11 Vả, nếu không phải là thần linh trong lòng người, thì ai biết sự trong lòng người? Cũng một lẽ ấy, nếu không phải là Thánh Linh của Đức Chúa Trời, thì chẳng ai biết sự trong Đức Chúa Trời. 12 Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thần thế gian, nhưng đã nhận lấy Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu cho được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời. 13 Chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy, dùng tiếng thiêng liêng để giải bày sự thiêng liêng.
14 Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời, bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng. 15 Nhưng người có tánh thiêng liêng xử đoán mọi sự, và chính mình không bị ai xử đoán. 16 Vì ai đã biết ý Chúa, đặng dạy dỗ Ngài? Nhưng phần chúng ta, thì có ý của Đấng Christ.
1. Xin cho biết những điều Phao-lô đối chiếu trong các câu 11-13 (hai điều trong mỗi câu).
2. Xin cho biết hai hạng người Phao-lô đối chiếu trong câu 14-15. Họ khác nhau thế nào?
3. Hai phần của câu 16 có mâu thuẫn nhau không? Tại sao?
Đây là phần Kinh Thánh rất lý thú nếu được đọc trong nguyên ngữ. Điểm cuối cùng Phao-lô nói trong phần trên là Đức Thánh Linh: Đức Thánh Linh bày tỏ (c. 10a) và Đức Thánh Linh dò xét mọi sự (c. 10b). Từ đó, Phao-lô khai triển đề tài Đức Thánh Linh trong phần kế tiếp.
Trong nguyên ngữ, thần linh (c. 11a), Thánh Linh (c. 11b) và thần (c. 12a) là cùng một từ, pneuma. Ngoài ra, từ thiêng liêng cũng có cùng một gốc (pneumatikos). Có thể nói, Phao-lô đã dùng những từ nầy để “chơi chữ” trong cả phần Kinh Thánh nầy (ông sử dụng từ gốc và từ tương đương 10 lần trong các câu nầy).
Trước hết ông đối chiếu thần linh trong lòng người (pneuma tou anthropou) với Thánh Linh của Đức Chúa Trời (pneuma tou theou). Thần linh hay tâm linh một người biết được những điều trong lòng người thể nào thì Thánh Linh của Đức Chúa Trời cũng biết được những điều trong Đức Chúa Trời như vậy (c. 11).
Kế đến, Phao-lô đối chiếu giữa thần thế gian (pneuma tou kosmou) với Thánh Linh từ Đức Chúa Trời (pneuma to ek tou theou). Đây nói đến hiểu biết của chúng ta về ơn của Đức Chúa Trời. Chúng ta không nhờ tinh thần hay “linh” (BHĐ) của thế gian để hiểu biết ơn của Đức Chúa Trời nhưng nhờ Thánh Linh đến từ Đức Chúa Trời (c. 12).
Trong câu 13, Phao-lô đối chiếu giữa sự khôn ngoan của loài người (c. 13a) với sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy (c. 13b). Người tin Chúa thấu hiểu được ơn của Đức Chúa Trời nhờ sự khôn ngoan đến từ Thánh Linh, không phải khôn ngoan của con người. Phần cuối câu 13 trong nguyên văn là ba từ có cùng gốc đi liền nhau: pneumatos (bởi Thánh Linh), pneumatikois (với điều thiêng liêng), pneumatika (sự việc thiêng liêng). Bản Hiệu Đính dịch phần nầy: “Nhờ sự chỉ dạy của Thánh Linh, dùng lời lẽ thuộc linh giãi bày những chân lý thuộc linh.”
Hai hạng người Phao-lô so sánh trong câu 14-15 là người có tánh xác thịt, psychikos (c. 14) và người có tánh thiêng liêng, pneumatikos (c. 15). Người có tánh xác thịt là con người thiên nhiên, người chưa tin Chúa, chưa được đổi mới. Bản Hiệu Đính dịch là “người không có Thánh Linh.” Đối chiếu với người có tánh xác thịt là người có tánh thiêng liêng, chỉ về người đã tin nhận Chúa, có Chúa Thánh Linh (BHĐ).
Phao-lô đang nói về việc người đời coi sứ điệp Phúc Âm là rồ dại (1:18, 23), là vấn đề phải được xem xét cách thiêng liêng, pneumatikos (c. 14b) – “phải được phán đoán cách thuộc linh” (BHĐ). Người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời vì họ không nhìn thấy vấn đề dưới cái nhìn thuộc linh như vậy.
Chữ xem xét (c. 14b) và xử đoán (c. 15a) là cùng một từ trong nguyên văn (“phán đoán” và “xét đoán,” BHĐ). Phao-lô cho thấy điểm khác nhau giữa người có tánh xác thịt và người có tánh thiêng liêng: người có tánh xác thịt không biết phán đoán những vấn đề tâm linh còn người có tánh thiêng liêng thì có thể phán đoán hay phân biện mọi điều.
Chính mình không bị ai xử đoán (c. 15b) nói đến xử đoán những vấn đề thuộc phạm vi tâm linh. Người không có Thánh Linh (có tánh xác thịt) không thể nào có hiểu biết thuộc linh để phê phán người tin Chúa.
Phao-lô trích Ê-sai 40:13 trong dạng câu hỏi ở phần đầu câu 16. Câu trả lời dĩ nhiên là “không.” Tuy nhiên, là người tin Chúa, chúng ta được Chúa ban ơn để có thể hiểu biết ý muốn của Ngài. Trong ý nghĩa đó, chúng ta có được “tâm trí của Chúa” (BHĐ). Vì vậy hai phần nầy không mâu thuẫn nhau.