11 Tôi đã nên dại dột bởi anh em ép uổng tôi, lẽ thì anh em khen lao tôi mới phải, vì dầu tôi không ra gì, cũng chẳng kém các sứ đồ rất lớn kia chút nào. 12 Các bằng cớ về chức sứ đồ tôi đã tỏ ra trong anh em bởi sự nhịn nhục mọi đàng, bởi các dấu lạ, các sự khác thường, và các phép lạ. 13 Vả, nếu trừ ra sự chính tôi không làm lụy cho anh em, thì anh em có việc gì mà chẳng bằng các Hội Thánh khác? Xin tha thứ cho tôi sự không công bình đó!
14 Nầy là lần thứ ba tôi sẵn sàng đi đến cùng anh em và tôi sẽ chẳng làm lụy cho anh em đâu, vì không phải tôi tìm của cải anh em, bèn là tìm chính anh em vậy. Thật, chẳng phải con cái nên chứa của quí cho cha mẹ, nhưng thà cha mẹ chứa cho con cái thì hơn. 15 Về phần tôi, tôi rất vui lòng phí của và phí trọn cả mình tôi vì linh hồn anh em, dẫu rằng tôi yêu anh em thêm, mà cần phải bị anh em yêu tôi kém. 16 Tuy rằng tôi chưa từng làm lụy cho anh em, nhưng tôi là người khôn khéo, đã dùng mưu kế mà bắt lấy anh em! 17 Vậy tôi há đã dùng một người nào trong những kẻ tôi sai đến cùng anh em mà lấy lợi của anh em chăng? 18 Tôi đã xin Tít đi thăm anh em, lại đã sai một người trong anh em chúng tôi cùng đi với người. Có phải là Tít đã lấy lợi của anh em không? Chúng tôi há chẳng bước đi bởi một Thánh Linh, theo cùng một dấu chân sao?
1. Xin cho biết đại ý mỗi phân đoạn:
(1) Câu 11-13: _____________________________________________
(2) Câu 14-18: _____________________________________________
(3) Câu 19-21: _____________________________________________
2. Phao-lô nói: “Tôi đã nên dại dột bởi anh em ép uổng tôi” (c. 11a) nghĩa là thế nào?
3. Phao-lô có ý trách người Cô-rinh-tô điều gì trong câu 11b?
4. Xin cho biết những bằng cớ về chức vụ sứ đồ của Phao-lô trong câu 12:
(1) ___________________________________________________________
(2) ___________________________________________________________
(3) ___________________________________________________________
(4) ___________________________________________________________
5. Phao-lô muốn xin lỗi người Cô-rinh-tô một điều mà thôi (c. 13). Điều đó là gì?
6. “Không phải tôi tìm của cải anh em, bèn là tìm chính anh em” (c. 14b) nghĩa là thế nào?
7. Xin cho biết tâm tình của Phao-lô trong câu 14-15.
8. Phao-lô muốn nói điều gì với người Cô-rinh-tô trong câu 16-18?
II Cô-rinh-tô 12:11-13 là lời kết luận của phần Phao-lô khoe mình mà ông gọi đây là những lời dại dột hay điên rồ. Dại dột hay điên rồ vì ông khoe khoang về chính mình, điều mà bình thường ông không bao giờ làm. Phao-lô viết:
Lẽ thì anh em khen lao tôi mới phải (c. 11b)
Lẽ ra người Cô-rinh-tô phải khoe về Phao-lô để ông không phải tự khoe như vậy. Phao-lô phải nói những lời “dại dột” nầy vì các tín hữu tại Cô-rinh-tô tin tưởng nơi các sứ đồ giả với những khoe khoang của họ:
Tôi đã nên dại dột bởi anh em ép uổng tôi (c. 11a)
Ông buộc phải khoe về mình như vậy để các tín hữu Cô-rinh-tô thấy ông không thua kém các sứ đồ giả đó:
Dầu tôi không ra gì, cũng chẳng kém các sứ đồ rất lớn kia chút nào (c. 11c)
Phao-lô ôn lại các bằng chứng cho thấy ông là sứ đồ (c. 12):
1. Sự nhịn nhục.
2. Các dấu lạ.
3. Các sự khác thường.
4. Các phép lạ.
Sự nhịn nhục nói đến những gian khổ Phao-lô phải chịu đựng (11:23-29). Dấu lạ, sự khác thường, phép lạ là những chữ tương đương, có cùng ý nghĩa (“các dấu lạ, các phép mầu và các việc quyền năng,” BHĐ).
Phao-lô cho thấy điểm khác biệt duy nhất giữa ông và các sứ đồ giả là ông không nhận phụ cấp của họ (không làm lụy cho anh em), điều ông đã nói trong 11:7-11. Mối quan hệ sứ đồ giữa Phao-lô và Hội Thánh Cô-rinh-tô giống hệt như của ông đối với các Hội Thánh khác, ngoại trừ việc ông không nhận phụ cấp của họ mà ông đã giải thích (11:7-11). Nếu Hội Thánh Cô-rinh-tô cho rằng việc ông không nhận phụ cấp của họ là điều lỗi thì ông xin họ tha thứ cho ông: “Xin thứ lỗi cho tôi về sự thiếu công bằng nầy!” (BHĐ).
Sau phân đoạn Phao-lô kể mình là dại dột, ông nói với tín hữu Cô-rinh-tô những điều sau:
1. Ông sẽ không là mối bận tâm cho người Cô-rinh-tô (c. 14-18).
2. Lý do chính khiến ông viết phần kể mình là dại dột (c. 19-21)
1. Không là mối bận tâm cho người Cô-rinh-tô (c. 14-18)
Phao-lô cho biết:
Nầy là lần thứ ba tôi sẵn sàng đi đến cùng anh em (c. 14a)
Lần đầu là khi ông đến rao giảng Phúc Âm và thành lập Hội Thánh tại đó (Công vụ 18:1-18). Lần thứ hai là chuyến đi ngắn từ Ê-phê-sô đến Cô-rinh-tô mà Phao-lô gọi là “chuyến đi buồn rầu” hay “chuyến đi đau lòng” được hiểu ngầm trong 2:1 (xem trang 27). Trong chuyến đi thứ ba nầy, Phao-lô khẳng định:
Không phải tôi tìm của cải anh em, bèn là tìm chính anh em (c. 14b)
Phao-lô nhắc đến việc quyên góp tiền bạc cứu trợ (chương 8-9) nhưng cho biết đó không phải là mục đích chính của ông khi đến Cô-rinh-tô lần nầy: Không phải tôi tìm của cải anh em. Ông đến là để tìm chính anh em vậy. Tìm chính anh em nghĩa là ông mong họ quay lại với ông, không đi theo các sứ đồ giả. Phao-lô viết tiếp:
Thật, chẳng phải con cái nên chứa của quí cho cha mẹ, nhưng thà cha mẹ chứa cho con cái thì hơn (c. 14c)
Cách xử sự thông thường ở đời là cha mẹ dồn chứa của cải cho con cái chứ không phải con cái cho cha mẹ. Phao-lô áp dụng điều nầy trong mối quan hệ thuộc linh: ông là người cha tinh thần của người Cô-rinh-tô và ông muốn dồn chứa của cải tâm linh tốt đẹp cho họ.
Câu 15 là tâm tình cao đẹp Phao-lô dành cho người Cô-rinh-tô:
Về phần tôi, tôi rất vui lòng phí của và phí trọn cả mình tôi vì linh hồn anh em, dẫu rằng tôi yêu anh em thêm, mà cần phải bị anh em yêu tôi kém (c. 15)
Phí của và phí trọn là hai động từ tương đương với nhau nói về sử dụng tiền bạc và sử dụng đời sống. Phao-lô cho thấy ông sẵn sàng phí của, nghĩa là sử dụng tiền bạc của mình, không phải của người Cô-rinh-tô và ông cũng sẵn sàng hy sinh chính đời sống của ông (“cạn kiệt sức lực,” BHĐ) cho phúc lợi tâm linh của người Cô-rinh-tô: Vì linh hồn anh em!
Trong tâm tình yêu thương và hy sinh đó, Phao-lô hỏi người Cô-rinh-tô:
Nếu tôi yêu thương anh em càng nhiều, không lẽ anh em lại yêu thương tôi càng ít sao? (c. 15b, BHĐ)
Đây là câu hỏi tu từ (hùng biện) với ý thách thức người Cô-rinh-tô trong mối quan hệ đối với ông.
Phao-lô nói: Tôi là người khôn khéo, đã dùng mưu kế mà bắt lấy anh em (c. 16b). Đây là lời cáo buộc của những người chống đối Phao-lô tại Cô-rinh-tô mà các tín hữu đã nghe theo. Thật sự, ông chưa từng làm lụy họ (c. 16a) nghĩa là chưa bao giờ là gánh nặng cho họ về mặt tiền bạc. Để cho thấy lời cáo buộc đó là sai, Phao-lô hỏi:
Vậy tôi há đã dùng một người nào trong những kẻ tôi sai đến cùng anh em mà lấy lợi của anh em chăng? (c. 17)
Ông nói tiếp:
Tôi đã xin Tít đi thăm anh em, lại đã sai một người trong anh em chúng tôi cùng đi với người. Có phải là Tít đã lấy lợi của anh em không? (c. 18a)
Phao-lô và Tít là bạn đồng công, và Phao-lô cho thấy cả hai đều trong sạch trong vấn đề tiền bạc đối với người Cô-rinh-tô. Chúng tôi há chẳng bước đi bởi một Thánh Linh, theo cùng một dấu chân sao? (c. 18b) là câu hỏi tu từ, phải trả lời xác định: Đúng vậy, Phao-lô và Tít “đồng bước đi trong cùng một tinh thần và cùng theo một đường lối” (BHĐ). Đây nói đến tính cách liêm chính của Phao-lô và Tít trong vấn đề tiền bạc.