để cho cơn bách hại làm cho mình thất vọng. Tất nhiên là chúng ta sẽ buồn và thắc mắc, nhưng hãy hoàn toàn tin cậy Chúa và không tuyệt vọng. Chúa bảo, "Hãy vui vẻ, nức lòng mừng rỡ". Đây là điều khó vô cùng đối với người tin Chúa, vì ngược hẳn với bản tính của con người tự nhiên nhưng đó chính là lối của Chúa.
Trong bài sau, chúng ta sẽ có dịp phân tích rõ hơn về câu "Hãy vui vẻ và nức lòng mừng rỡ". Riêng bài này xin tóm tắt như sau:
Người đã tin Chúa phải nhớ rằng mình là một con người khác trong thế tục. Mục tiêu sống của con người mới là tôn vinh Chúa. Hi vọng sống là đợi chờ một ngày gặp mặt Chúa và vào cõi vĩnh hằng với Chúa. Phản ứng đối với các cơn bách hại là không được báo thù, không được giận hờn, và phải vui vẻ nức lòng mừng rỡ.
Bạn có thể áp dụng bài học này vào cuộc sống hiện tại của mình không? Cầu Chúa giúp bạn.