“Họ chiếm lấy những thành bền vững, và ruộng đất màu mỡ, được những nhà đầy các vật tốt lành, những giếng đào, vườn nho, vườn ô-li-ve, và cây trái rất nhiều; chúng ăn, bèn được no nê, và mập béo, vui lòng trong sự nhân từ lớn lao của Chúa”(câu 25).
Câu hỏi suy ngẫm: Người Ít-ra-ên so về quân sự và kinh nghiệm chiến đấu với các dân tộc trong miền Đất Hứa như thế nào? Nhờ đâu mà người Ít-ra-ên đã chiếm lấy miền Đất Hứa? Bài học giúp bạn nghĩ gì về hành trình đức tin của mình?
Sau những vấp váp trong hành trình đức tin lâu dài nơi hoang mạc, cuối cùng tổ phụ người Ít-ra-ên cũng tiến đến với miền Đất Hứa mà Đức Chúa Trời hứa ban. Thế nhưng nào dễ dàng để chiếm lấy miền Đất Hứa ấy khi tổ phụ họ chỉ là một nhóm dân du mục chỉ với bốn mươi năm kinh nghiệm rong ruổi nơi hoang mạc. Nếu so về sức mạnh quân sự hay kinh nghiệm chiến đấu thì tổ phụ họ không cách nào sánh với các nước này được. Nhưng khi hậu tự của người Ít-ra-ên nhìn về lịch sử lẫy lừng của tổ phụ mình, họ tin rằng chính Đức Chúa Trời là Đấng làm nên những chiến công trong những cuộc chiến chiếm miền Đất Hứa. Chúng ta thấy được sự chủ động của Chúa bao phủ cả phân đoạn này. Cụ thể như, Ngài “ban cho,” hay “phân phát” các dân tộc khác cho tổ phụ họ; Ngài “thêm nhiều” con cháu cho họ, và “đưa” tổ phụ họ vào miền Đất Hứa (câu 22-23). Chính bởi sự chủ động hoàn toàn của Chúa, dân Chúa chỉ việc vâng theo Đấng “bắt phục trước mặt họ các dân của xứ” mà tổ phụ họ đã chiếm lấy miền Đất Hứa ấy cách lạ lùng ngoài sức tưởng tượng. Có thể nói, tổ phụ người Ít-ra-ên chiếm được miền Đất Hứa không phải do họ có binh tài tướng mạnh, nhưng bởi vì Chúa là Đấng thành tín, Ngài luôn làm thành những điều Ngài hứa. Nhờ đó, tổ phụ người Ít-ra-ên có thể vui thỏa và tận hưởng những vật tốt lành trong miền Đất Hứa ấy (câu 24-25).
Ngày nay, những điều tốt lành mà chúng ta tận hưởng mỗi ngày không phải vì chúng ta tài năng hay xứng đáng. Những gì chúng ta nhận được nói lên rằng Chúa thật tốt lành với chúng ta. Dù chúng ta thường xuyên làm gãy đổ những kết ước với Chúa, nhưng bao giờ Ngài cũng sẵn sàng tha thứ, hay làm ơn, thương xót, chậm nóng giận, và dư đầy lòng nhân từ trên con dân Ngài. Khi nhìn về hành trình đức tin của tổ phụ người Ít-ra-ên và ngẫm nghĩ về hành trình đức tin của chính mình, chúng ta ít nhiều sẽ đồng cảm với tổ phụ của họ. Có những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời, chúng ta nhìn thấy thật chỉ bởi lòng nhân từ và đức thành tín của Đức Chúa Trời mà chúng ta mới có được ngày hôm nay.
Khi nhìn về cuộc đời mình, đâu là điều bạn muốn dâng lời cảm tạ lên Đấng giữ giao ước đến ngàn đời?
Cảm tạ Chúa về sự thành tín của Ngài trên cuộc đời con. Xin nhắc nhở con rằng, mọi điều con có không đến từ nỗ lực của bản thân, nhưng đến từ sự nhân từ và thành tín của Ngài.
(c) 2024 svtk.net