1 Hỡi anh em, về phần tôi, tôi chẳng có thể nói với anh em như với người thiêng liêng, nhưng như với người xác thịt, như với các con đỏ trong Đấng Christ vậy. 2 Tôi lấy sữa nuôi anh em, chớ chẳng lấy đồ ăn cứng, vì anh em không chịu nổi, đến bây giờ cũng chưa chịu được, vì anh em hãy còn thuộc về xác thịt. 3 Thật, bởi trong anh em có sự ghen ghét và tranh cạnh, anh em há chẳng phải là tánh xác thịt ăn ở như người thế gian sao? 4 Có người thì nói: Ta là môn đồ của Phao-lô; kẻ thì rằng: Ta là của A-bô-lô, vậy anh em há chẳng phải là người cũng như kẻ khác sao? 5 Thế thì, A-bô-lô là ai, và Phao-lô là ai? Ấy là kẻ tôi tớ, mà bởi kẻ đó anh em đã tin cậy, y theo Chúa đã ban cho mọi người. 6 Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên. 7 Vậy, người trồng kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên. 8 Người trồng, kẻ tưới, đều bằng nhau; ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm.
1. Phao-lô gọi các tín hữu Cô-rinh-tô là “người xác thịt” và “các con đỏ” (c. 1). Hai từ nầy ngụ ý gì?
2. “Sữa” và “đồ ăn cứng” (c. 2) hàm ý điều gì?
3. Theo câu 3, “người xác thịt” có những đặc tính nào?
4. Phao-lô lý luận như thế nào để giải quyết vấn đề phe phái trong Hội Thánh Cô-rinh-tô (c. 4-8)?
Phao-lô bắt đầu Thư I Cô-rinh-tô với vấn đề chia rẽ, về những phe phái khác nhau trong Hội Thánh (1:10-13). Để giải quyết vấn đề chia rẽ nầy, trước hết Phao-lô nói:
Đấng Christ bị phân rẽ ra sao? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em… sao? (1:13a)
Từ chỗ nói rằng: Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em… sao? Phao-lô nói đến thập tự giá và sứ điệp thập tự giá từ 1:17-2:16. Bây giờ, Phao-lô quay lại vấn đề chia rẽ và cho thấy nguyên nhân của chia rẽ trong Hội Thánh Cô-rinh-tô là tình trạng ấu trĩ, thiếu hiểu biết của tín hữu.
Trước hết Phao-lô gọi họ là người xác thịt và các con đỏ (c. 1). Trong 2:14-15, Phao-lô đối chiếu giữa hai hạng người: người có tánh thiêng liêng và người có tánh xác thịt. Chữ, người có tánh xác thịt (2:14) khác với chữ, người xác thịt (3:1).
Người có tánh xác thịt (psychikos), là con người thiên nhiên, người chưa tin Chúa, chưa được đổi mới. Bản Hiệu Đính dịch là “người không có Thánh Linh.”
Người xác thịt (sarkinos) là người đã tin Chúa nhưng còn để con người cũ, con người xác thịt điều khiển (Rô-ma 7:14-25).
Như vậy, I Cô-rinh-tô 2:14-3:1 nói về ba hạng người:
· Người có tánh xác thịt (psychikos): người chưa tin Chúa, “người không có Thánh Linh” (2:14).
· Người xác thịt (sarkinos): người đã tin nhận Chúa nhưng để cho xác thịt cai trị (3:1)
· Người có tánh thiêng liêng (pneumatikos): người đã tin nhận Chúa, có Chúa Thánh Linh ngự trị (3:1, BHĐ).
Con đỏ là “trẻ sơ sinh” (BHĐ), người chưa trưởng thành. Tương tự như vậy, sữa nói đến thức ăn cho trẻ con và đồ ăn cứng là thức ăn cho người lớn. Lý do độc giả của Phao-lô không chịu nổi đồ ăn cứng là vì họ hãy còn thuộc về xác thịt (sarkikoi).
Trong câu 3, Phao-lô cho thấy ghen ghét và tranh cạnh là đặc tính của người có tánh xác thịt. (sarkikoi). Nan đề chia rẽ trong Hội Thánh Cô-rinh-tô đến từ những người có tánh xác thịt vì họ là những người ấu trĩ, chưa trưởng thành. Ganh tị, tranh chấp (BHĐ) là đặc tính của trẻ con, đó cũng là cách cư xử của người đời (người thế gian). Phao-lô kết luận:
Khi người nầy nói: “Tôi thuộc về Phao-lô,” người khác nói: “Tôi thuộc về A-pô-lô,” như vậy anh em không phải là người đời sao? (c. 4, Bản Hiệu Đính)
Trong cái nhìn của Phao-lô, những từ sau đây đồng nghĩa với nhau: người chia rẽ, người xác thịt, người chưa trưởng thành và người đời.
Để giải quyết vấn đề phe phái, chia rẽ trong Hội Thánh (phe A-bô-lô và phe Phao-lô) lý luận của Phao-lô như sau (c. 5-8):
1. A-bô-lô và Phao-lô chỉ là phương tiện Đức Chúa Trời dùng để đem họ đến với Chúa: Ấy là kẻ tôi tớ mà bởi kẻ đó anh em đã tin cậy (c. 5a).
2. A-bô-lô và Phao-lô làm những việc khác nhau nhưng cho cùng một mục đích: Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới (c. 6a).
3. Yếu tố quan trọng là Đức Chúa Trời, không phải Phao-lô hay A-bô-lô: Người trồng, kẻ tưới đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên (c. 9).
Nếu ý thức vấn đề rõ ràng như vậy sẽ không còn tranh chấp, phe phái trong Hội Thánh.