Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 6

MẮT CHƯA THẤY, TAI CHƯA NGHE! (2:6-10)

 

6 Dầu vậy, chúng tôi giảng sự khôn ngoan cho những kẻ trọn vẹn, song chẳng phải sự khôn ngoan thuộc về đời nầy, cũng không phải của các người cai quản đời nầy, là kẻ sẽ bị hư mất. 7 Chúng tôi giảng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, là sự mầu nhiệm kín giấu, mà từ trước các đời, Đức Chúa Trời đã định sẵn cho sự vinh hiển chúng ta. 8 Trong những người cai quản đời nầy chẳng ai từng biết sự đó. Bởi chưng, nếu đã biết thì họ chẳng đóng đinh Chúa vinh hiển trên cây thập tự đâu.

9 Song le, như có chép rằng: Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài. 10 Đức Chúa Trời đã dùng Đức Thánh Linh để bày tỏ những sự đó cho chúng ta vì Đức Thánh Linh dò xét mọi sự, cả đến sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời nữa.

 

1. “Những kẻ trọn vẹn” (c. 6a) chỉ về ai? “Các người cai quản đời nầy” (c. 6b) là ai?

2. Câu 6 và câu 7 nói đến hai sự khôn ngoan. Hai sự khôn ngoan đó là gì?

3. Phao-lô gọi “sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời là “sự mầu nhiệm kín giấu” (c. 7a). “Sự mầu nhiệm kín giấu” nghĩa là gì?

4. “Sự vinh hiển chúng ta” (c. 7b) chỉ về điều gì?

5. Tại sao Chúa Giê-xu được gọi là “Chúa vinh hiển” (c. 8b)?

6. Điều “mắt chưa thấy, tai chưa nghe và lòng người chưa nghĩ đến”(c. 9) là điều gì?

 

Trong 2:4, Phao-lô nói:

Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan…

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không có khôn ngoan trong Phúc Âm. Khôn ngoan của Phúc Âm là khôn ngoan không thuộc về đời nầy (c. 6b). Khôn ngoan nầy được giảng cho những kẻ trọn vẹn (c. 6a). Trọn vẹn mang ý nghĩa đã đạt được mục đích hay trưởng thành (BHĐ). Theo văn mạch, đây là những người đã tiếp nhận Phúc Âm và hưởng ơn cứu rỗi, ngược lại với những người cho Phúc Âm là điên dại và khước từ. Các người cai quản đời nầy (c. 6c) chỉ về những người lãnh đạo chính trị và tôn giáo đương thời. Phao-lô nói họ là những người đã đóng đinh Chúa trên cây thập tự (c. 8) và sẽ bị hư mất (c. 6d). Hư mất mang ý nghĩa “sẽ qua đi” (BHĐ), không tồn tại lâu dài.

Phao-lô nói, Phúc Âm ông rao giảng là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và ông gọi đó là sự mầu nhiệm kín giấu (c. 7b). Phao-lô thường dùng cụm từ nầy để mô tả Phúc Âm (Ê-phê-sô 3:4-6) tức là chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Điều nầy là một huyền nhiệm nhưng đến đúng lúc được bày tỏ cho mọi người biết. Sự mầu nhiệm kín giấu hay chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời là dành cho chúng ta. Phao-lô nói: Đức Chúa Trời đã định sẵn cho sự vinh hiển chúng ta (c. 7c). Sự vinh hiển nói đến kết quả sau cùng của sự cứu rỗi (Rô-ma 8:30).

Sự mầu nhiệm kín giấu tức là huyền nhiệm của Phúc Âm là điều mà giới lãnh đạo Do-thái và La-mã (những người cai quản đời nầy) không biết. Chính vì vậy mà Chúa Giê-xu đã bị họ đóng đinh (c. 8). Chúa Giê-xu được gọi là Chúa vinh hiển (c. 8b) nói lên thần tính của Ngài vì trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời được gọi là Vua vinh hiển hay Đức Chúa Trời vinh hiển (Thi thiên 24:7-10; 29:3; Công vụ 7:2). Câu 8b vì vậy hàm ý, người ta đã đóng đinh chính Đức Chúa Trời trên cây thập tự!

Câu 9 là lời trích từ Ê-sai 64:4 theo Bản Bảy Mươi (bản dịch Cựu Ước trong tiếng Hy-lạp). Phần câu, Lòng người chưa nghĩ đến chỉ là một ý trong Cựu Ước được Phao-lô tóm tắt lại. Điều ấy trong câu nầy chỉ về ơn cứu rỗi tức là huyền nhiệm Phúc Âm (sự mầu nhiệm kín giấu) mà Phao-lô nói trong câu 7. Chúng ta biết được ơn cứu rỗi là nhờ Đức Thánh Linh bày tỏ cho chúng ta (c. 10). Công tác của Chúa Thánh Linh là dò xét mọi sự, cả đến sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời (c. 10b). Dò xét nghĩa là thấu suốt. Bản Hiệu Đính dịch phần nầy như sau: “Vì Thánh Linh thấu suốt mọi sự, ngay cả những điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời.”