“Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh, hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:3-4).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Môi-se đã làm gì khi gặp khó khăn với dân Chúa? Chúa giải quyết nan đề ra sao? Khi ông Ên-đát và ông Mê-đát nói tiên tri trong trại quân thì phản ứng của ông Giô-suê và ông Môi-se khác nhau thế nào? Bạn học được gì về thái độ của ông Môi-se?
Sau một năm rời khỏi Ai Cập và được Chúa nuôi bằng bánh ma-na từ trời mỗi ngày; dân Chúa bắt đầu nhớ đến các món ăn lúc còn ở Ai Cập và họ phàn nàn với ông Môi-se, đòi ăn thịt. Ông Môi-se liền kêu cầu cùng Chúa, ông thấy gánh nặng quá lớn khi lãnh đạo một đoàn dân với khoảng 2 triệu người, ông không kham nổi. Chúa giải quyết nan đề bằng hai cách. Thứ nhất, Ngài cho dân chúng ăn thịt chim cút luôn cả tháng cho đến khi họ chán ngấy! Thứ hai, Chúa bảo ông Môi-se chọn ra bảy mươi trưởng lão, có khả năng lãnh đạo, để san sẻ gánh nặng về hành chánh với ông. Những người này được triệu tập đến khu đền tạm. Thần của Đức Giê-hô-va ngự xuống trên họ, ban cho họ ân tứ nói tiên tri một lần duy nhất. Có hai nhân vật tên là Ên-đát và Mê-đát nằm trong danh sách những người được chọn, nhưng họ không đến đền tạm để hội họp mà ở lại trại quân, chắc hẳn có lý do chính đáng nên thần của Chúa cũng ngự trên hai người này và họ cũng nói tiên tri. Tin này làm ông Giô-suê, phụ tá của ông Môi-se ganh tị dùm thầy mình, nên xin thầy cấm họ. Ông Môi-se quở trách ông Giô-suê và tuyên bố rằng ông ước ao tất cả dân chúng đều được thần của Chúa ngự trên họ và nói tiên tri!
Qua những sự việc này, chúng ta thấy ông Môi-se hết sức khiêm nhường. Ông giải quyết mọi việc trong tinh thần hạ mình trước Chúa và không ganh tị với anh em mình, dù người đó là ai. Ông Môi-se được Kinh Thánh ghi nhận là người rất khiêm nhường, khiêm nhường hơn hết mọi người trên thế gian (Dân-số Ký 12:3). Ông Môi-se đã nêu lên tinh thần hiệp nhất khi chính ông cử xử bằng đức tính khiêm nhường trong mọi tình huống.
Tính khiêm nhường bị văn hóa Hy Lạp thời Tân Ước xem là nhu nhược nhưng Kinh Thánh lại rất đề cao. Chúa Giê-xu nêu lên gương khiêm nhường (Ma-thi-ơ 11:29). Theo Kinh Thánh, người khiêm nhường có các đặc tính như sau: Đối với Chúa, người đó biết ơn Chúa và vâng phục ý Ngài trong mọi hành động (Châm Ngôn 3:5-6; Phi-líp 4:13). Đối với bản thân, người đó không tự cao tự đại, cũng không tự ti mặc cảm, nhưng đánh giá đúng mức về mình (Rô-ma 12:3; I Cô-rinh-tô 15:10). Đối với người khác, người khiêm nhường tôn trọng phẩm giá và lợi ích của mọi người vì họ cũng mang hình ảnh Đức Chúa Trời (Gia-cơ 3:9-10). Khiêm nhường là mỹ đức không thể thiếu cho sự hiệp nhất trong Hội Thánh.
Bạn có quyết tâm sống khiêm nhường để thể hiện sự hiệp nhất trong Hội Thánh không?
Lạy Chúa Giê-xu, xin giúp con theo gương Ngài, biết khiêm nhường vâng phục Chúa, biết tự đánh giá đúng mức, và tận dụng những ân tứ Chúa cho, biết tôn trọng phẩm giá và quan tâm đến lợi ích người khác.
(c) 2024 svtk.net