1 Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình, 2 đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung, tức là thần hiện đang hành động trong các con bạn nghịch. 3 Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác. 4 Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, 5 nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ — ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu — 6 và Ngài làm cho chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đức Chúa Jêsus Christ, 7 hầu cho về đời sau tỏ ra sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài, mà Ngài bởi lòng nhân từ đã dùng ra cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ.
8 Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. 9 Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình 10 vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.
1. “Chết vì lầm lỗi và tội ác” (c. 1) nghĩa là thế nào?
2. “Thói quen đời nầy” (c. 2a) nói về điều gì?
3. “Vua cầm quyền chốn không trung”(c. 2b) chỉ về ai?
4. Phao-lô nói gì về tình trạng của người trước khi tin Chúa (c. 3)?
5. Xin cho biết đặc tính của Đức Chúa Trời và việc Ngài đã làm để cứu chúng ta (c. 4-7)?
6. “Sự ban cho” (c. 8b) nghĩa là thế nào?
7. Điểm nhấn mạnh nhiều nhất về sự cứu rỗi trong câu 8-9 là gì? Tại sao?
8. “Chúng ta là việc Ngài làm ra” (c. 10a) nghĩa là thế nào?
9. “Việc lành” (c. 10b) nói đến điều gì?
10. “Chẳng phải bởi việc làm” (c. 9a) và “cho chúng ta làm theo” (c. 10c) có mâu thuẫn với nhau không? Tại sao?
Sau lời cầu nguyện cho Hội Thánh Ê-phê-sô (c. 17-23), Phao-lô cho thấy việc Đức Chúa Trời đã làm cho họ trong chương trình cứu rỗi của Ngài (c. 1-10). Phần cuối của lời cầu nguyện (c. 20-23) nói về quyền năng của Đức Chúa Trời thể hiện qua Chúa Giê-xu: phục sinh, quyền cai trị và vị trí của Ngài trong Hội Thánh. Tiếp theo, Phao-lô cho người Ê-phê-sô thấy quyền năng Đức Chúa Trời thể hiện trong đời sống người tin Chúa (c. 1-7). Ông bắt đầu với quá khứ của họ:
Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình (c. 1)
Người chưa tin Chúa bị kể là chết đối với Đức Chúa Trời: chết về mặt tâm linh. Đây không phải là lối nói bóng bẩy nhưng là một thực tế. Chết mang ý nghĩa phân cách với Đức Chúa Trời, không có sự sống của Ngài. Nguyên nhân của sự chết tâm linh là vì lầm lỗi và tội ác mình (c. 1b). Lầm lỗi và tội ác tương đương với nhau, Phao-lô dùng cả hai để nhấn mạnh. Tuy nhiên, John Stott phân biệt hai từ nầy như sau:
o Lầm lỗi (paraptoma) mang ý nghĩa vượt qua lằn ranh hay đi sai đường.
o Tội ác (harmatia) nghĩa là sai mục tiêu, không đạt tiêu chuẩn.
Hai từ nầy nói lên khía cạnh tích cực và tiêu cực của tội: tội chẳng những là LÀM điều sai quấy (lầm lỗi) nhưng cũng là KHÔNG LÀM điều đúng (Gia-cơ 4:17). Trước tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, mọi người đều có tội và đều là người chết trước mặt Ngài (Rô-ma 3:23).
Chi tiết của tình trạng lầm lỗi và tội ác đó như sau:
… là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung, tức là thần hiện đang hành động trong các con bạn nghịch. Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác (c. 2-3)
Học đòi trong nguyên văn là “bước đi” nói đến lối sống . Thói quen đời nầy là “theo cách của thế gian” (BHĐ): “Những gì anh em đã từng theo đuổi theo cách của thế gian” (BHĐ). Đời sống của người trước khi tin Chúa là theo đời. Đời trong ý nghĩa “một xã hội không có Đức Chúa Trời,” trần tục, thế tục.
Vua cầm quyền chốn không trung. Chốn không trung (aer) cũng có thể dịch là “không gian mờ tối,” nói đến nơi ở của tà linh. Vua cầm quyền chốn không trung vì vậy là ma quỷ. Thần hiện đang hành động trong các con bạn nghịch nói đến tinh thần chống nghịch của ma quỷ, tác động trong lòng những người không tin Chúa.
Vì: (1) Học đòi theo thói quen đời nầy và: (2) Vâng phục vua cầm quyền chốn không trung cho nên khi chưa tin Chúa, tất cả chúng ta:
· Sống theo tư dục xác thịt mình
· Làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng
· Tự nhiên làm con của sự thạnh nộ
Đó là tình trạng của một người trước khi tin Chúa. Sống theo tư dục xác thịt mình. Xác thịt nói đến bản chất sa ngã của con người cũ. Sống theo tư dục xác thịt mình bao gồm hai điều:
o Làm trọn các sự ham mê của xác thịt
o Làm trọn các sự ham mê của ý tưởng
Sự ham mê (thelema) tự nó không có ý nghĩa xấu. Chỉ khi bị lạm dụng nó mới trở thành xấu. John Stott viết: “Những nhu cầu của thể xác như ăn uống, ngủ nghỉ, tình dục (food, sleep, sex) không có gì sai nhưng khi nào ăn uống trở thành ham ăn, ngủ nghỉ trở thành lười biếng và tình dục trở thành ham muốn (gluttony, sloth, lust) thì đó là tội lỗi.”
Phao-lô cũng cho thấy các sự ham mê chẳng những trong xác thịt nhưng cũng trong ý tưởng như kiêu ngạo, tham vọng ích kỷ, khước từ chân lý, có ý tưởng ganh ghét (Stott, 74).
Hậu quả của một đời sống như vậy là tự nhiên làm con của sự thạnh nộ. Con của sự thạnh nộ là lối nói trong tiếng Hê-bơ-rơ hàm ý chúng ta phải lãnh chịu sự thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Tự nhiên nghĩa là theo bản tính tự nhiên. Con người sinh ra với bản tính tội lỗi và chúng ta phải đương nhiên lãnh hình phạt của Đức Chúa Trời.
Ê-phê-sô 2:1-3 và 4-7 là hai phần đối chiếu nhau với chữ nhưng nằm giữa hai phần nầy:
NHƯNG Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ (c. 4-5)
Ê-phê-sô 2:1-3 nói về tình trạng tội lỗi của con người còn những câu tiếp theo cho thấy ân sủng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời được mô tả là Đấng giàu lòng thương xót (c. 4a). Phao-lô thường dùng những mỹ từ mỗi khi nói về tình yêu của Đức Chúa Trời: Lòng thương xót: GIÀU! Lòng yêu thương: LỚN! Vì sự giàu có của lòng thương xót và sự lớn lao của tình yêu thương mà Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta sống với Đấng Christ (c. 5b). Làm cho chúng ta sống đối chiếu với đang khi chúng ta chết vì tội mình (c. 5a). Khi chưa tin Chúa, chúng ta là những người chết trên phương diện tâm linh (c. 1). Điều Đức Chúa Trời đã làm là: Làm cho chúng ta sống với Đấng Christ. Sống với Đấng Christ mang ý nghĩa “cùng sống với Đấng Christ” (BHĐ).
Với Đấng Christ nói đến việc Liên Hiệp Với Đấng Christ là giáo lý quan trọng nhất trong niềm tin của chúng ta. John Stott viết: “Người tin Chúa không phải chỉ là người thán phục và tôn thờ Chúa Giê-xu, cũng không phải chỉ tuân theo lời giáo huấn của giáo hội hay theo một tiêu chuẩn đạo đức. Điểm đặc biệt của người tin Chúa là chúng ta kết hợp làm một với Đấng Christ, chúng ta là những người Ở TRONG CHÚA” (Stott, 81).
Ba điều Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta là:
· Sống với Đấng Christ (c. 5b)
· Đồng sống lại (c. 6a)
· Đồng ngồi (c. 6b)
Cả ba động từ sống, sống lại và ngồi trong nguyên văn đều bắt đầu với chữ sun- nghĩa là cùng hay với: cùng sống, cùng sống lại, cùng ngồi. Đúng hơn là “đồng sống lại, đồng cất lên, đồng ngồi.” Ba điều nầy tương đương với ba sự kiện lịch sử trong chương trình cứu chuộc của Chúa Giê-xu: phục sinh, thăng thiên và ngồi bên hữu Đức Chúa Trời (Tín Điều Các Sứ Đồ). Vì được liên hiệp với Đấng Christ nên chúng ta cũng chia sẻ những điều nầy. Từ những tội nhân đang chết, chúng ta được sống lại và trong ý nghĩa thuộc linh, chúng ta được cất lên cao và được đồng trị vì với Chúa. Đây là địa vị của người tin Chúa. Nghê Thác Thanh gọi đây là chữ “Ngồi” trong Thư Ê-phê-sô. Chữ “Đi” (bước đi) nói đến việc sống đạo (Ê-phê-sô 4-5) và chữ “Đứng” (6:10-20) nói đến cuộc chiến tâm linh: Đứng vững địch cùng mưu kế của ma quỷ!
John Stott viết tiếp: “Những điều nầy cho thấy người tin Chúa là người sống trong kinh nghiệm mới với một đời sống mới và một chiến thắng mới!”
Các nơi trên trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ là điều Phao-lô đã nói trong 1:20 hàm ý đó là nơi Chúa ngự trị.
Phao-lô gọi tiến trình “đồng sống lại, đồng cất lên, đồng ngồi” là sự cứu rỗi (c. 5b) nghĩa là sự cứu rỗi của chúng ta mang những ý nghĩa đó. Sự cứu rỗi nầy đặt căn bản trên ân điển là điều ông giải thích trong câu 8-10.
Mục đích Đức Chúa Trời cứu chúng ta là:
Hầu cho về đời sau tỏ ra sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài, mà Ngài bởi lòng nhân từ đã dùng ra cho chúng ta trong Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 7)
Một lần nữa, Phao-lô dùng những mỹ từ giàu có vô hạn để mô tả ân sủng của Đức Chúa Trời. Ông cũng thêm một đặc tính nữa của Đức Chúa Trời là lòng nhân từ. Những chữ Phao-lô đã dùng trước đó là lòng thương xót (c. 4a), lòng yêu thương (c. 4b), ân điển (c. 5b). Điều nầy cho thấy việc Đức Chúa Trời cứu rỗi chúng ta là ơn vô cùng lớn lao, không đủ lời để mô tả.
Mục đích Đức Chúa Trời cứu chúng ta là:
Hầu cho về đời sau tỏ ra sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài (c. 7a)
Tỏ ra sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài nghĩa là khi nhìn vào những người được Chúa cứu, người ta thấy được ân sủng lớn lao của Ngài. Ân điển Chúa được nhìn thấy nơi những người được Chúa cứu chuộc.
Phao-lô kết luận phần nói về Đức Chúa Trời cứu chuộc chúng ta như sau:
Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời (c. 8)
Ba chữ quan trọng trong câu nầy là ân điển, đức tin và sự ban cho. Chủ đề “Chỉ Bởi Ân Điển” (sola gratia) và “Chỉ Bởi Đức Tin” (sola fide) của Cuộc Cải Chánh đặt căn bản trên câu Kinh Thánh nầy.
Ân điển là “ơn ban cho người không xứng đáng” hàm ý sự cứu rỗi của chúng ta hoàn toàn đến từ Đức Chúa Trời, không có đóng góp gì của con người trong đó!
Đức tin nói đến đáp ứng của con người trước ân sủng của Chúa. Tuy nhiên, câu nầy hàm ý rằng ngay cả đức tin của chúng ta cũng đến từ Đức Chúa Trời (sự ban cho của Đức Chúa Trời). Đức Thánh Linh làm việc trong chúng ta để chúng ta có thể tin nhận.
Sự ban cho nghĩa là quà tặng: “tặng phẩm của Đức Chúa Trời” (BHĐ). “Quà tặng” nhấn mạnh ý hoàn toàn đến từ Đức Chúa Trời, không có đóng góp của con người. Phao-lô viết tiếp:
Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình (c. 10)
Việc làm nói đến cố gắng hay công đức của con người. Việc làm cũng nói đến việc vâng giữ luật pháp Môi-se (“việc làm của luật pháp”). Việc làm là điều hoàn toàn ngược lại với ân sủng. Sự cứu rỗi của con người chỉ có thể đến từ một nguồn: ân sủng của Đức Chúa Trời, hoàn toàn không có đóng góp của con người. Khoe mình hay tự hào là điều không thể có trong sự cứu rỗi vì con người không có phần gì trong đó cả!
Chỗ đứng của việc làm là sau khi được cứu rỗi. Phao-lô viết:
Chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Giê-xu Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo (c. 11)
Người tin Chúa không làm việc lành ĐỂ ĐƯỢC CỨU nhưng VÌ ĐÃ ĐƯỢC CỨU nên làm việc lành. Người tin Chúa được gọi là việc Ngài làm ra (“công trình của tay Ngài,” BHĐ). Khi Đức Chúa Trời cứu rỗi chúng ta, Ngài biến chúng ta thành công cụ để thể hiện việc lành. Đây là việc lành trong đời sống không phải việc lành để được cứu (Ma-thi-ơ 5:16).