Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 9

I Tê-sa-lô-ni-ca 3:1-13 - TƯỜNG TRÌNH CỦA TI-MÔ-THÊ

1 Vì không thể chờ đợi được nữa, nên chúng tôi thà đành ở lại một mình tại A-thên, 2 và sai Ti-mô-thê, là anh em chúng tôi, tôi tớ của Đức Chúa Trời, kẻ giúp việc đạo Tin Lành của Đấng Christ, đến cùng anh em, để khiến anh em được vững vàng và giục lòng anh em trong đức tin, 3 hầu cho không một người nào trong anh em bị rúng động bởi những sự khốn khó dường ấy, vì anh em tự biết rằng ấy đó là điều đã định trước cho chúng ta. 4 Lại khi ở cùng anh em, chúng tôi đã nói trước rằng sẽ có sự khốn khó phải chịu, điều đó xảy đến rồi, và anh em đã biết rõ. 5 Vậy, không thể đợi lâu hơn nữa, nên tôi đã sai Ti-mô-thê đi, để cho biết đức tin anh em ra làm sao, e rằng kẻ cám dỗ đã cám dỗ anh em, mà công phu của chúng tôi trở nên vô ích chăng.

6 Nhưng Ti-mô-thê ở nơi anh em mới trở về đây, có thuật cho chúng tôi tin tốt về đức tin cùng lòng yêu thương của anh em. Người lại nói rằng anh em thường tưởng nhớ chúng tôi, và ao ước gặp chúng tôi, cũng như chính chúng tôi ước ao gặp anh em vậy. 7 Hỡi anh em, như vậy thì ở giữa mọi sự gian nan khốn khó của chúng tôi, anh em đã lấy đức tin mình mà làm một cớ yên ủi cho chúng tôi đó. 8 Vì hiện nay chúng tôi sống, là tại anh em đứng vững trong Chúa. 9 Chúng tôi làm thể nào đặng đủ tạ ơn Đức Chúa Trời về anh em, vì chúng tôi bởi cớ anh em được đầy lòng vui vẻ ở trước mặt Đức Chúa Trời chúng tôi?

10 Đêm ngày chúng tôi cố sức nài xin Ngài cho phép chúng tôi lại gặp anh em và gia thêm cho đức tin anh em điều chi còn kém. 11 Nguyền xin chính Đức Chúa Trời Cha chúng ta, và Đức Chúa Jêsus, Chúa chúng ta, dẫn chúng tôi đến cùng anh em! 12 Lại nguyền xin Chúa làm cho anh em thêm và đầy lòng yêu thương đối với nhau cùng đối với mọi người, cũng như lòng yêu thương của chúng tôi đối với anh em vậy, 13 hầu cho lòng anh em được vững vàng và thánh sạch không trách được trước mặt Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta, khi Đức Chúa Jêsus chúng ta sẽ đến với hết thảy thánh đồ Ngài!

 

1. Phao-lô sai Ti-mô-thê trở lại Tê-sa-lô-ni-ca với mục đích gì? Tại sao?

2. “Sự khốn khó… là điều đã định trước cho chúng ta” (c. 3b) nghĩa là thế nào? Biết như vậy giúp chúng ta điều gì?

3. Ti-mô-thê cho Phao-lô biết điều gì sau khi ở Tê-sa-lô-ni-ca trở về (c. 6)? Những điều nầy cho thấy điều gì về Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca?

4. Theo Phao-lô, niềm an ủi cho ông và các bạn là gì (c. 7)? Tại sao đức tin của người Tê-sa-lô-ni-ca lại là “cớ yên ủi” cho Phao-lô và các bạn?

5. Phao-lô muốn nói điều gì trong câu, “Hiện nay chúng tôi sống, là tại anh em đứng vững trong Chúa” (c. 8)?

6. Hai câu 10-11 cho thấy ước ao gì của Phao-lô và các bạn đối với người Tê-sa-lô-ni-ca?

7. Phao-lô cầu nguyện hay ước ao điều gì cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca (c. 12)?

8. Xin đọc lại 2:19 và so sánh với 3:13. Điểm giống nhau của hai câu nầy là gì? Cho thấy điều gì?

 

Dựa vào Công vụ 17:1-15; 18:1, 5 và I Tê. 2:1-2; 3:1-2; 5-6, diễn tiến từ khi Phao-lô đến Tê-sa-lô-ni-ca tới lúc ông viết thư như sau:

1. Phao-lô và các bạn (Si-la, Ti-mô-thê) đến Tê-sa-lô-ni-ca sau khi ra khỏi tù ở Phi-líp (2:1).

2. Phao-lô và các bạn khẩn cấp rời khỏi Tê-sa-lô-ni-ca đến Bê-rê vì rối loạn và chống đối (Công vụ 17:10).

3. Phao-lô rời Bê-rê đến A-thên, Si-la và Ti-mô-thê ở lại Bê-rê (Công vụ 17:14).

4. Si-la và Ti-mô-thê gặp lại Phao-lô tại A-thên rồi từ A-thên, Phao-lô sai Ti-mô-thê trở lại thăm Tê-sa-lô-ni-ca (3:1).

5. Sau khi thăm Tê-sa-lô-ni-ca, Ti-mô-thê gặp lại Phao-lô tại Cô-rinh-tô (Công vụ 18:5).

6. Phao-lô nghe tường trình của Ti-mô-thê và viết thư cho Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca từ Cô-rinh-tô (3:6).

Diễn tiến nầy giúp chúng ta hiểu điều Phao-lô nói trong câu 1-2 về việc Phao-lô sai Ti-mô-thê trở lại Tê-sa-lô-ni-ca để chăm sóc các tân tín hữu tại đây. Ti-mô-thê có lẽ đã được chính Phao-lô hướng dẫn tin nhận Chúa tại Lít-trơ (Công vụ 16:1-3) và rồi tháp tùng với ông trong hành trình truyền giáo qua Ma-xê-đoan. Khi gởi Ti-mô-thê về lại Tê-sa-lô-ni-ca, ông gọi Ti-mô-thê là anh em chúng tôi, tôi tớ của Đức Chúa Trời, kẻ giúp việc đạo Tin Lành của Đấng Christ (c. 2a). Bản Hiệu Đính dịch là: “Ti-mô-thê, anh em chúng tôi, người phục vụ Đức Chúa Trời trong việc rao giảng Tin Lành của Đấng Christ.”

Mục đích Phao-lô sai Ti-mô-thê về lại Tê-sa-lô-ni-ca là để khiến anh em được vững vàng và giục lòng anh em trong đức tin (c. 2b), nghĩa là “xây dựng và khích lệ anh em trong đức tin” (BHĐ). Kết quả của việc xây dựng và khích lệ nầy là hầu cho không một người nào trong anh em bị rúng động bởi những sự khốn khó dường ấy (c. 2b-3a). Bản Hiệu Đính dịch câu nầy là, “Để không một người nào trong anh em bị nao núng trước những hoạn nạn nầy.”

Phao-lô nói thêm, Vì anh em tự biết rằng ấy đó là điều đã định trước cho chúng ta (c. 3b). Mỗi lần rao giảng Phúc Âm, Phao-lô đều nhắc đến điều quan trọng nầy, đó là khi tin Chúa, hoạn nạn, bắt bớ, khó khăn là điều không thể tránh (Công vụ 14:22; Phi-líp 1:29). Chúa Giê-xu cũng đã nói trước về điều nầy (Giăng 15:18-16:4). Biết trước khó khăn sẽ xảy ra cho người tin Chúa, giúp chúng ta chuẩn bị tinh thần và nhờ Chúa vượt thắng khó khăn. Một lần nữa, Phao-lô xác nhận điều nầy với các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca: “Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã nói trước rằng chúng ta sẽ phải chịu gian khổ và như anh em biết, điều đó đã xảy đến rồi” (c. 4, BHĐ).

Vì lo các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca không vững vàng trong đức tin nên Phao-lô đã sai Ti-mô-thê về với họ (c. 2, 5). Điều Phao-lô sợ là kẻ cám dỗ đã cám dỗ anh em, mà công phu của chúng tôi trở nên vô ích chăng (c. 5b). Kẻ cám dỗ chỉ về ma quỷ và công phu của Phao-lô và các bạn sẽ trở thành vô ích nếu các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca vì sự cám dỗ của ma quỷ mà nản chí, bỏ cuộc.

Ba điều Ti-mô-thê báo cáo cho Phao-lô biết về các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca là: đức tin, lòng yêu thương và lòng mong ước gặp lại Phao-lô (c. 6). Đức tin và lòng yêu thương của họ được gọi là tin tốt (c. 6a) hàm ý đức tin tăng trưởng và lòng yêu thương phát triển. Ngoài ra họ cũng mang tình cảm tốt đẹp với Phao-lô (tưởng nhớao ước gặp, c. 6b). Tất cả những điều nầy là niềm khích lệ lớn cho Phao-lô (c. 7) dù ông chỉ nhắc đến đức tin của họ trong câu nầy. Thật ra, Phao-lô muốn đối chiếu giữa gian nan khốn khó của ông và các bạn với đức tin tăng trưởng của tín hữu để tín hữu thấy rằng sự tăng trưởng của họ đã bù lại những khó khăn mà Phao-lô và các bạn phải trải qua. Ông xác nhận điều nầy trong câu 8:

Vì hiện nay chúng tôi sống, là tại anh em đứng vững trong Chúa (c. 8)

Đức tin và sự tăng trưởng của tín đồ thật sự là niềm vui và lẽ sống cho người hầu việc Chúa. Đây cũng là lý do cho Phao-lô và các bạn tạ ơn Chúa:

Chúng tôi làm thể nào đặng đủ tạ ơn Đức Chúa Trời về anh em, vì chúng tôi bởi cớ anh em được đầy lòng vui vẻ ở trước mặt Đức Chúa Trời chúng tôi (c. 9)?

Với những lý do trên, lời cầu nguyện của Phao-lô là:

Đêm ngày chúng tôi cố sức nài xin Ngài cho phép chúng tôi lại gặp anh em và gia thêm cho đức tin anh em điều chi còn kém. Nguyền xin chính Đức Chúa Trời Cha chúng ta, và Đức Chúa Jêsus, Chúa chúng ta, dẫn chúng tôi đến cùng anh em (c. 10-11)

Cuối cùng, Phao-lô cầu nguyện cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca những điều sau (c. 12-13):

(1) Gia tăng trong tình yêu thương.

(2) Vững vàng.

(3) Thánh sạch.

“Gia tăng trong tình yêu thương” được Phao-lô mô tả là thêm và đầy, nghĩa là chẳng những gia tăng nhưng cũng dư dật (“gia tăng và chan chứa,” BHĐ). Đây chẳng những là tình yêu thương của anh chị em trong Chúa (đối với nhau) nhưng cũng đối với mọi người. Phao-lô dùng chính ông làm mẫu mực cho tình yêu thương nầy: Cũng như lòng yêu thương của chúng tôi đối với anh em vậy (c. 12b).

Kế đến Phao-lô nói về sự vững vàng trong lòng: Hầu cho lòng anh em được vững vàng (c. 13a). Điều quan trọng trong đức tin là sự vững vàng trong lòng. Tâm trí nao sờn, không vững vàng sẽ kéo theo sự sụp đổ của đức tin. Sự vững vàng trong lòng liên quan đến sự nên thánh: Và thánh sạch không trách được (c. 13b). Đây là tình trạng của người tin Chúa khi đứng trước mặt Chúa trong ngày cuối cùng: Trước mặt Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta, khi Đức Chúa Jêsus chúng ta sẽ đến với hết thảy thánh đồ Ngài (c. 13c)! Để có thể đứng trước mặt Chúa trong thánh sạch và không chỗ trách được, người tin Chúa phải vững vàng trong lòng về phương diện nầy mỗi ngày trong đời sống cho đến khi gặp Chúa. Đây là tiến trình nên thánh Đức Chúa Trời thực hiện trong đời sống chúng ta (5:23).