“Ta muốn lòng nhân từ, không muốn của tế lễ” (Ma-thi-ơ 12:7).
Câu hỏi suy ngẫm: Những người Pha-ri-si tố cáo các môn đệ của Chúa Giê-xu điều gì? Tại sao Chúa Giê-xu nhắc việc ông Đa-vít ăn bánh thánh? Câu “Ta muốn lòng nhân từ, không muốn của tế lễ” có ý nghĩa gì? Bạn học được gì qua phân đoạn này?
Người Pha-ri-si tố cáo các môn đệ của Chúa vi phạm điều răn thứ tư, đó là làm việc trong ngày Sa-bát (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11). Điều răn này nhằm giúp con dân Chúa phục hồi sức khỏe sau một tuần làm việc và là dịp thờ phượng Chúa để làm tươi mới tâm linh. Nhưng người Pha-ri-si suy diễn điều răn này thành vô số điều cấm kỵ mà họ cho là “làm việc.” Họ nói rằng bứt bông lúa chính là gặt lúa, vò cho tróc vỏ khác nào xay lúa. Cho nên họ tố cáo các môn đệ của Chúa đã “làm việc” trong ngày Sa-bát. Các môn đệ không bị lên án là ăn cắp, vì luật Chúa cho phép các lữ khách đói bụng có thể lấy tay bứt gié lúa để ăn (Phục Truyền 23:25). Chúa vì ích lợi cho loài người mà lập ngày Sa-bát (Mác 2:27), nhưng các người Pha-ri-si đã biến ý tốt của Chúa thành gánh nặng!
Chúa nhắc cho họ nhớ trong I Sa-mu-ên 21:1-6 ghi câu chuyện ông Đa-vít và nhóm tùy tùng bị Vua
Sau-lơ đuổi giết. Chạy đến thành Nóp, ông Đa-vít xin bánh Thầy Tế lễ A-hi-mê-léc vì đang đói. Thầy tế lễ không có bánh thường nên giao bánh thánh cho ông
Đa-vít và người của ông ăn mà không bị định tội. Chúa Giê-xu muốn dạy rằng, dù luật nghi lễ giới hạn bánh thánh chỉ cho thầy tế lễ và các con trai người sử dụng (Lê-vi Ký 24:5-9), nhưng vì nhu cầu cứu đói cấp bách trước mắt, thầy tế lễ đã cho ông Đa-vít và tùy tùng của ông ăn mà không ai bị lên án. Rồi Chúa Giê-xu trích trong Ô-sê 6:6, “Ta muốn lòng nhân từ, không muốn của tế lễ” để dạy rằng tinh thần của luật lệ là để giúp ích cho con người, vậy có những trường hợp, vì lòng thương xót, đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của con người, thì có thể vượt trên cả luật pháp.
Chúng ta cần phân biệt luật pháp của Đức Chúa Trời và luật truyền thống do con người đặt ra. Những luật lệ và nghi lễ nào trái nghịch với lời dạy của Chúa thì phải bị loại bỏ. Hơn nữa, vì tình yêu thương, có lúc phải linh động ưu tiên đáp ứng nhu cầu khẩn cấp trước mắt của người cần cứu giúp, vượt trên những luật lệ, nghi lễ. Thí dụ tạm thời bỏ buổi nhóm thờ phượng để giúp đưa người bị bệnh nặng đến bệnh viện. Luật lệ và nghi lễ phải giúp cho con người thờ phượng Chúa và tái tạo tâm linh, nhưng luật lệ nào chất gánh nặng trên con người là thiếu tình yêu. Đáp ứng luật lệ và nghi lễ là bổn phận nhưng tình yêu luôn đặt con người lên trên luật lệ và nghi lễ.
Theo bạn, trong trường hợp nào tình yêu có thể vượt lên trên luật lệ và nghi lễ?
Lạy Chúa xin mở mắt con để thấy tinh thần của các luật lệ là vì ích lợi cho con người, để con đừng cứng nhắc biến luật lệ Chúa thành gánh nặng gò bó.
(c) 2024 svtk.net