“Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Đồ ăn của Ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai Ta đến, và làm trọn công việc Ngài” (câu 34).
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Chúa chọn lộ trình đi ngang qua Sa-ma-ri? So sánh sự quan tâm của Chúa với sự quan tâm của môn đệ trong câu chuyện này. Thách thức cho các môn đệ ngày xưa cũng như Cơ Đốc nhân ngày nay là gì?
Phúc Âm Giăng 4:1-42 ghi lại câu chuyện Chúa Giê-xu và các môn đệ đến thành Si-kha, một thị trấn ở Sa-ma-ri lúc giữa trưa. Vì đi đường mệt mỏi nên Chúa ngồi ở giếng còn môn đệ đi mua thức ăn. Khi ấy, có một người đàn bà Sa-ma-ri đến giếng múc nước. Mục đích Chúa muốn đi qua Sa-ma-ri trên đường từ Giu-đê về Ga-li-lê là để rao giảng Phúc Âm cho người Sa-ma-ri là một dân tộc vốn bị người Do Thái kỳ thị. Chúa đã nắm lấy cơ hội tiếp xúc với người phụ nữ Sa-ma-ri đến múc nước để bày tỏ cho bà biết Ngài chính là Đấng Cứu Thế (câu 29). Sau khi được nghe Lời Chúa, chị tin Ngài nên lập tức chạy ngay vào thành, loan báo cho dân thành đến với Chúa, và kết quả rất nhiều người Sa-ma-ri tin nhận Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Thế của nhân loại (câu 42). Các môn đệ mua thức ăn về nài nỉ Chúa ăn, nhưng Ngài nói: “Ta có một thứ lương thực để nuôi mình mà các ngươi không biết.” Nghe thế họ bảo nhau, không lẽ đã có ai đó đã đem thức ăn mời Chúa ăn rồi sao? Nhưng Chúa giảng giải cho họ: “Đồ ăn của Ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai Ta đến, và làm trọn công việc Ngài” (câu 32-34).
Các môn đệ quan tâm đến lương thực để nuôi sống thể xác, nhưng Chúa Giê-xu quan tâm đến lương thực để nuôi dưỡng đời sống tâm linh cho dân thành Sa-ma-ri. Chúa bày tỏ cho các môn đệ biết Ngài làm theo ý muốn Đấng sai Ngài đến và làm cho xong việc Ngài phải làm, đó chính là lương thực mang lại sức mạnh cho đời sống của Ngài ở trần gian. Cũng vậy, sức mạnh của người rao giảng Phúc Âm chính là làm theo ý muốn Đấng kêu gọi và ủy thác sứ mệnh này, và làm trọn công việc Ngài giao phó cho chúng ta.
Giống như các môn đệ ngày xưa, chúng ta có thể quan tâm đến nhu cầu vật chất của chúng ta, và nhu cầu tài chánh của công việc Chúa giao hơn là nắm lấy cơ hội đưa dẫn người khác đến với Nước Hằng Sống (câu 10), giúp đỡ người khác thỏa mãn sự khao khát tâm linh (câu 14), giúp họ biết và tin nhận Chúa Cứu Thế. Thách thức cho chúng ta là hãy ngước mắt lên để nhìn thấy đồng lúa đã chín vàng, sẵn sàng cho mùa gặt (câu 35). Vô số người quanh ta đang mong đợi nghe Tin Mừng để được cứu. Họ là cánh đồng linh hồn đã sẵn sàng cho Phúc Âm. Chúng ta cần phải “nhướng mắt lên” để nhìn thấy những cơ hội Chúa cho chúng ta để giúp đưa người khác đến với Chúa như Ngài đã nhìn thấy.
Thức ăn nuôi sống tâm linh của bạn là gì?
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã dạy cho con biết lương thực nuôi sống và mang lại sức mạnh cho Ngài là gì. Xin giúp con nắm lấy mọi cơ hội rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho người khác biết Ngài chính là Đấng Cứu Thế của nhân loại.
Bài Thơ: Thức Ăn Thuộc Linh (TBM)
(c) 2024 svtk.net