1 Hỡi anh em, tôi không muốn anh em chẳng biết về các sự ban cho thiêng liêng. 2 Anh em biết khi mình còn là người ngoại đạo, bị khuyên dỗ hướng về các thần tượng câm, tùy ý người ta dẫn dụ mình. 3 Bởi đó, tôi tỏ cùng anh em, chẳng ai cảm Thánh Linh của Đức Chúa Trời, mà nói rằng: Đức Chúa Jêsus đáng nguyền rủa! Nếu không cảm Đức Thánh Linh, cũng chẳng ai xưng Đức Chúa Jêsus là Chúa!
4 Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh. 5 Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. 6 Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người. 7 Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung. 8 Vả, người nầy nhờ Đức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức. 9 Bởi một Đức Thánh Linh, cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Đức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh; 10 người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói tiên tri; người thì được phân biệt các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy. 11 Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người.
1. Xin đọc I Cô-rinh-tô 12:1 – 14:40 và cho biết ý chính của mỗi phần:
12:1-11: ________________________________________________________
12:12-31a: _____________________________________________________
12:31b – 13:13: _______________________________________________
14:1-25: _______________________________________________________
14:26-40: _____________________________________________________
2. “Tôi không muốn anh em chẳng biết” (c. 1a) nghĩa là thế nào?
3. “Sự ban cho thiêng liêng” (c. 1b) nói đến điều gì?
4. Tại sao Phao-lô nhắc đến “các thần tượng câm” (c. 2) trước khi nói về Đức Thánh Linh trong câu tiếp theo (c. 3)?
5. Xin cho biết điều Phao-lô muốn nói trong câu 3.
6. Xin cho biết đặc tính của các sự ban cho (ân tứ) dựa trên câu 4-7 và câu 11:
(1) _______________________________________________________________
(2) _______________________________________________________________
(3) _______________________________________________________________
(4) _______________________________________________________________
(5) _______________________________________________________________
(6) _______________________________________________________________
(7) _______________________________________________________________
7. Bảng liệt kê ân tứ (c. 8-10):
ÂN TỨ |
Ý NGHĨA |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Thư I Cô-rinh-tô 12:1 – 14:40 là phần Kinh Thánh Phao-lô nói về ân tứ (charismata). Hai chữ mở đầu phần nầy (trong nguyên văn) cũng giống như trong 7:1, 25; 8:1; 16:1, 12, đánh dấu một vấn đề Phao-lô trả lời cho Hội Thánh Cô-rinh-tô. Ý chính của các phân đoạn nầy là:
· 12:1-11: Đức Thánh Linh là nguồn của mọi ân tứ
· 12:12-31a: Các ân tứ khác nhau nhưng hợp nhất với nhau
· 12:31b – 13:13: Yêu thương là yếu tố cần thiết trong việc sử dụng ân tứ
· 14:1-25: Ân tứ nói tiên tri và ân tứ nói tiếng lạ
· 14:26-40: Thứ tự trong giờ thờ phượng
I Cô-rinh-tô chương 12 bắt đầu với câu:
Hỡi anh em, tôi không muốn anh em chẳng biết về các sự ban cho thiêng liêng (c. 1)
Không muốn anh em chẳng biết là lối nói phủ định kép, nhằm ý nhấn mạnh (hai lần “không” nghĩa là “có”). Tôi không muốn anh em chẳng biết nghĩa là, “Tôi muốn anh em biết thật rõ!” Điều Phao-lô muốn các tín hữu Cô-rinh-tô biết thật rõ là về các sự ban cho thiêng liêng (c. 1b). Sự ban cho thiêng liêng trong câu mở đầu là pneumatikon nghĩa là những điều thuộc linh, chỉ về ân tứ thuộc linh (chrismata).
Để giúp người Cô-rinh-tô thấy vấn đề, Phao-lô nhắc lại kinh nghiệm của họ trước khi họ tin Chúa:
Anh em biết khi mình còn là người ngoại đạo, bị khuyên dỗ hướng về các thần tượng câm, tùy ý người ta dẫn dụ mình (c. 2)
Phao-lô nói thần tượng câm để đối chiếu với Đức Thánh Linh trong câu tiếp theo. Câm, không nói được, cho thấy thần tượng là hư không, không thể trả lời, không có câu trả lời cho người thờ thần tượng. Người thờ thần tượng thì bị khuyên dỗ và tùy ý người ta dẫn dụ mình cho thấy họ bị đưa vào niềm tin sai lầm, không do nơi quyết định hiểu biết của họ.
Đối chiếu với thần tượng câm là Đức Thánh Linh:
Bởi đó, tôi tỏ cùng anh em, chẳng ai cảm Thánh Linh của Đức Chúa Trời, mà nói rằng: Đức Chúa Jêsus đáng nguyền rủa! Nếu không cảm Đức Thánh Linh, cũng chẳng ai xưng Đức Chúa Jêsus là Chúa! (c. 3)
Thần tượng câm, không nói được, còn Đức Thánh Linh hướng dẫn người tin nói lên đúng niềm tin của mình. Phao-lô đưa ra hai trường hợp hoàn toàn trái ngược để chứng minh:
(1) Nói rằng Đức Chúa Giê-xu đáng nguyền rủa! (c. 3b)
(2) Xưng Đức Chúa Giê-xu là Chúa! (c. 3c)
Chắc chắn là không ai cảm Đức Thánh Linh mà nói Chúa Giê-xu đáng nguyền rủa. Nhưng Phao-lô cũng cho thấy chính Đức Thánh Linh giúp cho người tin xưng nhận Chúa Giê-xu là Chúa. Chủ đề Phao-lô sắp trình bày là công việc của Đức Thánh Linh, khởi đầu là việc một người xưng nhận Chúa Giê-xu là Chúa. Xưng nhận Chúa Giê-xu là Chúa là hình thức công khai xưng nhận đức tin trong thánh lễ báp-têm của Hội Thánh đầu tiên, cho nên xưng Đức Chúa Giê-xu là Chúa hàm ý bắt đầu tin nhận Chúa.
Câu 3 cũng xác nhận thần tính của Chúa Giê-xu và Đức Thánh Linh: (1) Đức Thánh Linh được gọi là Thánh Linh của Đức Chúa Trời và: (2) Chúa Giê-xu được gọi là Chúa (kyrios, đồng nghĩa với Gia-vê trong Cựu Ước).
Bắt đầu nói về ân tứ (sự ban cho), Phao-lô viết:
Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh. Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người. Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung (c. 4-7)
Trong các câu nầy, Phao-lô nói đến:
· Sự ban cho
· Đức Thánh Linh
· Chức vụ
· Chúa
· Việc làm
· Đức Chúa Trời
· Sự ích chung
Những điều nầy được phân biệt với hai chữ khác nhau và một:
· Sự ban cho, chức vụ và việc làm: khác nhau.
· Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh và Chúa: chỉ có một.
Thực tế Phao-lô muốn độc giả thấy là ân tứ, lãnh vực phục vụ và hoạt động có nhiều và khác nhau nhưng tất cả những điều nầy đều đến từ một nguồn là Ba Ngôi Đức Chúa Trời: Đức Thánh Linh, Đức Chúa Trời và Chúa. Một điều chỉ có một nữa là sự ích chung (c. 7b). Nói khác đi, Đức Thánh Linh ban nhiều ân tứ khác nhau chỉ với một mục đích duy nhất là lợi ích chung của Hội Thánh.
Sau khi nói về nguồn và mục đích Chúa ban ân tứ, Phao-lô kể ra những ân tứ như sau:
ÂN TỨ |
Ý NGHĨA |
Lời nói khôn ngoan |
Có lời nói khôn ngoan để hướng dẫn người khác |
Lời nói có tri thức |
Có lời nói để giúp người khác hiểu biết chân lý của Chúa |
Đức tin |
Có sức mạnh Chúa cho để vượt thắng những hoàn cảnh khó khăn |
Chữa tật bệnh |
Có ơn Chúa cho để chữa bệnh qua lời cầu nguyện |
Làm phép lạ |
Có thể thực hiện những dấu lạ |
Nói tiên tri |
Truyền đạt chân lý của Chúa từ Kinh Thánh |
Phân biệt các thần |
Phân biệt giữa người có quyền năng của Đức Thánh Linh với người dựa vào thần trí riêng của mình |
Nói nhiều thứ tiếng |
Ngoại ngữ hay ngôn ngữ đặc biệt để cầu nguyện riêng |
Thông giải các thứ tiếng |
Thông dịch ngôn ngữ đặc biệt |
Phao-lô kết luận phần nầy với câu:
Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người (c. 11)
Câu nầy cho thấy:
· Mọi ân tứ đều đến từ Đức Thánh Linh
· Đức Thánh Linh quyết định ai được ban cho
ân tứ nào
· Mỗi người đều có ân tứ