11 Nhưng khi Sê-pha đến thành An-ti-ốt, tôi có ngăn can trước mặt người, vì là đáng trách lắm. 12 Bởi trước lúc mấy kẻ của Gia-cơ sai đi chưa đến, thì người ăn chung với người ngoại; vừa khi họ đã đến thì người lui đứng riêng ra, bởi sợ những kẻ chịu phép cắt bì. 13 Các người Giu-đa khác cũng dùng một cách giả dối như vậy, đến nỗi chính Ba-na-ba cũng bị sự giả hình của họ dẫn dụ. 14 Nhưng khi tôi thấy họ không đi ngay thẳng theo lẽ thật của Tin Lành, thì nói với Sê-pha trước mặt mọi người rằng: Nếu anh là người Giu-đa, mà ăn ở theo cách dân ngoại, không theo cách người Giu-đa, thì làm sao anh ép dân ngoại phải theo thói Giu-đa?
1. Xin đọc Ga-la-ti 1:18; 2:1, 11 và cho biết đây là lần thứ mấy Phao-lô và Sê-pha (Phi-e-rơ) gặp nhau? Xin cho biết đặc điểm của mỗi lần gặp.
2. “Ngăn can trước mặt người” (c. 11b) nghĩa là thế nào?
3. Lý do nào khiến Phao-lô nói Phi-e-rơ “đáng trách”?
3. Việc làm của Phi-e-rơ đã có ảnh hưởng như thế nào (c. 13)?
4. “Lẽ thật của Tin Lành” Phao-lô nói trong câu 14 là gì? Tại sao Phao-lô cho rằng Phi-e-rơ và những người khác đã không đi ngay thẳng theo lẽ thật đó?
5. Xin giải thích câu Phao-lô nói với Phi-e-rơ (c. 14b)?
Vấn đề chính của Thư Ga-la-ti là, người tin Chúa có phải tuân giữ luật pháp Môi-se mới được kể là công chính không? Phao-lô khẳng định là không (2:16). Tuy nhiên, những người chủ trương phải tuân giữ luật Môi-se đã trà trộn vào trong các Hội Thánh vùng Ga-la-ti và truyền dạy điều nầy (tin lành khác, 1:7). Thư Ga-la-ti chủ yếu được viết để đả phá chủ trương nầy và biện minh cho Phúc Âm chân chính. Phao-lô thực hiện điều nầy bằng hai lý luận:
1. Bênh vực chức vụ sứ đồ chân chính của mình (1:1-2:14).
2. Giải thích giáo lý xưng công chính bởi đức tin, không phải bởi tuân giữ luật pháp Môi-se (2:15-5:12).
Trong phần bênh vực chức vụ sứ đồ chân chính của mình, Phao-lô khẳng định những điều sau:
(1) Chức vụ sứ đồ của ông không phải bởi loài người nhưng bởi Chúa Giê-xu và Đức Chúa Cha (1:1).
(2) Phúc Âm Phao-lô rao giảng đến từ sự tỏ ra (mạc khải) của Chúa Giê-xu (1:11-12).
(3) Phao-lô không bàn thảo với bất cứ ai sau khi tin Chúa (1:16-17) nhưng ông đi vào sa mạc A-ra-bi (hàm ý học hỏi trực tiếp với Chúa).
(4) Phao-lô xác nhận tính cách độc lập và ngang hàng giữa ông và các vị sứ đồ (2:6).
Cũng trong phần bênh vực chức vụ sứ đồ, Phao-lô dùng Tít làm bằng chứng cho thấy Dân Ngoại khi tin nhận Chúa Giê-xu không phải chịu phép cắt bì-giữ luật Môi-se (2:3).
Trong phân đoạn 2:11-14, Phao-lô đưa ra lời trách Phi-e-rơ với hàm ý, người Do-thái cũng không nhất thiết phải tuân giữ những luật lệ về ăn uống theo luật Môi-se. Phao-lô trách Phi-e-rơ là vì chính Phi-e-rơ biết điều nầy (người Do-thái không cần phải tuân giữ luật lệ về ăn uống khi đã tin nhận Chúa). Và Phi-e-rơ cũng đã sống như vậy (ăn chung với người ngoại, c. 12a). Tuy nhiên vì sợ những kẻ chịu phép cắt bì (c. 12c) tức là những người chủ trương phải tiếp tục tuân giữ luật Môi-se sau khi tin Chúa, Phi-e-rơ đã lui đứng riêng ra (c. 12b) như thể là mình tuân giữ luật Môi-se. Phao-lô gọi đó là một hành động giả hình (c. 13), đáng trách.
Theo Ga-la-ti 1:18; 2:1 và 11, đây là lần thứ ba Phao-lô gặp nhau. Lần đầu là để làm quen với Phi-e-rơ tại Giê-ru-sa-lem (1:18)-Sê-pha là tên của Phi-e-rơ trong tiếng A-ram, ngôn ngữ của người Do-thái lúc bấy giờ (Giăng 1:42). Lần thứ hai là tại giáo hội nghị Giê-ru-sa-lem (2:1 và Công vụ 15:1-21). Lần thứ ba là tại An-ti-ốt (2:11).
An-ti-ốt là thủ đô của tỉnh Sy-ri theo đơn vị hành chính của La-mã lúc bấy giờ (bao gồm cả vùng Palestine ở phía Nam, Lu-ca 2:2). An-ti-ốt cũng là nơi có Hội Thánh Dân Ngoại đầu tiên (Công vụ 11:19-26) và phát triển mạnh do công khó của Ba-na-ba và Phao-lô (Công vụ 11: 25-26). An-ti-ốt cũng chính là nơi xuất phát ba cuộc hành trình truyền giáo của Phao-lô (Công vụ 13:1; 15:35-36; 18:22-23).
Phi-e-rơ là sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem nhưng đã dời đến An-ti-ốt vào một thời điểm chúng ta không rõ. Phi-e-rơ nhận được mạc khải trực tiếp từ Đức Chúa Trời về việc không được phân biệt giữa Do-thái và Dân Ngoại khi Chúa sai ông đến nhà đội trưởng Cọt-nây (Công vụ 10). Qua mạc khải nầy, Phi-e-rơ hiểu rõ về việc Chúa không phân biệt thú vật sạch và dơ dáy (Công vụ 10:15). Vì vậy Phi-e-rơ đã ăn chung với người ngoại c. 12a) hàm ý là người Do-thái, ông không cần phải tuân giữ luật Môi-se về vấn đề ăn uống.
Tuy nhiên, khi mấy kẻ của Gia-cơ (c. 12a) đến nơi thì Phi-e-rơ lui đứng riêng ra (c. 12b) vì ông sợ những người nầy (c. 12c). Mấy kẻ của Gia-cơ chỉ về những người Do-thái đến từ Giê-ru-sa-lem vì Gia-cơ là vị sứ đồ lãnh đạo tại Giê-ru-sa-lem lúc bấy giờ (Công vụ 15:13). Đây không nhất thiết là những người do Gia-cơ sai đi (c. 12a)-chữ sai đi không có trong nguyên bản: “Người của Gia-cơ” (BHĐ). Đây là những kẻ chịu phép cắt bì (c. 12c) hàm ý họ là những người chủ trương giữ luật Môi-se cách nghiêm khắc.
Phao-lô trách Phi-e-rơ vì Phi-e-rơ biết ăn chung với người ngoại không có gì sai nhưng chỉ vì sợ những người chủ trương duy luật mà ông đã lui đứng riêng ra (c. 12b). Hành động của Phi-e-rơ hàm ý rằng dù tin Chúa Giê-xu, người Do-thái vẫn phải tiếp tục tuân giữ luật Môi-se (không ăn chung với Dân Ngoại). Mặt khác, đó cũng là hành động giả dối (c. 13a) vì chỉ lui đứng riêng ra khi có mặt những kẻ chịu phép cắt bì (c. 12).
Ngăn can trước mặt người (c. 11b) nghĩa là ngăn can cách công khai (“công khai phản đối,” BHĐ). Phi-e-rơ đã hành động công khai, do đó Phao-lô cũng đã phản đối công khai để mọi người đều biết.
Việc Phao-lô trách Phi-e-rơ trong phần nầy cũng cho thấy Phao-lô có thẩm quyền sứ đồ như Phi-e-rơ, dù ông không phải là một trong Mười Hai Sứ Đồ của Chúa Giê-xu.
Lẽ thật của Tin Lành hay chân lý Phúc Âm là điều Phao-lô nhấn mạnh trong phần nầy (2:5, 14). Lẽ thật của Tin Lành nói đến ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời đến với con người qua ân sủng của Ngài và do đức tin của chúng ta chứ không đến từ việc vâng giữ luật pháp.
Phao-lô nói với Phi-e-rơ trước mặt mọi người:
Nếu anh là người Giu-đa, mà ăn ở theo cách dân ngoại, không theo cách người Giu-đa, thì làm sao anh ép dân ngoại phải theo thói Giu-đa (c.14b)
Phi-e-rơ là người Do-thái và biết rõ rằng trong Chúa Giê-xu ông không phải tuân giữ luật pháp Do-thái, ông có thể sống như Dân Ngoại, không phải kiêng cữ các thức ăn mà luật pháp cho là không sạch. Phi-e-rơ đã sống như vậy (Trước lúc mấy kẻ của Gia-cơ sai đi chưa đến, thì người ăn chung với người ngoại, c. 12a). Đó là ăn ở theo cách Dân Ngoại, là cách Phi-e-rơ đã sống. Bây giờ, vì sợ người Do-thái, ông đã lui đứng riêng ra, hàm ý rằng, ông ép dân ngoại phải theo thói Giu-đa. Lời trách nầy hàm ý Phi-e-rơ là người bất nhất, khi thế nầy, khi thế nọ, không sống đúng với những gì mình tin trong mọi trường hợp.