13 Bởi vậy, chúng tôi tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi về sự anh em tiếp nhận lời của Đức Chúa Trời mà chúng tôi đã truyền cho, không coi như lời của loài người, bèn coi như lời của Đức Chúa Trời, vì thật là lời Đức Chúa Trời, cũng hành động trong anh em có lòng tin.
14 Hỡi anh em, anh em thật đã trở nên người bắt chước các Hội Thánh của Đức Chúa Trời tại xứ Giu-đê, là các Hội Thánh trong Đức Chúa Jêsus Christ: anh em đã chịu khổ bởi người đồng xứ mình, cũng như chính các Hội Thánh ấy chịu khổ bởi người Giu-đa, 15 là người đã giết Đức Chúa Jêsus và các Đấng tiên tri, đã bắt bớ chúng tôi; làm trái ý Đức Chúa Trời và thù nghịch với mọi người nữa, 16 ngăn trở chúng tôi giảng dạy dân ngoại cho được cứu, lại hằng đầy dẫy cái lượng tội lỗi mình. Nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời sau hết đã đến trên họ.
17 Hỡi anh em, về phần chúng tôi, đã xa cách anh em ít lâu nay, thân tuy cách nhưng lòng không cách, chúng tôi đã nôn nả biết bao, tìm phương để thỏa lòng ao ước, lại thấy mặt anh em. 18 Vì vậy, đã hai lần, chúng tôi, nhất là tôi, Phao-lô, muốn đi đến cùng anh em; nhưng quỉ Sa-tan đã ngăn trở chúng tôi. 19 Vì sự trông cậy, vui mừng và mão triều thiên vinh hiển của chúng tôi là gì, há chằng phải là anh em cũng được đứng trước mặt Đức Chúa Jêsus chúng ta trong khi Ngài đến sao? 20 Phải, anh em thật là sự vinh hiển và vui mừng của chúng tôi vậy.
1. Lý do nào khiến Phao-lô tạ ơn Chúa về các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca (c. 13)?
2. Dựa vào điều gì Phao-lô nói người Tê-sa-lô-ni-ca “trở nên người bắt chước các Hội Thánh của Đức Chúa Trời tại xứ Giu-đê?” (c. 14a)?
3. Các câu 15-16 cho biết người Giu-đa đã mắc những tội gì?
4. Câu 17 cho thấy tâm tình gì của Phao-lô đối với các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca?
5. Tại sao Phao-lô nói, “Quỷ Sa-tan đã ngăn trở” ông đến với người Tê-sa-lô-ni-ca (c. 18)?
6. Điều gì là “sự trông cậy, vui mừng và mão triều thiên vinh hiển của Phao-lô” (c. 19)? Nói như vậy nghĩa là thế nào?
Phao-lô mở đầu Thư Tê-sa-lô-ni-ca với lời tạ ơn Chúa về đức tin, lòng yêu thương và sự trông cậy của các tín hữu (1:3). Sau khi ôn lại quá trình hầu việc Chúa với Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô một lần nữa tạ ơn Chúa về các tín hữu tại đây. Ông viết:
Chúng tôi tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi về sự anh em tiếp nhận lời của Đức Chúa Trời mà chúng tôi đã truyền cho, không coi như lời của loài người, bèn coi như lời của Đức Chúa Trời, vì thật là lời Đức Chúa Trời, cũng hành động trong anh em có lòng tin (c. 13)
Lần nầy, Phao-lô tạ ơn Chúa về cách họ tiếp nhận Lời Chúa. Ông nói các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca đã tiếp nhận Lời Chúa, không coi như lời của loài người, bèn coi như lời của Đức Chúa Trời (c. 13b). Câu nầy nói lên thẩm quyền của Lời Chúa và cách chúng ta tiếp nhận Lời ấy. Phao-lô rao giảng Phúc Âm cho người Tê-sa-lô-ni-ca, Phúc Âm ấy không đến từ Phao-lô hay các bạn của ông nhưng thật sự đến từ Đức Chúa Trời (Ga-la-ti 1:11-12). Do đó, người tiếp nhận Lời Chúa (các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca ngày xưa hay chúng ta hôm nay) phải nghiêm chỉnh tuân theo, không thể chểnh mảng. Lời dạy nầy cũng cho thấy sức mạnh của Lời Chúa: Vì thật là lời Đức Chúa Trời, cũng hành động trong anh em có lòng tin (c. 13c). Hành động mang ý nghĩa siêu nhiên, đây là việc làm của Đức Chúa Trời. Và để Lời Chúa có tác dụng, đức tin là điều thiết yếu.
Chúng ta đã biết những khó khăn xảy ra tại Tê-sa-lô-ni-ca khi Phao-lô rao giảng Phúc Âm tại đó (Công vụ 17:1-9) và chắc hẳn vẫn tiếp tục khi ông đã rời khỏi nơi đó. Vì biết những thách thức các tín hữu phải đương đầu nên Phao-lô viết lời khích lệ họ. Cách Phao-lô khích lệ là cho họ thấy rằng Hội Thánh Chúa ở những nơi khác cũng trải qua những khó khăn như họ:
Anh em thật đã trở nên người bắt chước các Hội Thánh của Đức Chúa Trời tại xứ Giu-đê, là các Hội Thánh trong Đức Chúa Jêsus Christ: anh em đã chịu khổ bởi người đồng xứ mình, cũng như chính các Hội Thánh ấy chịu khổ bởi người Giu-đa (c. 14)
Anh em thật đã trở nên người bắt chước các Hội Thánh của Đức Chúa Trời tại xứ Giu-đê (c. 14a) nghĩa là cũng giống như các tín hữu ở Giu-đê, người Tê-sa-lô-ni-ca chịu khổ bởi người đồng xứ mình (c. 14b). Các tín hữu ở Giu-đê nói đến các tín hữu Do-thái tại Giê-ru-sa-lem và trong vùng Palestine lúc bấy giờ. Phao-lô từng là người bắt bớ họ nên ông biết rõ (Công vụ 9:1-2). Người đồng xứ mình tại Giu-đê là người Do-thái. Nhân nhắc đến người Do-thái, Phao-lô đưa ra nhận định sau:
… người Giu-đa, là người đã giết Đức Chúa Jêsus và các Đấng tiên tri, đã bắt bớ chúng tôi, làm trái ý Đức Chúa Trời và thù nghịch với mọi người nữa, ngăn trở chúng tôi giảng dạy dân ngoại cho được cứu, lại hằng đầy dẫy cái lượng tội lỗi mình. Nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời sau hết đã đến trên họ (c. 15-16)
Phao-lô là người Do-thái và rất nặng lòng với dân tộc (Rô-ma 9-11) nhưng những sự thật về người Do-thái là:
· Giết Chúa Giê-xu
· Giết các Đấng tiên tri
· Bắt bớ Phao-lô
· Làm trái ý Đức Chúa Trời
· Thù nghịch với mọi người
· Ngăn trở việc giảng dạy cho Dân Ngoại
· “Luôn làm cho tội lỗi mình đầy dẫy thêm” (BHĐ)
Với những tội lỗi đó, viễn ảnh về án phạt của Đức Chúa Trời là chắc chắn: Cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời sau hết đã đến trên họ (c. 16b). Đã đến mang ý nghĩa chắc chắn sẽ đến. Dù là người Do-thái hay bất cứ ai, án phạt của Đức Chúa Trời trên tội lỗi là điều không thể tránh.
So sánh những sự kiện trong Công vụ 17:13-16 và I Tê. 3:1-2; 6, thì sau khi rời Tê-sa-lô-ni-ca và Bê-rê, Phao-lô đã đến A-thên. Si-la và Ti-mô-thê cũng đã đến A-thên sau đó và vì không trở lại Tê-sa-lô-ni-ca được, Phao-lô sai Ti-mô-thê đến khích lệ họ. Ông viết:
Hỡi anh em, về phần chúng tôi, đã xa cách anh em ít lâu nay, thân tuy cách nhưng lòng không cách, chúng tôi đã nôn nả biết bao, tìm phương để thỏa lòng ao ước lại thấy mặt anh em (c. 17)
Đây là những lời thật êm đềm dịu ngọt, nói lên tâm tình của vị sứ đồ với những người ông đã hướng dẫn tin Chúa. Thân tuy cách nhưng lòng không cách nghĩa là Phao-lô luôn luôn nghĩ đến họ dù không ở gần: “Xa mặt chứ không cách lòng” (BHĐ). Đối với Phao-lô, được gặp lại các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca sẽ là thỏa lòng ao ước (c. 17b). Lời nầy cho thấy được gặp lại họ là điều Phao-lô mong ước nhất: “Chúng tôi vẫn thiết tha mong được gặp lại anh em, mặt đối mặt” (BHĐ).
Phao-lô cho biết lý do ông không được gặp họ là vì quỉ Sa-tan đã ngăn trở chúng tôi (c. 18b). Trong quá khứ, đã có những điều ngăn trở công tác truyền giáo của Phao-lô và Kinh Thánh cho biết điều đó đến từ Đức Chúa Trời (Công vụ 16:6-7). Nhưng lần nầy Phao-lô cho biết đã hai lần ông muốn trở lại Tê-sa-lô-ni-ca nhưng quỉ Sa-tan đã ngăn trở chúng tôi. Chúng ta không rõ Phao-lô muốn nói đến điều gì khi nói “quỷ Sa-tan ngăn trở.” Trong Thư II Cô-rinh-tô 12:7, Phao-lô nhắc đến “cái giằm xóc vào thịt tôi” mà ông nói rằng nó đến từ “quỷ sứ của Sa-tan.” Nếu việc quỷ Sa-tan ngăn trở là cái giằm xóc nầy thì đó có thể là một tật bệnh đã khiến Phao-lô không trở lại Tê-sa-lô-ni-ca được. Ngoài ra, ma quỷ cũng có thể dùng những thế lực đã chống đối Phao-lô trước đây tại Tê-sa-lô-ni-ca và Bê-rê (Công vụ 17:5; 13) khiến ông không thể trở lại Tê-sa-lô-ni-ca.
Câu 19 nối tiếp ý câu 17 cho thấy lý do nào khiến Phao-lô muốn gặp lại các tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca. Phao-lô viết:
Vì sự trông cậy, vui mừng và mão triều thiên vinh hiển của chúng tôi là gì, há chằng phải là anh em cũng được đứng trước mặt Đức Chúa Jêsus chúng ta trong khi Ngài đến sao? Phải, anh em thật là sự vinh hiển và vui mừng của chúng tôi vậy (c. 19-20)
Phao-lô nói sự trông cậy, vui mừng và mão triều thiên vinh hiển của ông và các bạn là được thấy các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca được đứng trước mặt Chúa khi Ngài trở lại (c. 19). Một trong những chủ đề của Thư Tê-sa-lô-ni-ca là ngày quang lâm của Chúa (khi Ngài đến). Phao-lô nói về ngày quang lâm đó và đối với ông, sự việc các tín hữu được đứng trước mặt Chúa là hy vọng, niềm vui và mão triều thiên của ông và các bạn. Mão triều thiên nói đến phần thưởng như vòng hoa chiến thắng trao tặng cho lực sĩ đoạt giải. Vinh hiển nói đến niềm hãnh diện (BHĐ). Chữ vinh hiển nầy khác với chữ vinh hiển ở câu 20, nhưng cũng mang ý nghĩa tương tự.
Phao-lô cho thấy, chẳng những khi Chúa đến nhưng ngay trong hiện tại các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca cũng là vinh quang và niềm vui của ông và các bạn rồi (c. 20)!