1 Vả, hỡi anh em, tôi chẳng muốn cho anh em không biết tổ phụ chúng ta đều đã ở dưới đám mây, đi ngang qua biển, 2 chịu Môi-se làm phép báp-têm trong đám mây và dưới biển, 3 ăn một thứ ăn thiêng liêng, 4 và uống một thứ uống thiêng liêng; vì họ uống nơi một hòn đá thiêng liêng theo mình, và đá ấy tức là Đấng Christ. 5 Song phần nhiều trong vòng họ không đẹp lòng Đức Chúa Trời, nên đã ngã chết nơi đồng vắng.
6 Mọi điều đó đã xảy ra để làm gương cho chúng ta, hầu cho chúng ta chớ buông mình theo tình dục xấu, như chính tổ phụ chúng ta đã buông mình. 7 Cũng đừng thờ hình tượng nữa, như mấy người trong họ, theo lời chép rằng: Dân sự ngồi mà ăn uống, rồi đứng dậy mà chơi giỡn. 8 Chúng ta chớ dâm dục như mấy người trong họ đã dâm dục, mà trong một ngày có hai vạn ba ngàn người bị bỏ mạng. 9 Cũng chớ thử thách Chúa như mấy người trong họ đã thử thách mà bị loài rắn hủy diệt. 10 Lại cũng chớ lằm bằm như mấy người trong họ đã lằm bằm mà bị chết bởi kẻ hủy diệt.
11 Những sự ấy có nghĩa hình bóng, và họ đã lưu truyền để
khuyên bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối cùng các đời. 12 Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo
ngã. 13 Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng
có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh
em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra
khỏi, để anh em có thể chịu được.
1. Theo ý quý vị, tại sao lại có phần “Lấy sự sửa phạt dân Y-sơ-ra-ên làm gương” ở đây? Lý do nào khiến Phao-lô nói về vấn đề nầy tại đây?
2. “Tôi chẳng muốn anh em không biết” (c. 1) nghĩa là thế nào?
3. “Tổ phụ chúng ta” (c.1b) chỉ về ai? Tại sao Phao-lô gọi họ là “tổ phụ CHÚNG TA” vì trong Hội Thánh Cô-rinh-tô có nhiều người không phải là người Do-thái?
4. “Ở dưới đám mây” (c. 1c) nghĩa là gì?
5. Tại sao Phao-lô nói khi con dân Chúa đi trong đồng vắng và vượt Biển Đỏ là, “chịu Môi-se làm phép báp-têm trong đám mây và dưới biển” (c. 2)?
6. “Ăn một thứ ăn thiêng liêng và uống một thứ uống thiêng liêng” (c. 3-4a) chỉ về điều gì?
7. “Một hòn đá thiêng liêng THEO MÌNH” (c. 4b) nghĩa là thế nào? Tại sao Phao-lô nói đá đó THEO họ?
8. Xin đọc câu 5-10 và điền vào khoảng trống bên dưới:
|
LỜI CỦA PHAO-LÔ |
SỰ VIỆC TRONG CỰU ƯỚC |
|
Câu 5 |
|
|
Dân số 14:29-30 |
Câu 6 |
|
|
Dân số 11:4 |
Câu 7 |
|
|
Xuất 32:1-6 |
Câu 8 |
|
|
Dân số ký 25:1-8 |
Câu 9 |
|
|
Dân số ký 21:5-6 |
Câu 10 |
|
|
Dân số ký 16:41-49 |
9. Phao-lô nói trong câu 11: “Những sự ấy có nghĩa hình bóng và họ đã lưu truyền để khuyên bảo chúng ta.” Những điều nầy khuyên bảo chúng ta như thế nào?
10. Xin giải thích câu 12.
11. Câu 13 dạy chúng ta điều gì về cám dỗ/thử thách trong đời sống?
(1) ______________________________________________________________
(2) ______________________________________________________________
(4) ______________________________________________________________
(5) ______________________________________________________________
Phần cuối của Chương 9, Phao-lô nói chính mình phải bị bỏ chăng (9:26) nên trong Chương 10 tiếp theo, Phao-lô cho thấy gương của con dân Chúa ngày xưa, là những người hưởng nhiều đặc quyền nhưng vì không cẩn thận làm theo Lời Chúa, đã bị hình phạt đau đớn. Phao-lô cho thấy mục đích của ông khi viết về gương của dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa trong câu 11-12:
Những sự ấy có nghĩa hình bóng, và họ đã lưu truyền để khuyên bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối cùng các đời. Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã.
Tôi chẳng muốn cho anh em không biết (c. 1a) là lối nói nhấn mạnh, hàm ý: “Tôi muốn anh em phải biết rõ điều nầy!” Phao-lô thường dùng thành ngữ nầy mỗi khi nói đến những giáo lý quan trọng trong các lá thư của ông (Rô-ma 1:13; 11:25; I Cô. 12:1; II Cô. 1:8; I Tê. 4:13). Tổ phụ chúng ta, được mô tả trong những câu tiếp theo, nói đến tổ tiên của người Y-sơ-ra-ên. Phao-lô nói tổ phụ chúng ta với người Cô-rinh-tô là Dân Ngoại cho thấy ông kể mọi người tin Chúa là dân Y-sơ-ra-ên thật của Đức Chúa Trời. Ở dưới đám mây chỉ về trụ mây dẫn dắt con dân Chúa trong đồng vắng (Xuất 13:21-22). Đi ngang qua biển nói đến kinh nghiệm vượt Biển Đỏ của con dân Chúa (Xuất 14:21-22).
Chịu Môi-se làm phép báp-têm trong đám mây và dưới biển (c. 2) có cùng ý nghĩa với câu: “Chúng ta thảy đều đã chịu phép báp-têm trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (Rô-ma 6:3). Khi một người tin Chúa Giê-xu và nhận báp-têm, người đó được liên hiệp với Chúa Giê-xu. Dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa, khi vượt Biển Đỏ dưới sự lãnh đạo của Môi-se, họ cũng được liên hiệp với Môi-se như vậy. Đám mây tượng trưng cho sự hiện diện vinh quang của Đức Chúa Trời. Biển (nước) chỉ về ơn cứu chuộc của Ngài.
Phao-lô kể thêm hai đặc ân khác của con dân Chúa là: Ăn một thứ ăn thiêng liêng và uống một thứ uống thiêng liêng (c. 3-4a). Hai điều nầy nói lên kinh nghiệm của dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng về nước uống từ vầng đá và bánh ma-na. Phao-lô gọi hai điều nầy là thiêng liêng, hàm ý rằng nước và bánh ma-na đó bày tỏ ân sủng của Đức Chúa Trời cho người Y-sơ-ra-ên và đều là hình bóng về Chúa Giê-xu là nước và bánh hằng sống (Giăng 4:14; 6:31-35). Chúa Giê-xu được gọi là hòn đá thiêng liêng ban nước hằng sống (c. 4b). Sở dĩ Phao-lô nói đến hòn đá thiêng liêng THEO MÌNH (c. 4b) vì có truyền tụng của người Do-thái tin rằng khi đi trong đồng vắng luôn luôn có một vầng đá đi theo sau họ. Thật ra, tảng đá là hình ảnh được dùng thường xuyên để mô tả Đức Chúa Trời trong Cựu Ước (Thi thiên 18:2; 19:14; 28:1…) Do đó, khi nói hòn đá thiêng liêng theo mình cũng mang ý nghĩa hình bóng về việc Đức Chúa Trời luôn luôn dõi theo con dân của Ngài trong đồng vắng.
Với tất cả những đặc ân trên (được Đức Chúa Trời dẫn dắt qua trụ mây, vượt Biển Đỏ, uống nước từ vầng đá, được cung cấp bánh ma-na), điều con dân Chúa đã làm là: Phần nhiều trong vòng họ không đẹp lòng Đức Chúa Trời, nên đã ngã chết nơi đồng vắng (c. 5). Đây là điều Phao-lô dùng để cảnh cáo con dân Chúa tại Cô-rinh-tô và chúng ta hôm nay.
Phao-lô nhắc lại những sự việc cho thấy người Y-sơ-ra-ên đã không đẹp lòng Đức Chúa Trời như thế nào:
|
LỜI CỦA PHAO-LÔ |
SỰ VIỆC TRONG CỰU ƯỚC |
|
Câu 5 |
Không đẹp lòng Đức Chúa Trời |
Trên hai mươi tuổi phải chết trong đồng vắng |
Dân số 14:29-30 |
Câu 6 |
Buông mình theo tình dục (ham muốn) xấu |
Tham muốn đòi ăn thịt |
Dân số 11:4 |
Câu 7 |
Thờ hình tượng |
Làm tượng bò vàng để thờ |
Xuất 32:1-6 |
Câu 8 |
Dâm dục |
Thông dâm với con gái Mô-áp |
Dân số ký 25:1-8 |
Câu 9 |
Thử Chúa |
Nói nghịch cùng Đức Chúa Trời và Môi-se |
Dân số ký 21:5-6 |
Câu 10 |
Lằm bằm |
14,700 người chết |
Dân số ký 16:41-49 |
Phao-lô nhắc lại những điều trên kèm với những lời khuyên: Hầu cho chúng ta chớ… Cũng đừng… Chúng ta chớ… Cũng chớ… Lại cũng chớ… (c. 6-10) cho thấy ông muốn nhắc độc giả tránh tội lỗi của người xưa, nếu không sẽ không tránh khỏi hình phạt của Chúa. Ông kết luận với câu:
Những sự ấy có nghĩa hình bóng và họ đã lưu truyền để khuyên bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối cùng các đời (c. 11)
Nghĩa hình bóng nói đến gương mà họ để lại, nghĩa là gương xấu mà chúng ta phải tránh. Khuyên bảo đồng nghĩa với “cảnh cáo” (BHĐ). Khoảng thời gian giữa lúc Chúa thăng thiên và tái lâm thường được gọi là thời kỳ cuối cùng. Phao-lô muốn nói với các tín hữu Cô-rinh-tô ngày xưa cũng như chúng ta hôm nay là chúng ta phải cẩn thận nhìn vào gương của con dân Chúa trong Cựu Ước để sống giữ mình, chờ đợi ngày Chúa trở lại.
Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã (c. 12)
Câu nầy lưu ý chúng ta về gương của con dân Chúa ngày xưa. Họ là tuyển dân của Chúa, được Chúa giải phóng khỏi Ai-cập và hưởng nhiều đặc quyền của Chúa (c. 1-4). Vậy mà họ đã vấp ngã trong đồng vắng, phạm nhiều tội chống lại Chúa (c. 5-10). Họ là những người lẽ ra phải đứng vững vì đã kinh nghiệm bao nhiêu ân huệ từ nơi Chúa, vậy mà họ đã ngã! Những gương nầy vì vậy là lời cảnh cáo cho chúng ta, những người có nhiều kinh nghiệm trong Chúa và nghĩ rằng mình sẽ không bị sa ngã.
Tiếp theo lời cảnh báo trên, Phao-lô cũng có lời an ủi, khích lệ chúng ta:
Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu, nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được (c. 13)
Chữ cám dỗ cũng có thể dịch là “thử thách” và nguyên tắc trong câu nầy áp dụng cho cả hai, khi gặp thử thách cũng như khi bị cám dỗ. Đặc tính của cám dỗ/thử thách là:
(1) Không quá sức loài người: đây là việc thường tình, xảy ra cho tất cả mọi người.
(2) Không quá sức cá nhân: mỗi người có sức chịu đựng cám dỗ/thử thách khác nhau. Chúa biết điều đó và chỉ cho phép cám dỗ/thử thách đến độ chúng ta có thể chịu được.
(3) Luôn luôn có lối thoát cho cám dỗ/thử thách: mở đàng là hình ảnh con đường trong hẻm núi giúp cho một đạo quân bị bao vây thoát hiểm.
Trên tất cả những điều nầy, Đức Chúa Trời là Đấng tể trị và Chúa là thành tín. Dù hoàn cảnh nào, Chúa luôn luôn có lối thoát cho chúng ta, vấn đề là chúng ta có chịu đi theo lối thoát đó hay không!