1 Phao-lô, Sin-vanh và Ti-mô-thê gởi cho Hội-thánh ở thành Tê-sa-lô-ni-ca, Hội trong Đức Chúa Trời, là Cha, và trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta: nguyền xin ân điển và sự bình an ban cho anh em!
1. Xin đọc Công vụ 15:40 và 16:1-3 và cho biết Sin-vanh và Ti-mô-thê (c. 1) là ai?
2. Xin đọc Công vụ 17:1-9 và cho biết Phao-lô và Si-la (Sin-vanh) đến Tê-sa-lô-ni-ca lần đầu trong trường hợp nào? Điều gì đã xảy ra tại đây?
3. “Hội trong Đức Chúa Trời, là Cha và trong Đức Chúa Jêsus Christ” (c. 1b) mang ý nghĩa gì?
4. Lời chào “ân điển” và “bình an” (c. 1c) mang ý nghĩa gì?
Chức vụ sứ đồ của Phao-lô bao gồm trong ba chuyến truyền giáo:
Chuyến I: Cùng với Ba-na-ba và Giăng Mác (Công vụ 13:1-14:28).
Chuyến II: Cùng với Si-la (Công vụ 15:40-18:22). Từ Trô-ách có bác sĩ Lu-ca cùng đi (Công vụ 16:11).
Chuyến III: Công vụ 18:23-21:17. Từ Phi-líp, có bác sĩ Lu-ca cùng đi (Công vụ 20:6).
Phao-lô đến Tê-sa-lô-ni-ca trong chuyến truyền giáo thứ hai (Công vụ 15:40-18:22). Người đi chung với ông trong chuyến truyền giáo nầy là Si-la (Công vụ 15:40). Si-la là cách viết trong tiếng Do-thái còn Sin-vanh là cách viết theo tiếng La-tinh (Silvanus). Si-la và Sin-vanh (c. 1) vì vậy là cùng một người.
Ti-mô-thê là tín đồ tại Lít-trơ mà Phao-lô đã dẫn theo trong chuyến truyền giáo thứ hai (Công vụ 16:1-3). Phao-lô, Sin-vanh và Ti-mô-thê là ba người cùng đến Tê-sa-lô-ni-ca lần đầu (Công vụ 17:1), do đó, khi viết thư cho các tín hữu tại đây, Phao-lô đã kể tên cả ba.
Công vụ 16:9-10 ghi lại sự hiện thấy của Phao-lô về việc truyền giáo cho người Ma-xê-đoan (thuộc Hy-lạp ngày nay). Vâng theo lời trong sự hiện thấy, Phao-lô đã đến Phi-líp (Công vụ 16:11-40). Sau Phi-líp, Phao-lô và các bạn đến Tê-sa-lô-ni-ca (Công vụ 17:1-8). Đáp ứng tại đây tốt đẹp nhưng Phao-lô cũng gặp chống đối từ những “người Giu-đa đầy lòng ghen ghét.” Họ đã tạo rối loạn tại đây khiến Phao-lô phải rời Tê-sa-lô-ni-ca lúc ban đêm để đi đến Bê-rê (Công vụ 17:4-10). Những sự kiện nầy được Phao-lô tóm tắt trong I Tê-sa-lô-ni-ca 2:2.
Tê-sa-lô-ni-ca vì vậy là thành phố thứ nhì Phao-lô đến truyền giáo tại Âu châu. Ngày nay, Tê-sa-lô-ni-ca có tên là Thessaloniki, thành phố lớn thứ nhì của Hy-lạp. Mặc dù Phao-lô dừng chân tại đây chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng một Hội Thánh đã được thành lập. Phao-lô gọi nhóm tín hữu nầy là Hội Thánh ở thành Tê-sa-lô-ni-ca (c. 1a). Điều nầy cho thấy điểm quan trọng là những con người trong cộng đồng đức tin chứ không phải tổ chức.
Phao-lô cũng nhấn mạnh, đây là Hội trong Đức Chúa Trời, là Cha và trong Đức Chúa Jêsus Christ (c. 1b). Chữ “Hội” (ekklesia) lúc đó chưa được dùng theo nghĩa Hội Thánh hay giáo hội nhưng là bất cứ hội đoàn nào. Do đó, Phao-lô nói, Hội trong Đức Chúa Trời, là Cha và trong Đức Chúa Jêsus Christ để xác định đây là Hội Thánh của Đức Chúa Trời chứ không phải là hội đoàn Do-thái hay Dân Ngoại. Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu được viết liền nhau với cùng một giới từ (en) cũng nói lên thần tính của Chúa Giê-xu, Ngài với Đức Chúa Cha là một. Chữ “Chúa” trước tên Chúa Giê-xu cũng nhấn mạnh điều nầy. Danh hiệu Chúa Giê-xu dịch đúng từng chữ trong câu nầy là: “Ở trong Đức Chúa Trời, là Cha và trong CHÚA là Đức Chúa Giê-xu Christ” (BHĐ).
Chữ “trong” hay “ở trong” (en) nói về việc người tin Chúa được kết hợp làm một với Đức Chúa Cha và Chúa Giê-xu (Giăng 15:5). Đây là một kết hợp cao quý vượt hơn bất cứ kết hợp nào trong những hội đoàn khác.
Lời chào đầu thư trong tiếng Hy-lạp là chairein (Gia-cơ 1:1 dịch là Chúc bình an). Phao-lô đã đổi lời chào nầy thành charis (ân điển), mang ý nghĩa ân sủng ban cho người không đáng nhận ơn. Ơn nầy cũng vẫn được tiếp tục ban cho người tin Chúa. Đó là ý nghĩa của lời chúc, Nguyền xin ân điển… ban cho anh em (c. 1c).
Phao-lô cũng nhắc đến bình an (shalom) là lời chào của người Do-thái nhưng mang ý nghĩa mạnh hơn qua Chúa Giê-xu, Đấng giải hòa chúng ta với Đức Chúa Trời (II Cô. 5:18).