Xin đọc lại Phúc-Âm Ma-thi-ơ 5:1-12.
Chúng ta lưu ý đến hai câu 11 và 12. Trong bài trước chúng ta đã nói đến phản ứng của người tin Chúa trước hoàn cảnh chống đối của xã hội. Chúng ta đã nói đến ba nguyên tắc Chúa dạy là:
1. Người tin Chúa không giống bất cứ người nào chưa tin Chúa.
2. Cuộc đời người tin Chúa có Chúa Giê-xu làm chủ và quản trị.
3. Cuộc đời người tin Chúa phải tập trung vào những ý nghĩ về thiên đàng và thế giới trong tương lai.
Bài này, chúng ta sẽ phân tích lời dạy của Chúa về "Vui vẻ và nức lòng mừng rỡ" trong cơn hoạn nạn, thử thách vì danh nghĩa của Chúa, vì Chúa. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao người tin Chúa có thể vui trong khi chịu khổ vì Chúa được?
Dĩ nhiên người tin Chúa không vui vì có cuộc bách hại. Vì có cuộc bách hại nào lại làm cho người ta vui cười được, như thế là trái tự nhiên. Con người bị thương biết đau, bị nhục biết tủi, bị hành hạ vô lý, khó chịu, cay đắng.
Mặt khác, nếu chịu khổ với ý nghĩ: "Ta hãnh diện chịu khổ để cho kẻ thù thấy rằng ta hơn hẳn chúng một bậc, chúng hành hạ ta vì chúng thấp kém, không hiểu biết.", thì chúng ta đang mang tâm trạng của những người giả hình. Ta phải hiểu hành động bạo tàn của kẻ thù đối với ta là một điều đáng tiếc, vì những con người đó đã bất nhân, đã độc ác như quỷ sứ chỉ vì tội ác hoành hành dưới sự chỉ huy của Sa-tan, quỷ vương. Chúng ta đau đớn không những vì vết thương, nhưng còn vì ảnh hưởng tai hại của tội ác. Như thế, người tin Chúa không bao giờ vui trong hành động bách hại cả.
Nhưng Chúa dạy: "Hãy vui vẻ và nức lòng mừng rỡ" là thế nào? Chính Chúa Giê-xu đã trả lời câu hỏi này.
Trước tiên, cuộc bách hại người ấy chịu là vì Chúa, và là bằng chứng cho thấy rõ người ấy là ai, và bản chất như thế nào. Chúa Giê-xu dạy: "Hãy vui vẻ và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng dành cho các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm. Vì họ cũng từng bách hại các sứ giả của Chúa trước các ngươi như vậy." Như thế nếu vì danh Chúa mà ta bị người đời làm hại và vu cáo, ta biết ta cũng như các sứ giả của Chúa, những bậc tôi trung của Ngài hiện đang ở với Chúa trong vinh quang, hoan lạc. Đó chính là điều đáng vui mừng. Đây là một trong những cách Chúa biến hoàn cảnh ra cuộc chiến thắng. Nói một cách khác, Chúa biến ngay điều gian ác thành ra nguyên nhân đem lại phúc hạnh.
Thuộc hạ của Sa-tan bách hại người tin Chúa và làm cho người ấy khốn khổ. Nhưng nếu nhìn cho đúng ta thấy có điều đáng mừng. Ta có thể quay lại Sa-tan mà nói rằng: "Cám ơn nhà ngươi, vì ngươi đã cho ta bằng chứng rõ ràng rằng ta là con của Chúa, nếu không, ta sẽ không bao giờ vì danh Chúa mà bị bách hại được."
Gia-cơ trong thư của ông cũng lý luận rằng: Sự thử thách là bằng cớ minh chứng là ta đã được Chúa gọi và là con thật của Chúa, tức là cách ta biết chắc ta là con của Chúa.
Nói một cách khác, khi chịu khổ vì Chúa như vậy, ta đã xác định rõ mình là người của Chúa. Vì nếu ta bị vu cáo, làm hại như Chúa ngày xưa, tức là cuộc đời ta đã thuộc hẳn về Chúa. Ta đã bị ngược đãi như Chúa, đúng như lời Chúa đã tiên đóan. Vì trước khi về trời, Chúa đã nói rằng việc bách hại sẽ chắc chắn xẩy ra. Sứ đồ Phao-lô viết: "Chúa nhân Chúa Cứu Thế, ban ơn cho anh em, không những tin Chúa Cứu Thế mà thôi, lại phải chịu khổ vì Ngài nữa." Phi-líp 1:29. Vì vậy, khi người tin Chúa gặp khổ nạn thì biết rằng đó là bằng chứng mình là con thật của Chúa.
Lý do thứ hai về việc vui vẻ và nức lòng mừng rỡ là: "Vì phần thưởng của các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm." Đây là một giáo lý được giải bầy trong suốt Kinh-thánh. Chúa Giê-xu dường như bảo rằng: "Nếu cuộc khổ nạn xảy ra cho con, đó là dấu hiệu con đang trên đường về nước Trời." Nghĩa là nhãn hiệu nước Trời đã được ghi rõ trên cuộc đời của con. Nước Trời là nơi cuối cùng của đời con. Người đời gây khổ nạn cho con vì con không thuộc về họ, con là người khác hẳn, thuộc về một lãnh giới khác với trần tục này. Đó chính là lý do mà Chúa bảo hãy nức lòng mừng rỡ.
Ta có thể nói thêm, căn cứ vào những gì xảy ra cho ta, ta biết được ba điều: 1. Xác định rõ ta là ai. 2. Ta biết rõ nơi đến của hành trình là nơi nào. 3. Ta biết phần thưởng của ta và những gì đang chờ đợi ta.
Sứ đồ Phao-lô từng dạy: "Vì hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta cho chúng ta vinh quang cao trọng đời đời, vô lượng vô biên. Vì chúng ta không chú trọng vào những việc thấy được, nhưng chú tâm vào những gì vô hình. Vì những gì thấy được là tạm bợ, còn nhừng gì vô hình tồn tại đời đời vĩnh hằng."
Dĩ nhiên câu hỏi nhiều người đọc đến đây có thể đặt ra là: Đây có phải là phần thưởng đáng nêu cao hay không? Người tin Chúa có nên hướng tất cả động cơ sống của mình vào phần thưởng sẽ còn lại trên trời hay không?
Có người thường bảo rằng: Tôi không thích cái ý nghĩ theo Chúa để được thưởng và tránh bị phạt. Đời sống người tin Chúa phải là một lối sống cao hơn thế chứ. Những người nói như vậy có ý không thích nghe nói về thiên đàng và hỏa ngục, mà chỉ muốn chú trọng vào cuộc sống tốt đẹp ngay trên đất này mà thôi. Tất nhiên đó là những người chỉ thích triết lý sống của Cơ-đốc-giáo, nghĩa là sống với cái kiêu hãnh là hơn người, là đã tìm được con đường chân chính.
Nhưng nghĩ như vậy là hoàn toàn trái ngược với Kinh-thánh là Lời Chúa. Bất cứ tư tưởng nào dù cho hay đến đâu, nhưng quá xa lạ với Kinh-thánh đều là sai lầm cả. Niềm tin Cơ-đốc chân chính phải được thử luyện bằng Kinh-thánh. Các lý thuyết vừa kể nghe cũng trí thức lắm, nhưng làm sao giải thích khi đọc lời chính Chúa Giê-xu nói: "Hãy vui vẻ và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng của các người ở trên trời sẽ lớn lắm."? Còn lời trong thư Hê-bơ-rơ 12 ghi: "Nhìn xem Chúa Giê-xu là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời." thì sao?
Những người coi thường phần thưởng trên trời có thể uyên bác về Chúa hơn Phao-lô được chăng? Phao-lô dạy trong I Cô-rinh-tô 3:12-14 rằng: "Nếu có kẻ lấy vàng, bạc, bửu thạch, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy, thì công việc mỗi người sẽ bày tỏ ra. Ngày đến sẽ tỏ tường công việc đó; nó sẽ trình ra trong lửa, và công việc của mỗi người đáng giá nào, lửa sẽ chỉ ra. Công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì thợ đó sẽ lãnh phần thưởng mình." Xem thế ta thấy phần thưởng là một điều rất được chú trọng trong cuộc đời theo Chúa. Vì sẽ có một ngày, mỗi người tin Chúa sẽ ứng hầu trước tòa của Chúa. Phao-lô biết chắc mão triều thiên đã dành sẵn cho ông và cho tất cả những ai tin Chúa trung kiên. Đó là lời Kinh-thánh dạy để khuyến khích những người tin Chúa. Đừng ai thay những lời dạy của Kinh-thánh bằng những triết thuyết xa lạ với Kinh-thánh. Vì đây là những lời dạy với nghĩa đen chứ không phải nghĩa bóng.
Nhưng có thể còn một câu hỏi nữa, đó là: "Làm sao có việc tưởng thưởng này? Vì tôi nghĩ rằng tất cả là do ân sủng Chúa ban, và con người được cứu là do ân sủng của Chúa cả chứ, tại sao lại nói về phần thưởng?"
Theo Kinh-thánh thì ngay phần thưởng sau này của mỗi người cũng là trong ân sủng Chúa ban cả. Nói như thế không có nghĩa là tôi có thể làm nghĩa cử nào đó để được cứu. Nhưng chỉ có nghĩa là, Chúa đối với chúng ta như Cha đối với con. Người Cha bảo con có bổn phận làm những công việc nào đó và cũng bảo rằng nếu làm xong, sẽ có thưởng. Không phải đứa con xứng đáng được thưởng nên Cha phải thưởng, nhưng đó là biểu lộ tình thương của Cha.
Người tin Chúa luôn luôn nghĩ về cuối cùng. Người ấy không chú trọng vào vật thấy được, nhưng lưu tâm về những gì vô hình. Phần thưởng trên trời không phải là những gì thấy được, nhưng là các giá trị vô cùng cao quý mà không gì trên mặt đất so sánh được. Chính vì vậy mà Chúa dạy: "Hãy vui vẻ và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các con ở trên trời sẽ lớn lắm." Những gì thánh thiện nhất, công chính nhất, đẹp nhất, hoàn toàn nhất v.v. sẽ là của những ai tin Chúa và bằng lòng sống vì Chúa.
Bạn có thường nghĩ về nước trời và ngày ta vào với Chúa không? Nước trời có làm bạn phấn khởi, hăng hái sống để vào đó không, hay là bạn còn sợ hãi một điều nào, một việc gì?
Bạn thân mến, Chúa Giê-xu bảo mỗi chúng ta trong lúc gặp khổ nạn vì Chúa, hãy vui vẻ và nức lòng mừng rỡ vì một ngày kia, mỗi người đã thắng các cơn khổ nạn, sẽ được hưởng phúc lành hoàn toàn với Chúa. Đây có phải là lý do bạn đang sống và phục vụ Chúa chăng?