1 Vả, chúng ta biết rằng nếu nhà tạm của chúng ta dưới đất đổ nát, thì chúng ta lại có nhà đời đời tại trên trời, bởi Đức Chúa Trời, không phải bởi tay người làm ra. 2 Vì chúng ta thật than thở trong nhà tạm nầy, mà hết sức mong được mặc lấy nhà chúng ta từ trên trời, 3 miễn là gặp thấy chúng ta đang mặc áo, không trần truồng. 4 Bởi chưng chúng ta ở trong nhà tạm nầy, than thở dưới gánh nặng, vì chúng ta không cầu cho bị lột trần, song cầu cho được mặc lại, để sự gì hay chết trong chúng ta bị sự sống nuốt đi. 5 Đấng đã gây dựng chúng ta cho được sự ấy, ấy là Đức Chúa Trời, đã ban của tin của Đức Thánh Linh cho chúng ta.
6 Vậy, chúng ta hằng đầy lòng tin cậy và biết rằng khi chúng ta đang ở trong thân thể nầy thì cách xa Chúa 7— vì chúng ta bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy. 8 Vậy tôi nói, chúng ta đầy lòng tin cậy, muốn lìa bỏ thân thể nầy đặng ở cùng Chúa thì hơn. 9 Cho nên chúng ta dầu ở trong thân thể nầy, dầu ra khỏi, cũng làm hết sức để được đẹp lòng Chúa. 10 Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt.
1. “Nhà tạm” và “nhà đời đời” chỉ về điều gì?
2. Xin đọc câu 2-3 trong Bản Hiệu Đính và giải thích câu: “Được mặc nhà ấy vào, chúng ta sẽ không bị trần trụi.”
3. Phao-lô muốn nói điều gì trong câu: “Khi còn ở trong nhà tạm nầy, chúng ta thở than dưới những gánh nặng, không phải chúng ta muốn lột bỏ, nhưng muốn được mặc thêm vào” (c. 4a, BHĐ)?
4. Theo câu 5, làm thế nào chúng ta biết chắc chắn là mình sẽ có một thân thể mới ở thiên đàng?
5. Theo câu 6-8, điều gì xảy ra cho người tin Chúa khi chúng ta qua đời?
6. Theo câu 9, mục đích sống của Phao-lô là gì?
7. “Tòa án Đấng Christ” (c. 10a) là tòa án gì?
8. “Điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt” (c. 10b) là những điều gì?
II Cô-rinh-tô 4:16 – 5:10 đi chung với nhau. Trong viễn ảnh người bề ngoài hư nát (c. 16a) và hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sinh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời vô lượng vô biên (c. 17), Phao-lô cho thấy điều ông trông mong khi nhà tạm của chúng ta đưới đất đổ nát (5:1).
Nhà tạm tương đương với chữ “đền tạm” hay “trại” trong Cựu Ước. Tuy nhiên, Phao-lô dùng một từ khác với từ thường được dùng để dịch chữ “đền tạm” trong Bản Bảy Mươi (Bản dịch Cựu Ước tiếng Hy-lạp). Phao-lô dùng chữ skenos thay vì dùng chữ skene của Bản Bảy Mươi. Trong các văn kiện cổ, chữ skenos được dùng để nói cách ví von về thân xác và trong cả Tân Ước chỉ được dùng ở đây trong câu 1 và 4. Văn mạch (4:16 – 5:10) cũng cho thấy Phao-lô đang nói về thân thể (nhà tạm) trước những bắt bớ khó khăn ông đang chịu. Như vậy, nhà tạm của chúng ta dưới đất đổ nát (c. 1a) là nói đến cái chết thể xác trên trần gian nầy.
Dù nhà tạm của chúng ta dưới đất đổ nát, Phao-lô nói: Chúng ta lại có nhà đời đời tại trên trời, bởi Đức Chúa Trời, không phải bởi tay người làm ra (c. 1b). Nhà đời đời tại trên trời đối chiếu với nhà tạm của chúng ta dưới đất, nói đến thân thể phục sinh của người tin Chúa ở thiên đàng. Đây là thân thể vĩnh viễn (nhà) không phải tạm (trại).
Tiếp theo, Phao-lô viết:
Vì chúng ta thật than thở trong nhà tạm nầy, mà hết sức mong được mặc lấy nhà chúng ta từ trên trời (c. 2)
Câu nầy mang ý nghĩa tương đương với Rô-ma 8:22-23 nói về những đau đớn trong thể xác hiện tại chỉ chấm dứt khi thân thể chúng ta được cứu chuộc (Rô-ma 8:23b). Ý của Phao-lô trong câu 1-2 là: Chúng ta đang sống trong thân xác hiện tại với nhiều đau đớn nhưng đây chỉ là tạm. Chúng ta sẽ có thân xác mới vĩnh viễn ở thiên đàng. Đó là điều chúng ta trông đợi.
Hai chữ miễn là (c. 3) theo cấu trúc văn phạm mang ý nghĩa chắc chắn:
Vì được mặc nhà ấy vào, chúng ta sẽ không bị trần trụi (c. 3, BHĐ)
Con người chúng ta gồm cả hồn lẫn xác. Linh hồn không có thể xác là trần trụi. Phao-lô cho thấy trong tương lai khi ở với Chúa trên thiên đàng, chúng ta sẽ sống với thể xác mới chứ không phải chỉ có phần hồn mà thôi.
Trong niềm tin đó, Phao-lô viết:
Bởi chưng chúng ta ở trong nhà tạm nầy, than thở dưới gánh nặng, vì chúng ta không cầu cho bị lột trần, song cầu cho được mặc lại, để sự gì hay chết trong chúng ta bị sự sống nuốt đi (c. 4)
Câu nầy cho thấy hy vọng của Phao-lô cũng như của chúng ta. Đó là dù đang sống đau đớn trong thân xác nầy (than thở dưới gánh nặng) Phao-lô không tìm cách thoát ra khỏi thân xác nhưng chờ đợi ngày được mặc lấy thân xác mới. Sự gì hay chết trong chúng ta bị sự sống nuốt đi nói đến việc thân xác tạm nầy không còn nhưng có thân xác sống mới.
Bằng chứng của hy vọng nầy là sự hiện diện của Chúa Thánh Linh trong đời sống chúng ta:
Đấng đã gây dựng chúng ta cho được sự ấy, ấy là Đức Chúa Trời, đã ban của tin của Đức Thánh Linh cho chúng ta (c. 5)
(Xin xem trang 22 về ý nghĩa chữ của tin).
Với hy vọng về thân xác mới như vậy, Phao-lô viết:
Vậy, chúng ta hằng đầy lòng tin cậy và biết rằng khi chúng ta đang ở trong thân thể nầy thì cách xa Chúa — vì chúng ta bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy. Vậy tôi nói, chúng ta đầy lòng tin cậy, muốn lìa bỏ thân thể nầy đặng ở cùng Chúa thì hơn (c. 6-8)
Chủ đề của Phao-lô từ chương 3 là lòng tin cậy nơi Chúa. Ông nhắc lại điều nầy nhiều lần (3:4, 12; 4:1, 16), nhờ đó ông có thể vững lòng, vượt qua những khó khăn trong chức vụ. Phao-lô trở lại với ý nầy trong câu 6: Vậy, chúng ta hằng đầy lòng tin cậy (c. 6a). Tin cậy Chúa để vững lòng sống trong khó khăn nhưng ước muốn của ông vẫn là: Muốn lìa bỏ thân thể nầy đặng ở cùng Chúa thì hơn (c. 8b). Lìa bỏ thân thể nói đến sự chết thể xác và như vậy, chết là ở cùng Chúa. Phao-lô ngụ ý rằng, ngay lúc qua đời, linh hồn người tin Chúa được ở với Chúa ngay (đối chiếu với Phi-líp 1:23-24). Đến ngày sống lại sau cùng, chúng ta sẽ có thân thể mới (nhà đời đời trên trời).
Chúng ta thấy có sự đối chiếu giữa bước đi bởi đức tin và bởi mắt thấy (c. 7). Bước đi bởi đức tin là tiếp tục sống trong thân xác, cách xa Chúa trên phương diện thể xác (c. 6b) nhưng nhìn thấy Chúa qua đức tin. Bởi mắt thấy là khi chết đi, chúng ta được đối diện với Chúa, thấy Chúa mặt đối mặt. Ước ao của Phao-lô là lìa bỏ thân thể nầy đặng ở cùng Chúa (chết về phần xác để được thấy Chúa). Nhưng ông bước đi bởi đức tin (c. 7a) nên vẫn đầy lòng tin cậy (c. 6a) để tiếp tục sống trong thể xác.
Colin Kruse trích lời John Calvin về phần Kinh Thánh nầy như sau:
Đức tin thật, chẳng những coi thường sự chết nhưng cũng ao ước được chết. Sợ chết, thay vì vui mừng, an ủi và hy vọng trong sự chết, là chưa có đức tin thật!
Dù với ước muốn được ở cùng Chúa thì hơn (c. 8b) nghĩa là không tiếp tục sống trên trần gian nữa, ước vọng của Phao-lô là: Dầu ở trong thân thể nầy, dầu ra khỏi, cũng làm hết sức để được đẹp lòng Chúa (c. 9). Đây là mục đích của đời sống Phao-lô: Làm hết sức để được đẹp lòng Chúa! Làm hết sức trong nguyên văn mang ý nghĩa “coi đó là mục tiêu của đời sống.” Đây cũng phải là mục tiêu của đời sống chúng ta: luôn luôn sống đẹp lòng Chúa!
Một yếu tố khác thúc đẩy chúng ta sống đẹp lòng Chúa là:
Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt (c. 10)
Tòa án (bema) là từ được dùng trong Công vụ 18:12 nói về việc Phao-lô phải trình diện trước mặt quan trấn thủ Ga-li-ôn. Đây không nói đến tòa phán xét vì người tin Chúa sẽ không còn bị đoán xét (Giăng 5:24; Rô-ma 8:1). Tòa án Đấng Christ chỉ về phần thưởng tương xứng với việc làm khi còn sống như điều Phao-lô mô tả trong I Cô. 3:12-15. Thiện hay ác hàm ý tốt hay xấu trong động cơ hầu việc Chúa. Điều nầy cho thấy chúng ta phải chịu trách nhiệm về mọi hành động của chúng ta khi sống trên thế gian nầy.