8 Vì đạo Chúa không những từ nơi anh em vang ra trong xứ Ma-xê-đoan và A-chai thôi đâu, nhưng đức tin mà anh em có trong Đức Chúa Trời đã đồn khắp mọi nơi, đến nỗi chúng tôi không cần phải nói đến nữa.
9 Vả, mọi người đều thuật lại thể nào anh em đã tiếp đãi chúng tôi, và thể nào đã trở lại cùng Đức Chúa Trời, bỏ hình tượng đặng thờ Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, 10 đặng chờ đợi Con Ngài từ trên trời, là Đức Chúa Jêsus mà Ngài đã khiến từ kẻ chết sống lại, tức là Đấng giải cứu chúng ta khỏi cơn thạnh nộ ngày sau.
1. Cùng với “đạo Chúa,” điều gì đã được đồn ra mọi nơi về Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca (c. 8)?
2. “Đức tin mà anh em có trong Đức Chúa Trời” (c. 8b) là nói về điều gì?
3. Xin cho biết ba bước căn bản của người Tê-sa-lô-ni-ca về đức tin của họ (c. 9b-10).
4. Xin cho biết những giáo lý quan trọng về Chúa Giê-xu trong câu 10? Những điều nầy ảnh hưởng đến đức tin của chúng ta như thế nào?
Tiếp tục khen ngợi tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô nói đến đức tin của họ:
Đức tin mà anh em có trong Đức Chúa Trời đã đồn khắp mọi nơi, đến nỗi chúng tôi không cần phải nói đến nữa (c. 8b)
Đức tin nói đến điều họ tin tưởng hay nội dung của đức tin. Ba điều căn bản về đức tin nầy là:
(1) Bỏ hình tượng (c. 9b)
(2) Thờ Đức Chúa Trời (c. 9c)
(3) Chờ đợi Chúa Giê-xu tái lâm (c. 10a)
Trong giáo lý về Đức Chúa Trời, Phao-lô nhấn mạnh, đó là Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật (c. 9c). Đối tượng của niềm tin của người Tê-sa-lô-ni-ca và của chúng ta là Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, không phải hình tượng hư không (Giăng 17:3). Trong giáo lý về Chúa Giê-xu, Phao-lô nhấn mạnh về sự phục sinh (c. 10b), tái lâm (c. 10a) và cứu rỗi (c. 10c). Đây là những điểm căn bản của Phúc Âm chúng ta cần ghi nhớ và đứng vững trên những chân lý nầy.