21 Vậy thì luật pháp nghịch cùng lời hứa của Đức Chúa Trời hay sao? Chẳng hề như vậy; vì nếu đã ban cho một luật pháp có thể làm cho sống, thì sự công bình chắc bởi luật pháp mà đến. 22 Nhưng Kinh Thánh đã nhốt hết thảy mọi sự dưới tội lỗi, hầu cho điều chi đã hứa, bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ mà được ban cho những kẻ tin.
23 Trước khi đức tin đến, chúng ta bị nhốt dưới sự canh giữ của luật pháp mà chờ đức tin phải bày ra. 24 Ấy vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình. 25 Song khi đức tin đã đến, chúng ta không còn phục dưới thầy giáo ấy nữa.
26 Vì chưng anh em bởi tin Đức Chúa Jêsus Christ, nên hết thảy đều là con trai của Đức Chúa Trời. 27 Vả, anh em thảy đều chịu phép báp-têm trong Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ vậy. 28 Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đàn ông hoặc đàn bà; vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một. 29 Lại nếu anh em thuộc về Đấng Christ, thì anh em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa.
1. Hai điều Phao-lô đối chiếu với nhau trong các câu 15-20 là gì?
2. Câu hỏi Phao-lô đưa ở đầu câu 21 nhằm giải thích điều gì?
3. “Kinh Thánh đã nhốt hết thảy mọi sự dưới tội lỗi” (c. 22a) nghĩa là thế nào?
4. Tại sao Phao-lô nói, “Luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ?” Luật pháp dẫn chúng ta đến Đấng Christ như thế nào?
5. Xin cho biết những kết quả bởi đức tin của chúng ta trong Chúa Giê-xu và ý nghĩa của mỗi điều áp dụng cho chúng ta:
(1) Câu 26: ______________________________________________________
(2) Câu 27: ______________________________________________________
(3) Câu 28: ______________________________________________________
(4) Câu 29: ______________________________________________________
Hai câu hỏi những người chủ trương duy luật chắc chắn sẽ đưa ra để bắt bẻ Phao-lô (ông dự đoán như vậy) là:
1. Nếu chúng ta được hưởng ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham thì luật pháp để làm gì? Làm sao có luật pháp (c. 19)?
Phao-lô trả lời câu hỏi nầy trong hai câu 19-20 cho thấy luật pháp đã được ban ra là để cho người ta ý thức về tội lỗi (sự phạm phép, c. 19) và mang tính cách tạm thời.
2. Câu hỏi thứ hai: Vậy thì luật pháp nghịch cùng lời hứa của Đức Chúa Trời hay sao (c. 21a)?
Phao-lô trả lời:
Chẳng hề như vậy, vì nếu đã ban cho một luật pháp có thể làm cho sống, thì sự công bình chắc bởi luật pháp mà đến (c. 21b)
Luật pháp nghịch cùng lời hứa của Đức Chúa Trời hàm ý cho rằng Đức Chúa Trời tự mâu thuẫn vì đã ban lời hứa để cứu rỗi lại còn ban luật pháp và nói rằng không thể được cứu bởi luật pháp. Phao-lô khẳng định: Chẳng hề như vậy! Nghĩa là “Tuyệt đối không!” Thật ra, con người có thể được sống nếu vâng giữ trọn luật pháp (Lê-vi ký 18:5; Ga-la-ti 3:12).
Luật pháp đã được ban ra để con người thấy rằng họ không thể tự cứu (vâng giữ luật pháp để được cứu). Kinh Thánh đã nhốt hết thảy mọi sự dưới tội lỗi (c. 22) là như vậy. Đức Chúa Trời ban luật pháp để mọi người thấy rằng mình là tội nhân và không thể tự cứu. Và rồi Đức Chúa Trời chỉ cho con người thấy lời hứa đã được ban cho từ trước. Lời hứa đó là: con người có thể được cứu bởi đức tin trong Chúa Giê-xu là hậu tự của Áp-ra-ham, người được nhắc đến trong lời hứa (c. 16).
Trước khi đức tin đến, chúng ta bị nhốt dưới sự canh giữ của luật pháp mà chờ đức tin phải bày ra (c. 23)
Chữ đức tin trong câu nầy, với mạo tự xác định, mang ý nghĩa đức tin nơi Chúa Giê-xu, tức là nói đến Phúc Âm. Trước khi đức tin đến nghĩa là trước khi chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu.
Chúng ta bị nhốt dưới sự canh giữ của luật pháp mà chờ đức tin phải bày ra theo Bản Hiệu Đính là: “Chúng ta bị nhốt và canh giữ dưới luật pháp cho đến khi đức tin được bày tỏ.” Nhốt (c. 22) mang ý nghĩa “giữ lại, không cho thoát ra.” Canh giữ là hình ảnh người tù bị giam. Chúng ta bị nhốt và canh giữ dưới luật pháp cho đến khi đức tin được bày tỏ nghĩa là trước khi Chúa Giê-xu đến để con người có đức tin nơi Chúa và được cứu thì Đức Chúa Trời ban luật pháp như một thứ rào cản, ngăn cấm con người phạm tội. Luật pháp chỉ là giải pháp tạm thời, đức tin nơi Chúa Giê-xu mới là giải pháp tối hậu. Câu tiếp theo cho thấy rõ ý nghĩa nầy:
Ấy vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình. Song khi đức tin đã đến, chúng ta không còn phục dưới thầy giáo ấy nữa (c. 24-25)
Thầy giáo (paidagogos) không mang ý nghĩa người thầy dạy học nhưng là người quản giáo. Đây là nô lệ trong các gia đình quyền quý trong xã hội Hy-lạp và La-mã ngày xưa với trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ con cháu của các gia đình nầy từ nhỏ cho đến khi các em đến tuổi trưởng thành (4:1). Phao-lô ví sánh luật pháp với người quản giáo đó. Luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ (c. 24a) nghĩa là Đức Chúa Trời đã ban luật pháp và dùng luật pháp làm người hướng dẫn con dân Chúa để họ sẵn sàng tiếp nhận Chúa Giê-xu.
Câu: Hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình (c. 24b) cho thấy đức tin mới là yếu tố giúp chúng ta được kể là công chính, luật pháp chỉ là phương tiện hướng người ta đến với Chúa Giê-xu và vai trò của luật pháp chấm dứt tại đó.
Một người con trưởng thành không còn ở dưới quyền của người quản giáo thể nào, thì cũng vậy, một khi đặt đức tin nơi Chúa Giê-xu để được xưng công chính, chúng ta cũng không còn ở dưới quyền của luật pháp như vậy. Đó là ý nghĩa của câu 25 để cho người Ga-la-ti thấy rằng họ không cần phải tuân giữ luật pháp Môi-se để được cứu, chỉ đức tin nơi Chúa Giê-xu là đủ.
Đây là kết quả trong đời sống của người tin Chúa:
1. Được làm con của Chúa (c. 26).
2. Được liên kết với Chúa Giê-xu: sự sống của Chúa ở trong chúng ta và chúng ta trong Chúa (c. 27a).
3. Được trở nên giống như Chúa Giê-xu (c. 27b).
4. Không còn phân biệt chủng tộc, giai cấp, phái tính (nam nữ có giá trị như nhau).
5. Con cháu thật của Áp-ra-ham (c. 29a; c. 7).
6. Kẻ kế tự theo lời hứa (lời hứa cho Áp-ra-ham, c. 8-9) không phải theo luật pháp hay sinh ra là người Do-thái (c. 29b).
Hai kết quả sau cùng là lời Phao-lô nhắn nhủ với người Ga-la-ti và những người chủ trương duy luật, đó là: dù là Dân Ngoại nhưng với đức tin nơi Chúa Giê-xu thì cũng được thừa hưởng cùng một ân phúc như người Do-thái tin Chúa Giê-xu vậy!