3 Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi, 4 Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhân sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp! 5 Vì như những sự đau đớn của Đấng Christ chan chứa trong chúng tôi thể nào, thì sự yên ủi của chúng tôi bởi Đấng Christ mà chứa chan cũng thể ấy.
6 Như vậy, hoặc chúng tôi gặp hoạn nạn, ấy là cho anh em được yên ủi và được rỗi, hoặc chúng tôi được yên ủi ấy là cho anh em được yên ủi, mà sự yên ủi đó được hiện ra bởi anh em chịu cách nhịn nhục những sự đau đớn mà chúng tôi cùng chịu. 7 Sự trông cậy của chúng tôi về anh em thật vững vàng, vì biết rằng bởi anh em có phần trong sự đau đớn, thì cũng có phần trong sự yên ủi vậy.
1. Lời đầu tiên của Phao-lô trong Thư II Cô-rinh-tô là gì (c. 3a)? “Chúc tạ” nghĩa là gì? Phao-lô chúc tạ ai?
2. Danh hiệu “Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta” mang ý nghĩa gì?
2. Xin kể ra hai điều Phao-lô mô tả Đức Chúa Trời trong câu 3 và ý nghĩa của mỗi điều:
(1) _____________________________________:
(2) _____________________________________:
3. Theo câu 4, tại sao Đức Chúa Trời yên ủi chúng ta?
4. “Sự khốn nạn” (c. 4) nói đến điều gì?
5. Câu 5 nói lên chân lý gì? Áp dụng cho chúng ta như thế nào?
6. Phao-lô nói: “Chúng tôi gặp hoạn nạn ấy là cho anh em được yên ủi và được rỗi” (c. 6a). Tại sao việc Phao-lô gặp hoạn nạn lại là cho anh em được yên ủi và được rỗi? “Được yên ủi và được rỗi” trong ý nghĩa nào?
7. Phao-lô nói: “Chúng tôi được yên ủi ấy là cho anh em được yên ủi” (c. 6b). Tại sao Phao-lô “được yên ủi ấy là cho anh em được yên ủi?”
8. Xin giải thích câu: “Sự yên ủi đó được hiện ra bởi anh em chịu cách nhịn nhục những sự đau đớn mà chúng tôi cùng chịu” (c. 6c).
9. Phao-lô nêu lên chân lý gì trong câu 7? Áp dụng cho chúng ta thế nào?
Trong các lá thư của Phao-lô, sau lời chào đầu thư thường là lời tạ ơn: tạ ơn về các tín hữu (I Cô. 1:4; Phi-líp 1:3; Cô-lô-se 1:3…). Thư II Cô-rinh-tô tiếp theo lời chào là lời chúc tụng hay tôn vinh Đức Chúa Trời. Lời chúc tụng nầy tương tự như những lời trong Cựu Ước (Xuất 18:10; Ru-tơ 4:14; I Vua 1:48; Thi 28:6; 41:13).
Phao-lô gọi Đức Chúa Trời là Cha Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta. Chúng ta bao gồm Phao-lô và các tín hữu Cô-rinh-tô, ông kể mình chung với họ. Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời thường được gọi là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Bây giờ Ngài được gọi, Đức Chúa Trời là Cha Đức Chúa Giê-xu Christ, cho thấy sự mạc khải đầy trọn của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu trong Tân Ước (Ga-la-ti 4:4). Đức Chúa Trời là Cha Đức Chúa Giê-xu Christ cũng nói lên thần tính của Ngài (Giăng 5:18; 20:17; Ma-thi-ơ 27:46).
Hai điều Phao-lô nói về Đức Chúa Trời trong câu 3 là: (1) Cha hay thương xót. (2) Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi.
Cha hay thương xót. Trong Cựu Ước, các tác giả dựa vào lòng thương xót của Đức Chúa Trời để cầu khẩn với Ngài (Nê-hê-mi 9:19; Thi 51:1; Ê-sai 63:7; Đa-ni-ên 9:9). Đối với Phao-lô, sự thương xót của Đức Chúa Trời mang ý nghĩa sự cứu rỗi qua Chúa Giê-xu vì ông nhắc điều nầy trong Rô-ma 12:1 để kết luận phần nói về sự cứu rỗi đó trong 11 chương đầu của Thư Rô-ma. Colin Cruse ghi nhận Phao-lô là người dùng chữ thương xót nhiều hơn tất cả các tác giả khác của Tân Ước cho thấy lòng thương xót của Đức Chúa Trời mang rất nhiều ý nghĩa đối với ông (Cruse, trang 86).
Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi. Trong tiên tri Ê-sai, yên ủi mang ý nghĩa giải thoát cho con dân Chúa (Ê-sai 40:1; 51:3; 61:2; 66:13). Si-mê-ôn nói đến sự yên ủi nầy trong Lu-ca 2:25 khi nói đến sự ra đời của Chúa Giê-xu, Đấng giải cứu Y-sơ-ra-ên. Đối với Phao-lô, thời đại giải cứu của Đấng Mê-si-a đã đến, Ngài đem lại sự yên ủi. Sự yên ủi nầy chỉ đầy trọn khi Chúa Giê-xu tái lâm. Những yên ủi hiện nay là điều chúng ta được nếm trải trước ngày vinh quang đó!
Phao-lô nói ông được Đức Chúa Trời yên ủi trong mọi sự khốn nạn (c. 4a). Khốn nạn nói đến những hoạn nạn (BHĐ) ông phải trải qua. Những hoạn nầy bao gồm khó khăn, nguy hiểm, bắt bớ, lo lắng cho các Hội Thánh… (1:8-10; 4:7-12; 11:23-29). Phao-lô cho biết Đức Chúa Trời đã yên ủi ông trong những hoàn cảnh đó bằng cách đem ông ra khỏi nguy hiểm (c. 8-11) hoặc giúp ông bớt lo lắng (7:5-7). Nhưng yên ủi cũng mang ý nghĩa được khích lệ và phấn chấn (strengthening) giữa hoạn nạn.
Phao-lô nói:
Hầu cho nhân sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp (c. 4b)
Đây là cái nhìn tích cực vào hoạn nạn: Đức Chúa Trời cho phép hoạn nạn xảy ra trong đời sống để chúng ta có kinh nghiệm và có thể thông cảm, yên ủi người khác. Tiếp theo, Phao-lô nói:
Vì như những sự đau đớn của Đấng Christ chan chứa trong chúng tôi thể nào, thì sự yên ủi của chúng tôi bởi Đấng Christ mà chứa chan cũng thể ấy (c. 5)
Những sự đau đớn của Đấng Christ chan chứa trong chúng tôi hàm ý khi Phao-lô chịu khổ, đó là ông cùng chịu khổ với Chúa (4:10-12; Ga-la-ti 6:17). Đây là sự đau đớn của Đấng Christ vì một mặt, nó tương tự như những điều Chúa đã chịu khổ vì chúng ta. Mặt khác, sự chịu khổ nầy cũng là phần đã định cho người theo Chúa (Công vụ 14:22; Phi-líp 1:29; Cô-lô-se 1:24). Chúa Giê-xu cho thấy Ngài tiếp tục chia sẻ đau khổ với chúng ta khi chúng ta chịu khổ vì Ngài (Công vụ 9:4-5). Trong sự chia sẻ đau khổ đó (chúng ta với Chúa và Chúa với chúng ta) khi đau khổ gia tăng thì yên ủi cũng gia tăng. Câu nầy giúp chúng ta được yên ủi và đem yên ủi đó đến cho người khác.
Phao-lô cho thấy có một tương quan trực tiếp giữa hoạn nạn của ông và sự yên ủi của tín hữu Cô-rinh-tô:
Như vậy, hoặc chúng tôi gặp hoạn nạn, ấy là cho anh em được yên ủi và được rỗi (c. 6a)
Chúng tôi gặp hoạn nạn, ấy là cho anh em được yên ủi (c. 6a) là điều Phao-lô nói trong câu 4b: Hầu cho nhân sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp. Lý luận của Phao-lô như sau:
o Khi gặp hoạn nạn, Phao-lô được Đức Chúa Trời yên ủi.
o Phao-lô gặp hoạn nạn vì vậy cũng có nghĩa là Phao-lô được yên ủi
o Phao-lô dùng sự yên ủi đó yên ủi người khác.
Hoạn nạn của Phao-lô trở thành sự yên ủi người khác là như vậy.
Ngoài yên ủi, Phao-lô còn nói được rỗi. Rỗi hay cứu rỗi nói lên ý giải thoát như con dân Chúa được yên ủi tức là được giải thoát (Lu-ca 2:25). Giải thoát mang ý nghĩa có sức chịu đựng trong hiện tại (Ê-phê-sô 3:13; II Ti. 2:10) và giải thoát hay cứu rỗi hoàn toàn trong tương lai (Rô-ma 8:18-23).
Lý luận của Phao-lô tiếp tục:
Hoặc chúng tôi được yên ủi ấy là cho anh em được yên ủi, mà sự yên ủi đó được hiện ra bởi anh em chịu cách nhịn nhục những sự đau đớn mà chúng tôi cùng chịu (c. 6b)
Điều Phao-lô muốn nói với người Cô-rinh-tô là: nếu anh em nhịn nhục chịu khổ như cách chúng tôi chịu khổ là anh em được yên ủi! Ông kết luận:
Sự trông cậy của chúng tôi về anh em thật vững vàng, vì biết rằng bởi anh em có phần trong sự đau đớn, thì cũng có phần trong sự yên ủi vậy (c. 7)