1 Phao-lô, Sin-vanh và Ti-mô-thê gởi cho Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca, là Hội thánh ở trong Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa: 2 nguyền xin anh em được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và bởi Đức Chúa Jêsus Christ!
3 Hỡi anh em, chúng tôi phải vì anh em cảm tạ Đức Chúa Trời luôn luôn. Điều đó là phải lắm, vì đức tin anh em rất tấn tới và lòng yêu thương của mỗi người trong hết thảy anh em đối với nhau càng ngày càng thêm. 4 Chúng tôi cũng vì anh em mà khoe mình cùng các Hội thánh của Đức Chúa Trời, vì lòng nhịn nhục và đức tin anh em trong mọi sự bắt bớ khốn khó đang chịu. 5 Đó đủ chứng cớ về sự đoán xét công bình của Đức Chúa Trời, Ngài muốn khiến anh em nên xứng đáng cho nước Ngài, là vì nước đó mà anh em chịu khổ.
6 Vả, theo sự công bình Đức Chúa Trời, thì ắt là Ngài lấy điều khổ báo cho những kẻ làm khổ anh em 7 và cho anh em, là kẻ chịu khổ, được nghỉ ngơi với chúng tôi, trong khi Đức Chúa Jêsus từ trời hiện đến với các thiên sứ của quyền phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng, 8 báo thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời và không vâng phục Tin Lành của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta.
9 Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền phép Ngài, 10 tức là khi Ngài sẽ đến trong ngày đó, để được sáng danh trong các thánh đồ, được khen ngợi trong mọi kẻ tin vì anh em đã tin lời chúng tôi làm chứng trước mặt anh em. 11 Cho nên, chúng tôi vì anh em cầu nguyện không thôi, hầu cho Đức Chúa Trời chúng ta khiến anh em xứng đáng với sự gọi của Ngài, và cho Ngài lấy quyền phép làm trọn trong anh em mọi ý định thương xót của lòng nhân Ngài và công việc của đức tin, 12 đến nỗi làm sáng danh Đức Chúa Jêsus chúng ta trong anh em, và anh em trong Ngài, tùy theo ân điển của Đức Chúa Trời chúng ta và của Đức Chúa Jêsus Christ.
1. Xin so sánh lời mở đầu của hai lá thư Tê-sa-lô-ni-ca I và II. Xin cho biết những điểm giống nhau và khác nhau.
2. Xin giải thích chữ “ân điển” và “bình an” trong câu 2.
3. Xin đọc I Tê-sa-lô-ni-ca 1:2-3 và so sánh với II Tê-sa-lô-ni-ca 1:3-4. Hai phần Kinh Thánh nầy giống nhau và khác nhau ở những điểm nào?
4. Chữ “đó” trong câu 5 nói về điều gì? “Đó đủ chứng cớ về sự đoán xét công bình của Đức Chúa Trời” (c. 5a) nghĩa là thế nào?
5. Tại sao “chịu khổ” là “xứng đáng cho Nước Chúa” (c. 5b)?
6. Theo câu 6-7, “sự công bình của Đức Chúa Trời” được thể hiện như thế nào?
7. Phao-lô muốn nói điều gì trong câu: “Được nghỉ ngơi với chúng tôi” (c. 7a)?
8. Xin cho biết số phận của những người “không nhận biết Đức Chúa Trời và không vâng phục Tin Lành” (c. 8-9)?
9. Phao-lô cầu nguyện những điều gì cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca?
Thư II Tê-sa-lô-ni-ca có lẽ được viết khoảng vài tháng sau Thư I Tê-sa-lô-ni-ca để giải đáp nan đề về ngày Chúa trở lại mà Phao-lô đã nói trong lá thư đầu (II Tê. 2:1-2). Người gởi thư vẫn là Phao-lô, Sin-vanh và Ti-mô-thê (c. 1a). Theo Công vụ 17-18, Phao-lô và các bạn đã từ Tê-sa-lô-ni-ca đến Bê-rê, rồi A-thên. Cuối cùng, họ đến Cô-rinh-tô và lưu lại tại đây một năm rưỡi (Công vụ 18:11). Đây chính là khoảng thời gian Phao-lô viết hai lá thư cho Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca (xin xem lại trang 9-10 về Sin-vanh và Ti-mô-thê).
Lời mở đầu của hai lá thư tương tự như nhau, chỉ có vài khác biệt nhỏ:
I Tê-sa-lô-ni-ca |
II Tê-sa-lô-ni-ca |
Phao-lô, Sin-vanh và Ti-mô-thê gởi cho Hội-thánh ở thành Tê-sa-lô-ni-ca, Hội trong Đức Chúa Trời, là Cha và trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta: Nguyền xin ân điển và sự bình an ban cho anh em!
|
Phao-lô, Sin-vanh và Ti-mô-thê gởi cho Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca, là Hội thánh ở trong Đức Chúa Trời, Cha chúng ta và trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa: Nguyền xin anh em được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và bởi Đức Chúa Jêsus Christ!
|
Hội hay Hội Thánh (ekklesia) lúc đó chưa được dùng theo nghĩa Hội Thánh hay giáo hội nhưng là bất cứ hội đoàn nào. Do đó, khi Phao-lô nói, Hội thánh ở trong Đức Chúa Trời là để xác định đây là Hội Thánh của Chúa chứ không phải là hội đoàn Do-thái hay Dân Ngoại. Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu được viết liền nhau với cùng một giới từ (en) cũng nói lên thần tính của Chúa Giê-xu, Ngài với Đức Chúa Cha là một. Chữ Chúa cũng nhấn mạnh điều nầy. Danh hiệu Chúa Giê-xu dịch đúng từng chữ trong câu nầy là: “Ở trong Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta và trong CHÚA là Đức Chúa Giê-xu Christ” (BHĐ).
Chữ “trong” hay “ở trong” (en) nói về việc người tin Chúa được kết hợp làm một với Đức Chúa Cha và Chúa Giê-xu (Giăng 15:5). Đây là một kết hợp cao quý vượt trên bất cứ kết hợp nào trong những hội đoàn khác.
Lời chào đầu thư trong tiếng Hy-lạp là chairein (Gia-cơ 1:1 dịch là, Chúc bình an). Phao-lô đã đổi lời chào nầy thành charis (ân điển), mang ý nghĩa ân sủng ban cho người không đáng nhận. Ơn nầy cũng vẫn được tiếp tục ban cho người tin Chúa. Phao-lô cũng nhắc đến bình an (shalom) là lời chào của người Do-thái nhưng mang ý nghĩa mạnh hơn, qua Chúa Giê-xu là Đấng giải hòa chúng ta với Đức Chúa Trời (II Cô. 5:18). Đó là ý nghĩa của lời chúc, Nguyền xin anh em được ân điển và sự bình an (c. 2a).
Đức tin, yêu thương và sự nhịn nhục của các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca mà Phao-lô đã khen trong lá thư đầu (I Tê. 1:2-3) cũng là điều được nhắc lại trong lá thư nầy, c. 3-4 - bền đỗ và nhịn nhục cùng một chữ trong nguyên ngữ. (Xin xem lại trang 12 về ý nghĩa những điều nầy).
Điểm khác giữa hai lá thư là lần nầy Phao-lô khen họ tấn tới:
Đức tin anh em rất tấn tới và lòng yêu thương của mỗi người trong hết thảy anh em đối với nhau càng ngày càng thêm (c. 3b)
Phao-lô cũng hãnh diện về gương chịu khổ của họ:
Chúng tôi cũng vì anh em mà khoe mình cùng các Hội thánh của Đức Chúa Trời, vì lòng nhịn nhục và đức tin anh em trong mọi sự bắt bớ khốn khó đang chịu (c. 4)
Đây là cũng là điều Phao-lô đã nói trong lá thư đầu (I Tê. 1:6-8). Có bốn điều chúng ta đặc biệt chú ý trong câu nầy:
Lòng nhịn nhục nói đến thái độ chịu đựng mọi hoàn cảnh để tiếp tục tiến bước.
Đức tin nói đến lòng trung tín, giữ vững đức tin, trung thành với Chúa.
Sự bắt bớ là những khó khăn người tin Chúa phải chịu vì đức tin nơi Chúa.
Khốn khó nói đến những khó khăn khác trong đời sống.
Nhưng dù là bắt bớ hay khốn khó, điều Phao-lô nói là họ đang chịu. Chịu hàm ý chịu đựng một thời gian rồi sẽ qua. Vì vậy, điều các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca cũng như chúng ta cần là nhịn nhục tức là bền đỗ hay kiên nhẫn (BHĐ).
Chữ đó ở đầu câu 5 nói đến lòng nhịn nhục chịu đựng của tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca. Nhưng tại sao sự nhịn nhục chịu đựng của người Tê-sa-lô-ni-ca lại là chứng cớ về sự đoán xét công bình của Đức Chúa Trời (c. 5a)? Các câu 6-10 tiếp theo cho thấy sự đoán xét công bình của Đức Chúa Trời đối với những người chống lại Ngài. Còn đối với người tin Chúa, sự nhịn nhục chịu đựng giúp họ tấn tới trong đức tin (c. 3a). Phao-lô nói, Điều đó là phải lắm! (c. 3a). Người Tê-sa-lô-ni-ca có thể cho rằng việc họ chịu khổ là bất công, là Đức Chúa Trời không công bình. Nhưng thật ra, chính nhờ chịu khổ mà đức tin họ đã tiến bộ. Sự đoán xét công bình của Đức Chúa Trời vì vậy có hai phương diện: (1) Người chống Chúa sẽ bị hình phạt (c. 6-10). (2) Người tin Chúa được tăng trưởng trong đức tin và nên xứng đáng cho Nước Đức Chúa Trời (c. 5b).
Chịu khổ là xứng đáng cho Nước Chúa (c. 5b) hàm ý rằng tin Chúa là phải chịu khổ. Chịu bắt bớ, khó khăn là điều không thiếu trong đời sống người tin Chúa (Phi-líp 1:29). Tuy nhiên, Phao-lô cũng nhắc rằng những khổ nạn hiện tại không thể nào sánh được với vinh quang chúng ta sẽ tận hưởng trong tương lai (Rô-ma 8:17-18). Phao-lô gọi điều nầy là, Được nghỉ ngơi với chúng tôi (c. 7a).
Nghỉ ngơi mang ý nghĩa “thong thả” (Công vụ 24:23) hay “yên lòng,” “yên nghỉ” (II Cô. 2:13; 7:5) - nghỉ ngơi là chữ ngược lại với chịu khổ (c. 5b, 7a). Đây là điều mà cả Phao-lô và các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca sẽ cùng kinh nghiệm lúc Chúa tái lâm (c. 7b).
Việc Chúa Giê-xu tái lâm được mô tả với các thiên sứ của quyền phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng là hình ảnh của án phạt cho người chống Chúa (c. 8). Nhưng đây là hình ảnh yên nghỉ và giải thoát cho con cái Chúa là những người đã chịu khổ (c. 7). Chúa Giê-xu tái lâm là hy vọng cho con cái Chúa nhưng là viễn ảnh tối tăm cho người chống Chúa.
Phao-lô cho biết, Chúa Giê-xu tái lâm là để:
Báo thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời và không vâng phục Tin Lành của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta (c. 8)
Báo thù mang ý nghĩa hình phạt và cũng để khích lệ những người đang chịu bắt bớ cho họ thấy rằng Đức Chúa Trời sẽ phân xử công minh trong ngày cuối cùng (c. 6). Hai nhóm người sẽ phải nhận chịu hình phạt của Đức Chúa Trời là:
(1) Những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời. Chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời mang ý nghĩa họ là những người “không CHỊU nhận biết Ngài” (BHĐ) như được mô tả trong Rô-ma 1:19-21.
(2) Những người không vâng phục Tin Lành của Đức Chúa Giê-xu Christ. Đây là những người được nghe Phúc Âm nhưng cố tình khước từ.
Số phận của những người không nhận biết Đức Chúa Trời và không vâng phục Tin Lành là bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền phép Ngài (c. 9).
Bị hình phạt hư mất đời đời là viễn ảnh vô cùng đen tối. Nghĩa đen của câu nầy là, “Họ sẽ nhận bản án hư vong đời đời!” Bản án đó là, Xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền phép Ngài. Không điều gì kinh khủng hơn là bị xa cách Chúa mãi mãi! Đây là điều ngược lại với phần thưởng của người tin Chúa: Gặp Chúa và ở cùng Chúa luôn luôn (I Tê. 4:17).
Ngược lại với số phận hư mất đời đời của những người chống Chúa, Phao-lô cho biết, lúc Chúa tái lâm Ngài sẽ:
Được sáng danh trong các thánh đồ, được khen ngợi trong mọi kẻ tin vì anh em đã tin lời chúng tôi làm chứng trước mặt anh em (c. 10)
Vinh hiển (c. 9b) và sáng danh (c. 10a) có cùng một chữ gốc, mang ý nghĩa vinh quang. Đối với người hư mất, họ bị xa cách khỏi vinh quang đó (c. 9b), còn với người tin, Chúa sẽ được sáng danh (được vinh quang) và được ca ngợi. Sự khác nhau đó chỉ vì một lý do: Vì anh em đã tin lời chúng tôi làm chứng trước mặt anh em. Phao-lô là nhân chứng của Phúc Âm, các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca đã tin và tiếp nhận. Họ phải chịu khổ bây giờ nhưng trong cõi tương lai, họ được sống trong sự hiện diện của Chúa đời đời và ca ngợi Ngài. Còn những người không tin, bắt bớ và làm khổ người tin Chúa sẽ phải đời đời xa cách Chúa, đó là hình phạt họ phải gánh chịu, theo sự công bình của Đức Chúa Trời (c. 6).
Sứ đồ Phao-lô kết luận phần nầy với lời cầu nguyện:
Cho nên, chúng tôi vì anh em cầu nguyện không thôi, hầu cho Đức Chúa Trời chúng ta khiến anh em xứng đáng với sự gọi của Ngài và cho Ngài lấy quyền phép làm trọn trong anh em mọi ý định thương xót của lòng nhân Ngài và công việc của đức tin (c. 11)
Lời cầu nguyện của Phao-lô rất xúc tích với hai điểm chính:
(1) Xin Đức Chúa Trời khiến anh em xứng đáng với sự gọi của Ngài.
(2) Xin Đức Chúa Trời lấy quyền phép làm trọn trong anh em mọi ý định thương xót và công việc của đức tin.
Xứng đáng với sự gọi của Ngài (c. 11a). Theo cách dùng của động từ xứng đáng trong các phần khác của Tân Ước, lời cầu nguyện nầy nên hiểu là Phao-lô cầu nguyện để các tín hữu “được kể là xứng đáng” (NIV). Khi Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta tin nhận Ngài, Chúa cũng giúp chúng ta sống xứng đáng với sự kêu gọi đó (Ê-phê-sô 4:1). Phao-lô cầu nguyện xin Đức Chúa Trời tiếp tục làm điều đó trong chúng ta.
Lấy quyền phép làm trọn trong anh em mọi ý định thương xót của lòng nhân Ngài và công việc của đức tin (c. 11b) nên hiểu theo Bản Hiệu Đính: “Nhờ quyền năng Ngài mà hoàn tất mọi khát vọng (mục đích) tốt đẹp và công việc của đức tin anh em.” Ý định trong câu nầy nói đến ý định của các tín hữu chứ không phải của Chúa. Chữ ý định nầy đi chung với công việc của đức tin Phao-lô nói tiếp ngay sau đó (c. 11b). Lời cầu nguyện nầy hàm ý để các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca tiếp tục tiến bộ trong đức tin chứ không dừng lại.
Phao-lô cầu nguyện hai điều trên (c. 11) với mục đích:
Đến nỗi làm sáng danh Đức Chúa Giê-xu chúng ta trong anh em, và anh em trong Ngài, tùy theo ân điển của Đức Chúa Trời chúng ta và của Đức Chúa Jêsus Christ (c. 12)
Câu, Làm sáng danh Đức Chúa Giê-xu chúng ta trong anh em và anh em trong Ngài nói lên giáo lý liên hiệp với Đấng Christ một cách cụ thể. Đây là giáo lý nói về sự sống của Chúa trong người tin Chúa và đời sống của người tin Chúa ở trong Ngài. Qua đời sống đức tin của các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca, Chúa Giê-xu được sáng danh, đó là ý nghĩa của câu, Làm sáng danh Đức Chúa Giê-xu chúng ta TRONG ANH EM. Còn câu, Anh em được sáng danh (được vinh hiển) TRONG NGÀI nghĩa là đời sống của người tin Chúa chỉ thật sự vinh hiển khi liên kết với Chúa Giê-xu. Điều nầy cũng nói lên sự việc người tin Chúa cùng hưởng vinh quang với Chúa trong ngày Chúa trở lại (Rô-ma 8:17).
Đây là điều được hiện thực nhờ ân sủng của Đức Chúa Trời và của Chúa Giê-xu (c. 12b). Lời mở đầu lá thư cho thấy ân sủng đó đến từ Đức Chúa Cha và Chúa Giê-xu (c. 2).
Lời cầu nguyện của Phao-lô cho các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca cho thấy ông ước ao thấy đức tin của họ được ngày càng tiến bộ để Đức Chúa Trời được sáng danh và chính họ cũng được vinh hiển lúc Chúa trở lại.