“Người nói: Hỡi con gái ta, nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho con! Việc nhân từ con làm lần sau này, lại còn trọng hơn lần trước; vì con chẳng có theo những gã trai trẻ, vô luận nghèo hay giàu” (câu 10).
Câu hỏi suy ngẫm: Việc cô Ru-tơ nằm dưới chân ông Bô-ô có ý nghĩa gì? Ông Bô-ô đã phản ứng thế nào khi cô
Ru-tơ xin ông hãy đắp mền trên cô? Câu trả lời của ông Bô-ô thể hiện ông là người ra sao? Đâu là điều cụ thể bạn muốn thay đổi con người bề trong của mình cho hài lòng Chúa?
Theo văn hóa của người Việt, việc một góa phụ nửa đêm lại nằm dưới chân một người đàn ông xa lạ và xin người đó hãy đắp một góc mền trên mình là điều không thể chấp nhận được. Nhưng đây là một nét văn hóa rất đặc thù của vùng cận Đông. Thế nên, chúng ta cần hiểu câu chuyện và ý nghĩa của nó theo văn hóa và bối cảnh của người Ít-ra-ên ngày trước. Hành động cô Ru-tơ nửa đêm đến nằm dưới chân ông Bô-ô biểu trưng cho tấm lòng thuận phục và chờ đợi lòng nhân ái nơi ông Bô-ô. Còn về lời khẩn cầu “xin đắp mền ông trên kẻ tớ gái ông” của cô Ru-tơ được dùng như một thành ngữ về hôn nhân, nhằm diễn tả sinh động về hành động bảo vệ, che chở, và chăm sóc của một người nam dành cho một người nữ.
Đứng trước lời khẩn cầu của cô Ru-tơ, ông Bô-ô đã cư xử rất nhân ái và đầy khôn ngoan. Điều ông Bô-ô quan tâm không phải là ông được gì từ mối quan hệ này, nhưng vượt trên những lợi ích riêng tư ấy, ông Bô-ô nhìn thấy nét đẹp hiền đức đáng quý của một người nữ như cô Ru-tơ, luôn sống cho người khác hơn cho chính mình. Chính bởi nét đẹp bề trong đó của cô Ru-tơ đã làm ông Bô-ô rung động và nhận lời sẽ chăm sóc cô, nếu như người bà con gần hơn ông từ chối thực hiện nghĩa vụ chuộc sản nghiệp. Có thể nói, xuyên suốt cả sách Ru-tơ, từng lời nói cũng như hành động của ông Bô-ô cho thấy ông là một người luôn sống kính Chúa và yêu người.
Trong cuộc sống ngày nay, người ta thường quan tâm trau chuốt vẻ bề ngoài hơn là cho con người bề trong của mình. Chúng ta dễ cảm thấy mặc cảm bởi vẻ bề ngoài có điểm nào đó không hoàn hảo, nhưng lại ít khi thấy hổ thẹn cho những khiếm khuyết ở con người bề trong của mình. Hình ảnh cô Ru-tơ, tấm gương về người nữ hiền đức, và ông Bô-ô, người nam tài đức, là hai hình ảnh đáng để chúng ta suy ngẫm và noi theo. Thay vì lúc nào cũng trau chuốt cho nét đẹp bề ngoài, là thứ dễ phai tàn theo thời gian, chúng ta hãy chuyên tâm trau chuốt con người bề trong của mình, dùng Lời Chúa gọt giũa những góc cạnh trong con người mình, cầu nguyện xin Chúa giúp mình thay đổi những thói hư tật xấu, hầu cho chúng ta trở thành những con người sống kính Chúa và yêu người.
Bạn đang trau chuốt con người bề trong hay chú trọng con người bề ngoài nhiều hơn?
Lạy Chúa là Đấng đã tạo dựng con theo ảnh tượng của Ngài. Xin giúp con luôn biết trau dồi con người bề trong của con ngày càng giống như ảnh tượng ban đầu Ngài tạo dựng nên con.
Bài Thơ: Nét Đẹp Bề Trong (TBM)
(c) 2024 svtk.net