Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 3

1:11-24 TIN LÀNH CỦA PHAO-LÔ

11 Hỡi anh em, tôi nói cho anh em rằng, Tin Lành mà tôi đã truyền, chẳng phải đến từ loài người đâu; 12 vì tôi không nhận và cũng không học Tin Lành đó với một người nào, nhưng đã nhận lấy bởi sự tỏ ra của Đức Chúa Jêsus Christ.

13 Vả, anh em đã nghe lúc trước tôi theo giáo Giu-đa, cách cư xử của tôi là thể nào, tôi bắt bớ và phá tán Hội thánh của Đức Chúa Trời quá chừng; 14 tôi tấn tới trong giáo Giu-đa hơn nhiều người cùng tuổi cùng nước với tôi, tôi là người sốt sắng quá đỗi về cựu truyền của tổ phụ tôi. 15 Nhưng khi Đức Chúa Trời, là Đấng đã để riêng tôi ra từ lúc còn trong lòng mẹ, và lấy ân điển gọi tôi, vui lòng 16 bày tỏ Con của Ngài ra trong tôi, hầu cho tôi rao truyền Con đó ra trong người ngoại đạo, thì lập tức tôi chẳng bàn với thịt và máu. 17 Tôi cũng không lên thành Giê-ru-sa-lem, đến cùng những người đã làm sứ đồ trước tôi, song tôi đi qua xứ A-ra-bi; sau rồi trở về thành Đa-mách.

18 Kế đó, mãn ba năm, tôi lên thành Giê-ru-sa-lem, đặng làm quen với Sê-pha, và tôi ở với người mười lăm ngày; 19 nhưng tôi không thấy một sứ đồ nào khác, trừ ra Gia-cơ là anh em của Chúa. 20 Thật, trước mặt Đức Chúa Trời, tôi quyết rằng điều tôi viết cho anh em đây chẳng phải là điều dối.

21 Sau lại, tôi đi qua các miền thuộc xứ Sy-ri và xứ Si-li-si, 22 bấy giờ tôi còn là kẻ lạ mặt trong các Hội thánh tại xứ Giu-đê, là các hội ở trong Đấng Christ. 23 Chỉn các hội đó có nghe rằng: Người đã bắt bớ chúng ta ngày trước, nay đang truyền đạo mà lúc bấy giờ người cố sức phá. 24 Vậy thì, các hội đó vì cớ tôi khen ngợi Đức Chúa Trời.

 

1. Xin cho biết những đặc điểm của Tin Lành mà Phao-lô đã truyền (c. 11-12).

2. “Sự tỏ ra của Đức Chúa Giê-xu Christ” nghĩa là gì?

3. Xin so sánh cuộc đời của Phao-lô trước và sau khi gặp Chúa (c. 13-17).

4. Điểm quan trọng Phao-lô nhấn mạnh sau khi ông gặp Chúa là gì (c. 17a)? Tại sao Phao-lô nhấn mạnh điều nầy?

5. Xin đọc Công vụ 9:26-27 và cho biết sự việc trong câu Ga-la-ti 1:18 xảy ra khi nào?

6. Theo câu 23, lý do nào khiến các Hội Thánh thuộc xứ Sy-ri và Si-li-si “khen ngợi Đức Chúa Trời” (c. 24)?

 

Phân đoạn trước (1:6-10), Phao-lô nói về tin lành khác (c. 6), trong khi thật sự chỉ có một tin lành duy nhất mà thôi! Tin Lành này là Tin Lành nào? Phao-lô cho thấy Tin Lành chân chính là Tin Lành bắt nguồn từ Đức Chúa Trời, không phải từ con người. Phao-lô trình bày điều nầy trong 1:11-24.

Phao-lô bắt đầu phần nầy với câu, Tôi NÓI cho anh em rằng… (c. 11a). Động từ nói mang ý nghĩa “làm cho sáng tỏ,” “minh chứng.” Bản Hiệu Đính dịch, “Tôi muốn anh em BIẾT rằng…” Những chữ tiếp theo sau động từ nầy mang ý nghĩa một lời khẳng định hay xác nhận quan trọng. Trước hết, Phao-lô khẳng định: Tin Lành chân chính hay Tin Lành ông rao giảng, Chẳng phải đến từ loài người đâu! (c. 11b). Đến từ loài người mang ý nghĩa phát xuất từ con người.

Điểm thứ hai Phao-lô xác nhận là, Tôi không nhận và cũng không học Tin Lành đó với một người nào (c. 12a). Tin Lành Phao-lô rao giảng chẳng những không phải là sản phẩm của con người (c. 11) nhưng ông cũng không nhận và không học từ một người nào, hàm ý ông ngang hàng với các sứ đồ.

Điều thứ ba Phao-lô cho biết là ông đã nhận lấy bởi sự tỏ ra của Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 12b). Sự tỏ ra nói đến mạc khải, chính Chúa Giê-xu bày tỏ cho ông biết về Ngài trên đường đến Đa-mách (Công vụ 9:4-6). Phao-lô xác nhận điều nầy trong I Cô-rinh-tô 15:8 và Ga-la-ti 1:16. Thời gian Phao-lô ở A-ra-bi (c. 17) có lẽ là lúc ông nhận được toàn bộ sự mạc khải nầy.

Phao-lô đưa ra lời chứng về việc ông gặp Chúa từ câu 13-24 với điểm nhấn mạnh là ông nhận Phúc Âm từ Chúa chứ không phải từ các sứ đồ khác là những người ông chỉ gặp trong một thời gian ngắn (c. 17-19).

Phao-lô đối chiếu đời sống của ông trước và sau khi gặp Chúa như sau:

 

TRƯỚC KHI

GẶP CHÚA

CÁCH ĐƯỢC

GẶP CHÚA

SAU KHI

GẶP CHÚA

Theo giáo Giu-đa

Được Đức Chúa Trời để riêng từ lúc còn trong lòng mẹ

Không bàn với thịt và máu

Bắt bớ và phá tán Hội Thánh

Lấy ân điển gọi tôi

Không lên Giê-ru-sa-lem

Tấn tới trong giáo Giu-đa hơn nhiều người cùng tuổi cùng nước

Bày tỏ Con của Ngài ra trong tôi

Đi qua xứ A-ra-bi

Sốt sắng quá đỗi về cựu truyền của tổ phụ

Để tôi rao truyền Con đó ra cho người ngoại đạo

Trở về Đa-mách

 

 

Lên Giê-ru-sa-lem gặp Sê-pha

 

Chữ quan trọng trong câu 13 là cách cư xử: Anh em đã nghe lúc trước tôi theo giáo Giu-đa, cách cư xử của tôi là thể nào. Cách cư xử nói đến lối sống. Phao-lô theo Do-thái giáo không phải như một người theo đạo nhưng ông thật sự sống với niềm tin của mình. Vì vậy ông đã hành động đúng theo những gì mình tin: bắt bớ và phá tán Hội Thánh, sốt sắng quá đỗi về cựu truyền của tổ phụ. Chẳng những vậy, Phao-lô còn là người tấn tới hơn nhiều người cùng tuổi cùng nước. Phao-lô đối chiếu như vậy để cho độc giả thấy rằng ông không phải là người không am hiểu hay không sống đúng theo Do-thái giáo là nếp sống mà những người theo chủ trương duy luật muốn các tín hữu Ga-la-ti quay trở lại. Phao-lô cho thấy rằng Phúc Âm của Chúa Giê-xu đã thay đổi ông hoàn toàn, từ một người theo Do-thái giáo cực đoan trở thành sứ đồ của Chúa Giê-xu.

Đối chiếu giữa câu 13-14 với 15-16, chúng ta thấy rõ việc Đức Chúa Trời làm trong đời sống của Phao-lô. Trong các câu 13-14, Phao-lô nói về chính ông (chữ tôi được dùng bảy lần) nhưng trong các câu 15-16, Phao-lô nói đến điều Đức Chúa Trời làm cho ông. Ba điều Chúa làm cho ông là:

(1) Được Ngài biệt riêng từ lúc còn trong lòng mẹ. Tương tự như điều xảy ra cho tiên tri Giê-rê-mi (Giê-rê-mi 1:5).

(2) Lấy ân điển gọi ông. Phao-lô luôn luôn ý thức về ân sủng của Đức Chúa Trời trong đời sống (I Cô. 15:10; I Ti. 1:14).

(3) Bày tỏ Con của Ngài ra cho ông. Nhắc lại điều đã thật sự xảy ra cho Phao-lô trên đường đến thành Đa-mách (Công vụ 9:5).

Phao-lô xác nhận mục đích Chúa kêu gọi ông là để trở thành sứ đồ cho Dân Ngoại: Hầu cho tôi rao truyền Con đó ra trong người ngoại đạo (c. 15b).

Những điều Phao-lô làm sau khi gặp Chúa là:

(1) Không bàn với thịt và máu. Thịt và máu là lối nói ví von, chỉ về con người thể xác với những giới hạn của nó. Cũng tương tự như chúng ta nói, “Con người bằng xương bằng thịt.” Khi Phi-e-rơ xưng nhận Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời Hằng Sống, Chúa Giê-xu cho Phi-e-rơ thấy rằng hiểu biết đó không đến từ con người: Chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu (Ma-thi-ơ 16:17). Ở đây Phao-lô cho thấy sau khi tin nhận Chúa, ông không tham khảo ý kiến hay hội ý với một người nào (“Tôi không bàn với loài người,” BHĐ).

(2) Không lên Giê-ru-sa-lem. Hàm ý không lên đó để gặp các sứ đồ.

(3) Đi qua xứ A-ra-bi. Đây có lẽ là vùng hoang mạc gần Đa-mách. Phao-lô không cho biết ông qua đó làm gì nhưng tương tự như các vị tiên tri trong Cựu Ước (Môi-se, Ê-li…) và chính Chúa Giê-xu, thời gian trong nơi vắng vẻ là lúc học hỏi và nhận mạc khải từ Đức Chúa Trời. Sách Công vụ không nói gì về việc Phao-lô đi qua xứ A-ra-bi sau khi ông tin Chúa, có lẽ đó là phần được hiểu ngầm giữa câu 22 và 23 của Công vụ 9.

(4) Lên Giê-ru-sa-lem gặp Sê-pha. Sê-pha là tên của sứ đồ Phi-e-rơ trong tiếng A-ram, ngôn ngữ của người Do-thái lúc bấy giờ (Phi-e-rơ là tên trong tiếng Hy-lạp). Việc gặp gỡ nầy là điều hàm ý trong Công vụ 9:26-29. Mục đích của cuộc gặp gỡ là để làm quen (c. 18). Có lẽ Phao-lô trao đổi với Phi-e-rơ về kinh nghiệm gặp Chúa của ông và Phi-e-rơ nói về kinh nghiệm của mình trong những năm với Chúa Giê-xu.

Phao-lô có ý nhấn mạnh trong lần gặp gỡ nầy, ông chỉ gặp thêm một sứ đồ khác là Gia-cơ mà thôi. Gia-cơ là người em cùng mẹ với Chúa Giê-xu. Trước kia Gia-cơ không tin Chúa Giê-xu (Giăng 7:5) nhưng sau khi Chúa phục sinh, Gia-cơ là một trong số các môn đồ đã họp lại cầu nguyện để chờ đợi Đức Thánh Linh (Công vụ 1:14). Theo tinh thần của Công vụ 15:13, Gia-cơ là người lãnh đạo Hội Thánh Giê-ru-sa-lem lúc có hội nghị tại đây. Phao-lô nhấn mạnh ông chỉ gặp Phi-e-rơ và Gia-cơ với tính cách xã giao cho độc giả thấy rằng Phúc Âm ông rao giảng là điều ông nhận trực tiếp từ Chúa chứ không phải qua các sứ đồ. Phao-lô xác quyết điều nầy trong câu 20:

Thật, trước mặt Đức Chúa Trời, tôi quyết rằng điều tôi viết cho anh em đây chẳng phải là điều dối!

Lịch trình tiếp theo của Phao-lô là Sy-ri và Si-li-si:

Sau lại, tôi đi qua các miền thuộc xứ Sy-ri và xứ Si-li-si (c. 21)

Đúng thứ tự hơn là Si-li-si và Sy-ri theo Công vụ 9:30 và 11:25-26. Tạt-sơ, quê hương của Phao-lô là ở Si-li-si (Công vụ 9:30). Sau đó, Ba-na-ba đã qua Tạt-sơ, đem Phao-lô về An-ti-ốt, xứ Sy-ri với một chức vụ thành công tại đó (Công vụ 11:25-26).

Sau khi tin nhận Chúa, Phao-lô đã sống những năm âm thầm, đặc biệt là đối với các tín hữu Do-thái:

Bấy giờ tôi còn là kẻ lạ mặt trong các Hội thánh tại xứ Giu-đê, là các hội ở trong Đấng Christ (c. 22)

Kẻ lạ mặt nghĩa là các tín hữu tại Giu-đê chưa biết mặt Phao-lô:

Lúc ấy, các Hội Thánh của Đấng Christ ở Giu-đê chưa biết mặt tôi (c. 22, Bản Hiệu Đính)

Họ chưa gặp Phao-lô, nhưng điều họ nghe về Phao-lô là:

 Người đã bắt bớ chúng ta ngày trước, nay đang truyền đạo mà lúc bấy giờ người cố sức phá (c. 23)

Và kết quả là:

Vậy thì, các hội đó vì cớ tôi khen ngợi Đức Chúa Trời (c. 24)

Câu nầy cho thấy Đức Chúa Trời đã được tôn vinh qua đời sống thay đổi của Phao-lô dù các tín hữu chỉ nghe nói về ông. Ước mong đời sống của chúng ta cũng đem lại vinh quang cho Chúa như vậy khi người khác nghe nói về chúng ta!