"Vậy trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn cho mọi người" (c. #1).
Câu hỏi suy ngẫm: Trong câu #1, Phao-lô dùng những động từ nào để chỉ về sự cầu nguyện? Những động từ này có ý nghĩa khác nhau thế nào? Lời cầu nguyện của bạn có thường bao gồm những ý nghĩa này không? Bạn thấy điều gì thường thiếu sót và cần sửa đổi?
Trong câu #1, Phao-lô dùng một loạt 4 chữ để nói về sự cầu nguyện:
1. Khẩn nguyện: Nguyên gốc Hi Lạp là \@Deesis\@ có nghĩa là thỉnh nguyện với Đức Chúa Trời hoặc với một người nào đó về nhu cầu của mình. Mình có nhu cầu, nhận biết nhu cầu, và mình không thể tự đáp ứng nên xin Chúa hoặc người khác đáp ứng cho.
2. Cầu xin: Tiếng Hi Lạp \@proseuche\@ là tiếng dùng chỉ nói với Chúa. Có những điều mà chỉ có Chúa mới ban cho chúng ta được như sự tha thứ, sự cứu rỗi...Cầu nguyện là dâng lên lời cầu xin đúng chỗ, đúng đối tượng. Bởi sự yếu đuối mà chúng ta hay đụng đâu cầu xin đấy, lời cầu xin của chúng ta không dâng lên đúng chỗ.
3. Kêu van: nguyên gốc là \@enteuxis\@, có nghĩa là "bước đến trước sự hiện diện của vua và trình lên vua lời thỉnh cầu của mình." Cầu nguyện là đến trước sự hiện diện của Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa. Chúa cho chúng ta đến trước sự hiện diện của Ngài để trình dâng vấn đề của mình. Ta có ý thức được mỗi lần cầu nguyện là mình đến trước sự hiện diện của Chúa không?
4. Tạ ơn: Trong lời cầu nguyện của con cái Chúa không chỉ toàn những lời "xin" hết điều này đến điều nọ, nhưng phải có sự tạ ơn kèm theo để tỏ lòng biết ơn Chúa về mọi thứ Ngài ban cho. Con cái Chúa là những người "biết ơn" chứ không phải chỉ là những người "biết xin" mà thôi.
Cảm tạ Chúa cho con được quyền đến để dâng lên Ngài lời cầu nguyện. Xin dạy con biết cầu nguyện đẹp lòng Ngài.
(c) 2024 svtk.net