1 Tôi cần phải khoe mình, dầu chẳng có ích gì nhưng tôi sẽ nói đến các sự hiện thấy và sự Chúa đã tỏ ra. 2 Tôi biết một người trong Đấng Christ, cách mười bốn năm trước, đã được đem lên đến từng trời thứ ba (hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người, tôi chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết). 3 Tôi biết người đó (hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người, tôi cũng chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết) 4 được đem lên đến chốn Ba-ra-đi, ở đó, nghe những lời không thể nói, mà không có phép cho người nào nói ra.
5 Về người đó, tôi sẽ khoe mình nhưng về chính mình tôi, tôi không khoe, chỉ khoe về sự yếu đuối của tôi mà thôi. 6 Dầu tôi muốn khoe mình, thì cũng không phải là một người dại dột, vì tôi sẽ nói thật nhưng tôi giữ, không nói, hầu cho chẳng ai nghĩ tôi vượt quá sự họ thấy ở nơi tôi và nghe tôi nói. 7 Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái dằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. 8 Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. 9 Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. 10 Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.
1. Theo câu 1, hai điều Phao-lô khoe mình là gì?
2. “Một người trong Đấng Christ” (c. 2) và “người đó” (c. 3) là ai? Tại sao Phao-lô nói như vậy?
3. “Hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người” (c. 2, 3) nghĩa là thế nào? Phao-lô nói như vậy hàm ý gì?
4. Theo ý quý vị, tại sao những điều Phao-lô nghe, ông “không thể nói mà không có phép cho người nào nói ra” (c. 4)?
5. Theo quý vị, “cái dằm xóc vào thịt tôi” (c. 7) là gì?
6. Theo Phao-lô, mục đích của cái dằm đó là gì (c. 7)?
7. Xin giải thích câu 9.
8. Chúng ta ghi nhận bài học gì qua phân đoạn Kinh Thánh nầy?
II Cô-rinh-tô 11:21b – 12:13 là phần nói về những điều Phao-lô khoe mình. Những điều ông khoe mình là:
1. Dòng dõi Do-thái (c. 21b-22).
2. Những gian khổ của chức vụ sứ đồ (c. 23-33).
3. Sự hiện thấy và tỏ ra (12:1-10).
Tôi cần phải khoe mình, dầu chẳng có ích gì nhưng tôi sẽ nói đến các sự hiện thấy và sự Chúa đã tỏ ra (c. 1)
Hai điều Phao-lô khoe mình là: (1) Các sự hiện thấy. (2) Sự Chúa đã tỏ ra. Sự hiện thấy (vision) nói đến những điều mắt trông thấy (thị giác). Sự tỏ ra (revelation) là điều Chúa trình bày qua kinh nghiệm của mọi giác quan. Đây là phân đoạn Phao-lô nhắn nhủ với những người chống đối ông tại Cô-rinh-tô (các sứ đồ giả) nên rất có thể các sự hiện thấy và sự tỏ ra là chữ những người nầy dùng để khoe khoang nên ông dùng lại những chữ nầy để nói với họ.
Phao-lô nói về sự hiện thấy và sự tỏ ra của mình cách gián tiếp: Tôi biết một người (c. 2), Tôi biết người đó (c. 3). Người đó chính là Phao-lô. Chúng ta thấy Phao-lô rất dè dặt, không muốn khoe mình chút nào cho nên dù là sự thật, ông nói cách gián tiếp như vậy để nhẹ bớt tính cách khoe khoang.
Kinh nghiệm của Phao-lô là một kinh nghiệm đặc biệt: trong thân thể hoặc ngoài thân thể (c. 2-3) nghĩa là đây là sự việc thật sự đã xảy ra cho ông (trong thân thể) hay chỉ trong tình trạng xuất thần (ngoài thân thể). Chính Phao-lô cũng không rõ điều nầy, nhưng đây là điều có thật (Đức Chúa Trời biết). Kinh nghiệm đó là:
Được đem lên đến từng trời thứ ba (c. 2)
Được đem lên đến chốn Ba-ra-đi (c. 3)
Từng trời thứ ba là lối nói so sánh trong tiếng Hy-bá: “từng trời cao nhất” (trời của các từng trời, I Vua 8:27). Ba-ra-đi gốc từ tiếng Ba-tư là hình ảnh một ngôi vườn có tường bọc chung quanh. Kinh Thánh dùng Ba-ra-đi để chỉ về nơi có sự hiện diện của Chúa (Lu-ca 23:40-43) và nơi có người công chính, chiến thắng tội lỗi (Khải Huyền 2:7). Từng trời thứ ba và Ba-ra-đi chỉ về nơi Đức Chúa Trời ngự cùng với thiên sứ và những người thánh của Ngài.
Phao-lô không kể lại chi tiết kinh nghiệm của ông ở Ba-ra-đi nhưng chỉ nói:
Ở đó, nghe những lời không thể nói, mà không có phép cho người nào nói ra (c. 4b)
Phao-lô được nghe những lời không thể nói nghĩa là những lời “không thể diễn tả hay nhắc lại vì quá cao siêu.” Không có phép nghĩa là bị cấm, không được chia sẻ lại những gì mình nghe. Phao-lô cho biết kinh nghiệm về sự hiện thấy và sự Chúa tỏ ra của ông là thật (có Đức Chúa Trời biết, c. 2-3) nhưng ông không thể chia sẻ những gì mình nghe vì quá cao siêu và ông cũng không được phép nói lại.
Đó là một kinh nghiệm tuyệt vời, đáng hãnh diện, nhưng Phao-lô viết:
Về người đó, tôi sẽ khoe mình nhưng về chính mình tôi, tôi không khoe, chỉ khoe về sự yếu đuối của tôi mà thôi (c. 5)
Người đó là Phao-lô nhưng ông muốn phân biệt giữa ông với con người đó. Theo lẽ tự nhiên, Phao-lô có thể khoe mình như vậy, nhưng với riêng mình, ông khoe điều mà những người chống đối ông cho là yếu đuối. Câu tiếp theo cho thấy điều đó:
Dầu tôi muốn khoe mình, thì cũng không phải là một người dại dột, vì tôi sẽ nói thật nhưng tôi giữ, không nói, hầu cho chẳng ai nghĩ tôi vượt quá sự họ thấy ở nơi tôi và nghe tôi nói (c. 6)
II Cô-rinh-tô 11:21b – 12:13 là phần nói về những điều Phao-lô khoe mình. Ông khoe mình về những điều cao trọng (dòng dõi Do-thái, những gian khổ của chức vụ sứ đồ, sự hiện thấy và tỏ ra) nhưng ông cũng khoe mình về những yếu đuối của mình: việc trốn khỏi Đa-mách (11:30-33) và cái dằm xóc:
Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái dằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi và làm cho tôi đừng kiêu ngạo (c. 7)
Sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra là nói đến kinh nghiệm trong câu 2-4. Sau khi khoe mình cách dè dặt về điều nầy, ông cho biết đó là một kinh nghiệm cao trọng cả thể (“mạc khải diệu kỳ,” BHĐ) có thể khiến ông kiêu ngạo nên Chúa đã cho một cái dằm xóc vào thịt tôi (c. 7b). Cái dằm nói đến cái gai nhọn hay cái dằm trong gỗ. Từ nầy được dùng trong Cựu Ước (Dân số ký 33:55; Ê-xê-chi-ên 28:24) nói đến điều làm cho bực bội, khó chịu trong đời sống. Điều bực bội, khó chịu nầy rất mãnh liệt trong đời sống đến nỗi ông nói: Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi (c. 8).
Phao-lô gọi cái dằm nầy là quỉ sứ của Sa-tan (“sứ giả của Sa-tan,” BHĐ). Đức Chúa Trời có thể cho phép Sa-tan đem tai hại đến cho con người (Gióp 1-2) hay cản trở công việc Chúa (I Tê. 2:17-18). Trong trường hợp nầy, Sa-tan được phép hành hạ Phao-lô bằng một cái dằm xóc vào thịt. Việc Sa-tan ngăn trở Phao-lô đến thăm người Tê-sa-lô-ni-ca (I Tê. 2:18) hay hành hạ ông với cái dằm xóc (c. 7) là những điều xấu nhưng Đức Chúa Trời dùng những điều nầy cho mục đích tốt đẹp của Ngài. Vì Phao-lô không thể trở lại Tê-sa-lô-ni-ca, nhờ đó ông có thể đến rao giảng Phúc Âm ở Bê-rê, A-thên và Cô-rinh-tô (Công vụ 17:10-18:1). Còn cái dằm xóc vào thịt đã giữ cho Phao-lô không kiêu ngạo (c. 7).
Cái dằm xóc vào thịt Phao-lô nói là gì? Có nhiều ý kiến khác nhau về điều nầy nhưng đa số các nhà giải nghĩa Kinh Thánh gần đây dựa vào những chữ xóc vào thịt tôi tin rằng cái dằm này có lẽ là một chứng bệnh kinh niên Phao-lô phải chịu. Rất có thể là một chứng đau mắt ngụ ý trong Ga-la-ti 4:13-15.
Phao-lô ba lần cầu nguyện xin cho cái dằm đó hết đi nhưng ông được Chúa trả lời:
Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi (c. 9a)
Câu nầy hàm ý rằng dù Chúa không cất cái dằm khỏi Phao-lô, ân sủng Chúa sẽ giúp ông đủ sức để chịu đựng. Câu tiếp theo giải thích điều nầy:
Vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối (c. 9b)
Câu nầy hàm ý rằng, con người không thể nào kinh nghiệm sức mạnh của Chúa khi còn dựa vào sức mình. Chỉ khi nào chấp nhận hoàn toàn sự yếu đuối của mình, sức mạnh của Chúa mới thể hiện hoàn toàn (I Cô-rinh-tô 1:26-31). Với kinh nghiệm đó, Phao-lô kết luận:
Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi (c. 9c)
Phao-lô muốn nói, khi càng nhận là mình yếu đuối, ông sẽ càng nhận thêm sức mạnh của Chúa. Do đó, điều ông sẽ khoe mình nhiều nhất là những yếu đuối của ông. Có yếu đuối mới cần và mới nhận được sức mạnh của Chúa. Dựa vào nguyên tắc nầy, Phao-lô viết:
Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ (c. 10)
Đây là cách Phao-lô áp dụng nguyên tắc trên, ông vui mừng chịu đựng những khó khăn trong đời sống vì càng chịu khổ (yếu đuối) ông càng kinh nghiệm sức mạnh của Chúa.
Nhưng Chúa phán: “Ân điển Ta đầy đủ cho con, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Vì vậy, tôi rất vui mừng tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. Cho nên, vì cớ Đấng Christ, tôi vui chịu sự yếu đuối, sỉ nhục, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó. Vì khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ (c. 9-10, Bản Hiệu Đính)
ÁP DỤNG
1. Có những thử thách, khó khăn xảy ra trong đời sống mà chúng ta không hiểu, qua kinh nghiệm của Phao-lô, chúng ta biết rằng có thể Chúa cho phép những điều đó để hoàn thành mục đích tốt đẹp của Chúa cho đời sống chúng ta.
2. Sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối (c. 9b). Câu nầy nên là phương châm cho đời sống, vì càng kinh nghiệm yếu đuối của mình, chúng ta sẽ càng kinh nghiệm sức mạnh và ân sủng của Chúa.