11 Vậy, anh em, theo xác thịt là người ngoại, bị những kẻ xưng mình là người chịu cắt bì trong xác thịt bởi tay người ta, gọi anh em là người không chịu cắt bì, hãy nhớ lại lúc trước, 12 trong thuở đó, anh em không có Đấng Christ, bị ngoại quyền công dân trong Y-sơ-ra-ên, chẳng dự vào giao ước của lời hứa, ở thế gian không có sự trông cậy và không có Đức Chúa Trời. 13 Nhưng trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ huyết Đấng Christ mà được gần rồi. 14 Vì, ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta. Ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức tường ngăn cách, 15 là sự thù nghịch đã phân rẽ ra, bởi vì Ngài đã đem thân mình mà trừ bỏ luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ. Như vậy, khi làm cho hòa nhau, Ngài muốn lấy cả hai lập nên một người mới trong Ngài, 16 và vì bởi thập tự giá Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Đức Chúa Trời. 17 Ngài lại đã đến rao truyền sự hòa bình cho anh em là kẻ ở xa và sự hòa bình cho kẻ ở gần. 18 Vì ấy là nhờ Ngài mà chúng ta cả hai đều được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một Thánh Linh.
19 Dường ấy, anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ và là người nhà của Đức Chúa Trời. 20 Anh em đã được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Jêsus Christ là đá góc nhà, 21 cả cái nhà đã dựng lên trên đá đó, sắp đặt cách hẳn hoi, để làm nên một đền thờ thánh trong Chúa. 22 Ấy, anh em cũng nhờ Ngài mà được dự phần vào nhà đó, đặng trở nên nhà ở của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh.
1. “Người ngoại” (c. 11a) chỉ về ai? “Người chịu cắt bì” (c. 11b) chỉ về ai?
2. Xin cho biết tình trạng của “người ngoại” trước khi tin Chúa (c. 12).
3. Nhờ điều gì mà “kẻ ngày trước cách xa” nay “được gần” (c. 13)?
4. “Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta” (c. 14a) nghĩa là thế nào?
5. “Bức tường ngăn cách” (c. 14b) nói về điều gì?
6. “Điều răn” và “điều lệ” (c. 15a) khác nhau thế nào?
7. “Cả hai” (c. 15b-16) chỉ về ai?
8. “Kẻ ở xa” và “kẻ ở gần” (c. 17a) chỉ về ai?
9. Xin cho biết hai tình trạng được nhắc đến trong câu 19 và ý nghĩa của mỗi điều.
10. “Đá góc nhà” (c. 20b) là đá gì? Mang ý nghĩa gì?
11. “Cái nhà” (c. 21a) chỉ về điều gì? “Dự phần vào nhà đó” (c. 22a) nghĩa là gì?
Ê-phê-sô chủ yếu là một Hội Thánh Dân Ngoại (không phải Do-thái). Thư Ê-phê-sô 2:11-22 là phân đoạn dành cho các tín hữu ngoại bang, gồm cả chúng ta hôm nay. Những chữ: người ngoại, người không chịu cắt bì chỉ về những người không phải là Do-thái, đối chiếu với Y-sơ-ra-ên và người chịu cắt bì. Phao-lô cho thấy, khi tin Chúa, sự phân cách giữa người Y-sơ-ra-ên và Dân Ngoại không còn, mà chỉ có một người mới (c. 15b) – đây là “một nhân loại mới” (BHĐ).
Phao-lô cho thấy, Dân Ngoại trước khi tin Chúa là những người (c. 12):
· Không có Đấng Christ
· Bị ngoại quyền công dân trong Y-sơ-ra-ên
· Chẳng dự vào giao ước của lời hứa
· Ở thế gian không có sự trông cậy
· Không có Đức Chúa Trời
Không có Đấng Christ nghĩa là “ngoài Đấng Christ” ngược lại với tình trạng “trong Đấng Christ” hay “với Đấng Christ” của người tin Chúa.
Ngoại quyền công dân trong Y-sơ-ra-ên: Y-sơ-ra-ên là tuyển dân của Đức Chúa Trời, công dân Y-sơ-ra-ên nói đến đặc quyền làm con dân Chúa. Người ngoài Chúa bị tách biệt khỏi quyền đó.
Chẳng dự vào giao ước của lời hứa: Giao ước của lời hứa là lời hứa ban cho Áp-ra-ham và hậu tự (Sáng 12:1-3). Người không tin Chúa không có phần (“xa lạ,” BHĐ) đối với giao ước nầy.
Ở thế gian không có sự trông cậy: Không hy vọng.
Không có Đức Chúa Trời hàm ý không thờ phượng Đức Chúa Trời là Chân Thần.
Tương đương với chữ “nhưng” trong câu 4, Phao-lô viết tiếp:
Nhưng trong Đức Chúa Giê-xu Christ, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ huyết Đấng Christ mà được gần rồi (c. 13)
Ngược lại với không có Đấng Christ (c. 12a), người tin Chúa là người ở trong Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 13a). Cách xa nói đến tình trạng cách biệt đối với Chúa (c. 12b). Gần nói đến tương giao mật thiết. Tương giao giữa Đức Chúa Trời và con người được nối kết trở lại nhờ huyết Đấng Christ. Huyết Đấng Christ nói đến cái chết thay thế để chuộc tội cho chúng ta như huyết của sinh tế chuộc tội trong Cựu Ước. Tình trạng ngoại quyền công dân, không dự vào giao ước, không hy vọng, không Đức Chúa Trời (c. 12) được xóa bỏ nhờ cái chết thay thế của Chúa Giê-xu.
Phao-lô giải thích thêm:
Vì, ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta. Ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức tường ngăn cách (c. 14)
Sự hòa hiệp là sự bình an: “Ngài là sự bình an của chúng ta” (BHĐ). Bình an mang ý nghĩa giải hòa vì Phao-lô viết tiếp: Ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức tường ngăn cách. Cả hai là người Y-sơ-ra-ên và Dân Ngoại. Bức tường ngăn cách nói đến cách biệt rõ ràng giữa Do-thái và Dân Ngoại. Đây là những “bức tường” thật, đó là những rào cản bằng đá bên ngoài đền thờ Giê-ru-sa-lem với hàng chữ cảnh cáo Dân Ngoại: “Vượt qua rào cản sẽ bị tử hình!”
Phá đổ bức tường ngăn cách mang ý nghĩa: từ nay trở đi, sau cái chết chuộc tội của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, sẽ không còn phân biệt giữa Do-thái và Dân Ngoại vì Ngài đã hiệp cả hai lại làm một (c. 14b).
Bức tường ngăn cách cũng được gọi là sự thù nghịch đã phân rẽ ra (c. 15a) nghĩa là “bức tường ngăn cách vốn gây thù địch” (BHĐ).
Để giải thích rõ hơn về việc phá đổ bức tường ngăn cách, Phao-lô viết:
Bởi vì Ngài đã đem thân mình mà trừ bỏ luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ (c. 15b)
Đem thân mình nói đến cái chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá. Trừ bỏ mang ý nghĩa vô hiệu hóa, làm cho không còn giá trị nữa. Luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ nghĩa là “luật pháp với các điều răn và quy tắc” (BHĐ), nói đến luật pháp trong Cựu Ước, đi vào các chi tiết về lễ nghi, thực phẩm, vệ sinh, giao tiếp xã hội, v.v… Ngoài những điều được quy định trong Cựu Ước, người ta cũng thêm vào những nghi thức phiền phức khác để phân biệt người Do-thái với Dân Ngoại. Cái chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá khiến cho những quy luật đó không còn giá trị. Luật pháp của Chúa vẫn còn nhưng người ta không cần nhờ luật pháp để được cứu mà chỉ qua sự chết của Chúa Giê-xu.
Phao-lô viết tiếp:
Như vậy, khi làm cho hòa nhau, Ngài muốn lấy cả hai lập nên một người mới trong Ngài (c. 15c)
Cả hai chỉ về Do-thái và Dân Ngoại. Chữ người mới mang ý nghĩa “một nhân loại mới” (BHĐ), nghĩa là một dòng giống mới, không phải Do-thái cũng không phải Ngoại Bang nhưng là một “chủng tộc” hoàn toàn mới. Chữ lập nên mang ý nghĩa sáng tạo, tạo dựng một điều mới hoàn toàn: “Ngài tạo dựng thành một nhân loại mới trong chính Ngài” (BHĐ). Đó là ý nghĩa của câu: Ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta (c. 14a). Chúa Giê-xu đã kết hợp người Do-thái và Dân Ngoại thành một dân tộc mới: dân tộc của Chúa Giê-xu. Phao-lô giải thích thêm:
Và vì bởi thập tự giá Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Đức Chúa Trời (c. 16)
Thập tự giá nói đến cái chết thay thế của Chúa Giê-xu, nhờ đó:
· Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt
· Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể
· Làm hòa thuận với Đức Chúa Trời
Sự thù nghịch nói đến hiềm khích giữa người Do-thái và Dân Ngoại. Khi cùng tin Chúa Giê-xu, hiềm khích đó không còn: “sự thù địch bị tiêu diệt” (BHĐ).
Cả hai hiệp thành một thể: người Do-thái và Dân Ngoại bây giờ ở trong một thân thể là Hội Thánh.
Hòa thuận với Đức Chúa Trời: cả người Do-thái và Dân Ngoại cùng được giải hòa với Đức Chúa Trời qua cái chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá.
Vấn đề giải hòa và bình an được khai triển thêm như sau:
Ngài lại đã đến rao truyền sự hòa bình cho anh em là kẻ ở xa và sự hòa bình cho kẻ ở gần (c. 17)
Kẻ ở xa là Dân Ngoại và kẻ ở gần là người Do-thái. Cả hai đều tiếp nhận sự hòa bình từ Chúa (không còn thù địch với nhau).
Vấn đề của con người (cả Do-thái và Dân Ngoại) là xa cách Đức Chúa Trời. Cái chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá đã đem cả hai đến với Đức Chúa Trời qua tác nhân là Chúa Thánh Linh:
Vì ấy là nhờ Ngài mà chúng ta cả hai đều được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một Thánh Linh (c. 18)
Chúng ta thấy sự tham dự của cả Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong việc cứu rỗi nhân loại.
Kết luận cả phần nầy, Phao-lô viết:
Dường ấy, anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ và là người nhà của Đức Chúa Trời (c. 19)
Dường ấy mang ý nghĩa nhấn mạnh trong nguyên văn (“như vậy,” BHĐ): đây là kết luận sau cùng! Người ngoại và kẻ ở trọ nói đến những người sống trên một đất nước không phải của mình (ngoại quyền công dân, c. 12a), ngược lại với người đồng quốc tức là công dân của một nước. Người tin Chúa, nhất là người Ngoại Bang, bây giờ có cùng quốc tịch với các thánh đồ (“người đồng hương với các thánh đồ,” BHĐ).
Người nhà của Đức Chúa Trời tức là “thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời” (BHĐ).
Ba hình ảnh Phao-lô dùng để mô tả tình trạng của nhân loại mới (c. 15c) là:
· Nước của Chúa: đồng quốc (c. 19a)
· Gia đình của Chúa: người nhà (c. 19b)
· Đền thờ của Chúa: đền thờ thánh (c. 20-22)
Anh em đã được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Jêsus Christ là đá góc nhà. Cả cái nhà đã dựng lên trên đá đó, sắp đặt cách hẳn hoi, để làm nên một đền thờ thánh trong Chúa. Ấy, anh em cũng nhờ Ngài mà được dự phần vào nhà đó, đặng trở nên nhà ở của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh (c. 20-22)
Hai đặc điểm của đền thờ là:
1. Nền: các sứ đồ cùng các đấng tiên tri (c. 20a)
2. Đá góc nhà: Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 20b)
Đền thờ nói đến Hội Thánh của Chúa, là cộng đồng con dân Chúa. Các sứ đồ cùng các đấng tiên tri là nền tảng nói đến sự dạy dỗ của họ. Nền tảng của Hội Thánh là lời dạy của Chúa trong Kinh Thánh qua các tiên tri (Cựu Ước) và sứ đồ (Tân Ước). Hội Thánh phải luôn luôn được xây dựng trên nền tảng đó.
Đá góc nhà là tảng đá quan trọng trong các kiến trúc xưa, giữ cho ngôi nhà đứng vững. Chúa Giê-xu là yếu tố quan trọng nhất giữ cho Hội Thánh đứng vững vì Hội Thánh thật sự được xây trên Chúa Giê-xu là Đá Góc Nhà (c. 20b-21a).
Đặc điểm của đền thờ hay Hội Thánh là có sự sống bên trong vì Phao-lô nói: Để làm nên một đền thờ thánh trong Chúa (c. 21b). Làm nên theo nguyên văn là “tăng trưởng,” cho thấy có sự sống. Chữ đền thờ (naos) chỉ về “điện thờ” tức là nơi chí thánh, có sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Người tin Chúa là một phần của đền thờ đó (I Cô. 3:16; 6:19):
Ấy, anh em cũng nhờ Ngài mà được dự phần vào nhà đó, đặng trở nên nhà ở của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh (c. 22)