12 Thật chúng tôi không dám bằng vai hoặc sánh mình với những người kia, là kẻ hay tự phô mình. Nhưng lấy mình đo mình, lấy mình so sánh với mình, thì họ tỏ ra ít trí khôn. 13 Về phần chúng tôi, chẳng muốn khoe mình quá mực, chỉ theo mực về địa phận mà Đức Chúa Trời đã chỉ định cho chúng tôi tới đến anh em. 14 Bởi chưng chúng tôi chẳng vượt quá mực mình, như thể chúng tôi không đến cùng anh em, vì thật chúng tôi đã đem Tin Lành của Đấng Christ mà đến nơi anh em trước hết. 15 Chúng tôi không khoe mình quá mực, cũng không khoe về việc người khác làm nhưng mong rằng đức tin của anh em thêm lên, thì công việc chúng tôi cũng sẽ lớn lên thêm giữa anh em, theo giới hạn đã định cho chúng tôi và công việc ấy càng mở mang, 16 cho đến nỗi chúng tôi sẽ có thể truyền Tin Lành ra đến các xứ xa hơn xứ anh em, song chúng tôi không hề khoe mình về việc đã làm trong địa phận của người khác. 17 Nhưng ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa. 18 Vì ấy chẳng phải là kẻ tự phô mình đáng được ưng chịu, bèn là kẻ mà Chúa gởi gắm.
1. Xin giải thích những chữ “bằng vai,” “sánh mình” và “tự phô mình” (c. 12a)
2. “Lấy mình đo mình, lấy mình so sánh với mình” (c. 12b) nghĩa là thế nào? Tại sao làm như vậy là “ít trí khôn?”
3. Khoe mình “theo mực về địa phận mà Đức Chúa Trời đã chỉ định cho chúng tôi” (c. 13) nghĩa là thế nào?
4. Điều Phao-lô hãnh diện trong câu 14 là gì? Tại sao?
5. Mong ước của Phao-lô trong câu 15 là gì? Tại sao ông mong ước như vậy?
6. Xin giải thích câu: “Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa” (c. 17).
7. Xin đối chiếu giữa “kẻ tự phô mình” và “kẻ mà Chúa gởi gắm” (c. 18).
II Cô-rinh-tô 10:1-11 là phần Phao-lô nói với những người nói rằng ông chỉ mạnh miệng khi ở xa còn khi có mặt thì yếu đuối. Phần tiếp theo (c. 12-18), Phao-lô viết với giọng châm biếm về những sứ đồ giả vì họ tự so sánh với nhau và tự đề cao. Đối chiếu với họ, Phao-lô cho thấy ông chỉ khoe mình về những công tác và địa hạt làm việc Chúa giao cho ông. Họ là những người tự phô mình còn Phao-lô là người mà Chúa gởi gắm (c. 18).
Bằng vai hay sánh mình (c. 12) nghĩa là so sánh với người khác:
Chúng tôi không dám sánh vai hoặc so mình với những người tự đề cao kia (c. 12, BHĐ)
Chúng ta không biết những người nầy so sánh điều gì nhưng theo Phao-lô, tự mình so với mình thật là ít trí khôn (“thiếu hiểu biết,” BHĐ). Có thể nói giống như trẻ con tự so sánh với nhau và cho rằng mình tài giỏi.
Ngược lại, Phao-lô cho thấy ông không khoe khoang sự gì quá điều Chúa đã định cho ông:
Về phần chúng tôi, chẳng muốn khoe mình quá mực, chỉ theo mực về địa phận mà Đức Chúa Trời đã chỉ định cho chúng tôi tới đến anh em (c. 13)
Chỉ theo mực về địa phận mang ý nghĩa địa lý, nghĩa là Chúa đã định cho Phao-lô rao giảng Phúc Âm tại những vùng đất của Dân Ngoại (Rô-ma 1:5; 13-14; 15:18-19; Ga-la-ti 2:7-8). Ông đã làm đúng như vậy khi đến truyền giáo tại Cô-rinh-tô: Địa phận mà Đức Chúa Trời đã chỉ định cho chúng tôi tới đến anh em (c. 13b). Có lẽ có người nêu vấn đề tại sao Phao-lô lại đến truyền giáo ở Cô-rinh-tô, nên ông nói tiếp:
Chúng tôi chẳng vượt quá mực mình, như thể chúng tôi không đến cùng anh em, vì thật chúng tôi đã đem Tin Lành của Đấng Christ mà đến nơi anh em trước hết (c. 14)
Phao-lô cho thấy Cô-rinh-tô là địa phận Chúa đã giao cho ông truyền giáo. Hội Thánh Cô-rinh-tô là kết quả của việc làm của ông. Phao-lô không kể công cho mình nếu đó là công của người khác: Không khoe về việc người khác làm (c. 15a). Câu nầy cũng hàm ý là các sứ đồ giả đã lấy công của Phao-lô cho họ vì họ khoe việc họ không làm, vì người làm công việc nầy là Phao-lô.
Chữ địa phận hay giới hạn được dùng ba lần trong phân đoạn nầy (c. 13, 15-16) cho thấy Phao-lô hoạt động đúng trong giới hạn đã định cho ông. Đó là lý do ông đã đến truyền giáo và thành lập Hội Thánh Cô-rinh-tô (c. 14). Bây giờ công việc của Phao-lô phát triển và mở mang thêm, có thể truyền Tin Lành ra đến các xứ xa hơn xứ anh em (c. 16a), nhưng Phao-lô cho thấy ông vẫn giữ đúng địa phận của mình và không hề khoe mình về việc đã làm trong địa phận của người khác (c. 16b).
Phao-lô khoe mình, nghĩa là tự hào về những thành quả của ông để người Cô-rinh-tô thấy rằng ông là sứ đồ của Chúa, đem Phúc Âm đến cho họ, đó là trách nhiệm Chúa đã giao cho ông. Đó là khoe mình trong Chúa (c. 17).
Phao-lô kết luận:
Vì ấy chẳng phải là kẻ tự phô mình đáng được ưng chịu, bèn là kẻ mà Chúa gởi gắm (c. 18)
Phô mình (c. 18a) và gởi gắm (c. 18c) là cùng một từ trong nguyên văn. Phao-lô phân biệt giữa ông và các sứ đồ giả: họ là những người tự phô mình còn ông và các bạn là những người được Chúa phô mình. Hay nói ngược lại: họ là những người tự gởi gắm còn ông và các bạn là những người được Chúa gởi gắm. Phao-lô cho thấy, tự khoe khoang sẽ không được chấp nhận (ưng chịu). Chỉ những ai để cho Chúa đề cao và gởi gắm mới được chấp nhận (I Cô-rinh-tô 4:3-5).