Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 31

12:19-21 VÌ SỰ GÂY DỰNG CHO ANH EM

19 Đã lâu nay, anh em tưởng rằng chúng tôi tìm cách chữa mình trước mặt anh em. Ấy là trong Đấng Christ, trước mặt Đức Chúa Trời mà chúng tôi nói. Hỡi những kẻ rất yêu dấu, mọi điều đó thảy vì sự gây dựng cho anh em. 20 Vì tôi e rằng khi tôi đến, chẳng thấy anh em như tôi ước ao, lại về phần anh em, chẳng thấy tôi như anh em đã ước ao chăng. Tôi còn e rằng trong các anh em có những điều rầy rà, ghen ghét, nóng giận, bất hòa, nói hành, nói gần nói xa, kiêu căng, hỗn loạn chăng. 21 Có lẽ nào khi tôi đến nơi anh em, Đức Chúa Trời lại làm cho tôi phải hạ mình xuống về việc anh em một lần nữa và tôi sẽ phải khóc lóc về nhiều kẻ trước đã phạm tội mà không ăn năn về những sự ô uế, gian dâm, luông tuồng họ đã phạm, hay sao?

 

1. “Đã lâu nay” (c. 19a) là Phao-lô nói đến khoảng thời gian nào?

2. Nếu Phao-lô không tìm cách chữa mình trước mặt người Cô-rinh-tô (c. 19a) thì tại sao ông lại nói những điều như ông đã nói trong phần trước (11:21b-12:13)? “Gây dựng cho anh em” (c. 19b) nghĩa là thế nào?

3. Quý vị nghĩ Phao-lô sẽ thấy điều gì nơi người Cô-rinh-tô mà ông nói rằng “chẳng thấy anh em như tôi ước ao” (c. 20a)?

4. Người Cô-rinh-tô sẽ thấy điều gì nơi Phao-lô mà không như họ ước ao (c. 20b)?

5. Hai điều Phao-lô lo sợ sẽ phải đối diện khi đến Hội Thánh Cô-rinh-tô là gì (c. 20b-21)

6. Chúng ta học được tâm tình gì của Phao-lô qua phân đoạn nầy?

 

Sau phân đoạn Phao-lô cho rằng ông nói như người dại dột (11:21b – 12:13) ông cho người Cô-rinh-tô thấy hai điều:

1. Ông sẽ không là mối bận tâm cho họ (c. 14-18).

2. Lý do tại sao ông viết phần nói như người dại dột (c. 19-21)

Đã lâu nay, anh em tưởng rằng chúng tôi tìm cách chữa mình trước mặt anh em (c. 19a)

 Đã lâu nay hàm ý từ đầu lá thư (“ngay từ đầu,” BHĐ). Chúng tôi tìm cách chữa mình trước mặt anh em chỉ về phần ông khoe mình. Ý của Phao-lô là, phần ông khoe mình và nói như người dại dột không phải là vì ông muốn “tự biện hộ” (BHĐ) nhưng ông nói với mục đích xây dựng:

Hỡi những kẻ rất yêu dấu, mọi điều đó thảy vì sự gây dựng cho anh em (c. 19c)

“Tín hữu được xây dựng trong đức tin bằng lời khích lệ lẫn khiển trách” (Kruse, 275). Nếu Phao-lô có “nặng lời” trong phần trước (11:21b-12:13) thì cũng chỉ với mục đích xây dựng đức tin cho họ. Điều Phao-lô lo sợ khi đến thăm Cô-rinh-tô lần nầy là:

Tôi e rằng khi tôi đến, chẳng thấy anh em như tôi ước ao, lại về phần anh em, chẳng thấy tôi như anh em đã ước ao chăng (c. 20a)

Chẳng thấy anh em như tôi ước ao là điều Phao-lô nói trong câu 20b còn người Cô-rinh-tô không thấy Phao-lô như họ ước ao là việc ông phải dùng biện pháp mạnh đối với họ. Phao-lô sợ rằng khi đến Cô-rinh-tô lần nầy ông thấy “vẫn có sự cãi vã, ghen tị, nóng giận, ích kỷ, nói xấu, ngồi lê đôi mách, kiêu căng, hỗn loạn” (BHĐ). Đây là những đặc tính vốn có của tín hữu tại Cô-rinh-tô. Phao-lô nói thêm:

Có lẽ nào khi tôi đến nơi anh em, Đức Chúa Trời lại làm cho tôi phải hạ mình xuống về việc anh em một lần nữa và tôi sẽ phải khóc lóc về nhiều kẻ trước đã phạm tội mà không ăn năn về những sự ô uế, gian dâm, luông tuồng họ đã phạm, hay sao (c. 21)?

Hạ mình xuống mang ý xấu hổ, “bẽ mặt” (BHĐ) vì cùng đi với Phao-lô lần nầy đến Cô-rinh-tô sẽ có đại diện của các Hội Thánh vùng Ma-xê-đoan. Nếu Hội Thánh Cô-rinh-tô vẫn còn những người đã phạm tội mà không ăn năn, Phao-lô sẽ phải xấu hổ vì điều đó nói lên thất bại của chức vụ ông tại Cô-rinh-tô.

Tâm tình của Phao-lô là tâm tình của một người chăn, luôn luôn muốn xây dựng con cái Chúa trong đức tin. Ông vui khi thấy họ tăng trưởng và buồn khi họ sống trong tội lỗi. Ông đối xử với họ như cha với con: khiển trách để đem họ lại con đường ngay thẳng. Ông làm tất cả những điều nầy vì yêu thương họ, chúng ta có thể cảm nhận được khi đọc những dòng chữ dưới đây:

Thưa anh em yêu dấu, ấy là trước mặt Đức Chúa Trời và trong Đấng Christ mà chúng tôi nói, tất cả chỉ nhằm xây dựng anh em. (c. 19b, BHĐ)