Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 23

Chúa Giê-xu và lễ Báp-tem

Ma-thi-ơ 3:13-17

"Bỗng chúc các tầng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài. Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Này là con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng." (c. #16-17).

Câu hỏi suy ngẫm: Giăng làm phép báp-tem cho dân chúng có ý nghĩa và mục đích gì? Tại sao Chúa Giê-xu lại chịu báp-tem? Có khác với báp-tem của chúng ta không? Việc Chúa chịu báp-tem dạy chúng ta bài học nào?

Khi Chúa Giê-xu đến cùng Giăng để chịu lễ báp-tem, Giăng kinh ngạc và không muốn làm cho Ngài. Giăng tin rằng chính mình cần Chúa Giê-xu chứ không phải Chúa cần đến mình. Khi bắt đầu suy nghĩ về các truyện tích Phúc Âm, chúng ta thấy lễ báp-tem Chúa Giê-xu chịu thật khó hiểu. Lễ báp-tem của Giăng kêu gọi người ta đến sự ăn năn và vạch đường đến sự tha tội. Nhưng nếu Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế, Ngài không ở cương vị người cần phải ăn năn và cũng không cần đến sự tha tội. Lễ báp-tem của Giăng để cho tội nhân nhận thức tội lỗi họ cho nên không thể áp dụng cho Chúa Giê-xu được. Ngay từ thời đầu tiên, các tư tưởng gia đã bối rối về sự kiện Chúa Giê-xu chịu lễ báp-tem, nhưng có nhiều lý do, và cũng là những lý do vững chắc vì sao Chúa Giê-xu cần đến cho Giăng làm báp-tem:

1.Chúa Giê-xu đã kiên trì trong suốt ba mươi năm tại Na-xa-rét, trung tín là những bổn phận đơn sơ đối với gia đình và tại xưởng mộc. Suốt những năm tháng đó, Chúa biết thế gian đang chờ đợi Ngài, nên Ngài càng ý thức rõ hơn về công tác trước mặt. Sự thành công của một chương trình được quyết định bởi sự lựa chọn khôn ngoan, đúng lúc bắt tay vào việc. Chúa Giê-xu phải chờ lúc chuông điểm, lúc thời khắc đến và lúc tiếng gọi vang lên. Khi Giăng xuất hiện, Ngài biết thì giờ đã đến.

2. Tại sao phải như vậy? Có một lý do đơn giản nhưng rất thiết yếu. đó là sự kiện từ trước tới giờ trong cả lịch sử, chưa có người Do thái nào chịu lễ báp-tem. Người Do thái biết và sử dụng lễ báp-tem, nhưng chỉ dành cho người ngoại bang nhập đạo Do thái. Lẽ tự nhiên người nhập Do thái giáo là người ô uế, vương vấn tội lỗi, phải chịu lễ báp-tem; nhưng người Do thái bao giờ cũng tâm niệm mình là thành viên của tuyển dân của Đức Chúa Trời, con cháu Áp-ra-ham, chắc chắn được hưởng sự cứu rỗi nên không bao giờ cần lễ báp-tem. Báp-tem dành cho tội nhân, không người Do thái nào cho mình là tội nhân bị Đức Chúa Trời xua đuổi, vì há họ không phải là con cháu Áp-ra-ham và do đó được an toàn vĩnh viễn sao? Đây là lần đầu tiên trong cả lịch sử quốc gia, người Do thái nhận thức tội lỗi họ và nhận biết mình cần Đức Chúa Trời. Trong lịch sử chưa hề có một phong trào độc đáo nào mà cả quốc gia ăn năn, tìm kiếm Đức Chúa Trời như vậy.

Đây chính là giờ phút Chúa Giê-xu chờ đợi. Con người ý thức được tội lỗi và ý thức họ cần đến Đức Chúa Trời như chưa hề có trước đó. Đây là cơ hội thuận tiện của Chúa Giê-xu, và trong lễ báp-tem, Ngài tự đồng nhất mình với loài người trong sự tìm kiếm Đức Chúa Trời, tự đồng nhất mình với những người Ngài đến cứu, đúng vào lúc họ nhận thức được tội lỗi của họ và tìm kiếm Đức Chúa Trời.

Tiếng nói mà Đức Chúa Giê-xu nghe sau khi chịu lễ báp-tem vô cùng quan trọng " Này là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường". Câu này bao hàm hai lời trích dẫn: "Này là Con yêu dấu của ta" trích trong Thi Thi-thiên 2:7 Mọi người Do thái đều chấp nhận Thi Thiên này mô tả về Đấng Mê-si-a, vua quyền năng của Đức Chúa Trời, Đấng sẽ đến. "Đẹp lòng ta mọi đường", câu này trích từ Ê-sai 42:1 mô tả về Người Tôi Tớ chịu khổ mà cao điểm là Ê-sai 53:1-12.

Vậy trong báp-tem Chúa Giê-xu có hai điều xác quyết: thứ nhất, Ngài thật là Đấng lựa chọn của Đức Chúa Trời và thứ hai, con đường trước mặt Ngài là đường thập tự giá, Ngài biết mình được định làm Đấng đắc thắng, nhưng Ngài chỉ đắc thắng bằng vũ khí của tình yêu chịu khổ. Trong giờ phút ấy, Chúa Giê-xu thấy trước mặt Ngài công tác phải thi hành lẫn phương pháp duy nhất để hoàn thành công tác đó.

Cảm tạ Chúa vì Ngài đến với con người chúng con, Ngài tự đồng nhất với con, để cứu con.

(c) 2024 svtk.net