14 Ấy là vì cớ đó mà tôi quì gối trước mặt Cha, 15 bởi Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều được đặt tên, 16 tôi cầu xin Ngài tùy sự giàu có vinh hiển Ngài khiến anh em được quyền phép bởi Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng 17 đến nỗi Đấng Christ nhân đức tin mà ngự trong lòng anh em 18 để anh em khi đã đâm rễ vững nền trong sự yêu thương, được hiệp cùng các thánh đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó là thể nào 19 và được biết sự yêu thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông biết, hầu cho anh em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời.
20 Vả, Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng, 21 nguyền Ngài được vinh hiển trong Hội Thánh và trong Đức Chúa Jêsus Christ, trải các thời đại, đời đời vô cùng! A men.
1. “Vì cớ đó” (c. 14a) chỉ về điều gì?
2. Xin giải thích “nhà trên trời” và “nhà dưới đất” (c. 15) chỉ về gì?
3. Xin cho biết ý chính của lời cầu nguyện trong câu 16-19.
4. “Đâm rễ” và “vững nền” (c. 18) là những hình ảnh gì? Nói lên điều gì?
5. “Không gian bốn chiều” (c. 18b) nói lên điều gì?
6. Câu 20 dạy điều gì về sự cầu nguyện?
Thư Ê-phê-sô bắt đầu bằng một lời cầu nguyện (1:15-23). Sau khi nói về nhân loại mới (2:11-19) và lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ (3:2-13), Phao-lô lại thêm một lời cầu nguyện nữa (3:14-19). Thật ra, ông đã định viết lời cầu nguyện nầy trong câu 1, nhưng nhắc đến việc mình vì Dân Ngoại mà làm kẻ tù của Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 1b) đã thúc đẩy ông nói về huyền nhiệm Dân Ngoại (c. 2-13) và đến câu 14, Phao-lô mới trở lại ý của câu 1.
Vì cớ đó (c. 14) và bởi điều đó (c. 1) nói đến những điều ông viết trong 2:11-22 về nhân loại mới. Vì nhờ cái chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá mà lời hứa đã được thực hiện cho người Do-thái lẫn Dân Ngoại, cả hai được kết hợp trong một nhân loại mới là Hội Thánh. Vì lý do đó, Phao-lô cầu nguyện:
Ấy là vì cớ đó mà tôi quì gối trước mặt Cha, bởi Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều được đặt tên (c. 14-15)
Phao-lô gọi Đức Chúa Trời là Cha trong lời cầu nguyện nầy (c. 14a). Cha (pater) và nhà (patria) là hai từ rất gần nhau trong nguyên văn nên Phao-lô muốn nói cách ví von về Hội Thánh của Chúa trên trần gian (nhà dưới đất) và con dân Chúa đã về thiên đàng (nhà trên trời). Được đặt tên nói đến nguồn gốc, cùng một nguồn mà ra.
Phao-lô cầu nguyện cho các tín hữu những điều sau:
1. Được nên mạnh mẽ trong lòng (c. 16b). Điều nầy xảy ra bởi quyền phép Thánh Linh (c. 16b) với sự hiện diện của Đấng Christ trong lòng (c. 17). Người tin Chúa đã có quyền phép của Thánh Linh và sự hiện diện của Đấng Christ nhưng Phao-lô cầu nguyện như vậy hàm ý mức độ gia tăng: “Kinh nghiệm càng hơn sức mạnh của Chúa Thánh Linh.”
Chữ ngự (c. 17) mang ý nghĩa cư ngụ vĩnh viễn, nhấn mạnh sự hiện diện đầy trọn của Đấng Christ trong đời sống người tin Chúa.
2. Được đâm rễ vững nền (c. 18). Phao-lô dùng hình ảnh canh nông (đâm rễ) và kiến trúc (vững nền) mang ý nghĩa rễ đâm sâu và nền móng vững chắc. Ông cầu nguyện cho các tín hữu được đâm sâu và vững chắc trong tình yêu thương: Đâm rễ vững nền trong sự yêu thương. “Tình yêu thương là đất để sự sống đâm rễ. Tình yêu thương là nền để xây dựng đời sống” (Stott, 136).
3. Được biết sự yêu thương của Đấng Christ (c. 18b-19a). “Đâm rễ vững nền trong sự yêu thương” là nói đến sự yêu thương của người tin Chúa, còn đối với sự yêu thương của Đấng Christ, chúng ta cần hiểu biết hay thấu rõ. Phao-lô nói đến bốn chiều kích của sự yêu thương của Đấng Christ: bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu (c. 18b). Một vật thể thường chỉ có bề cao hoặc bề sâu nhưng Phao-lô nói đến cả hai cho thấy tình yêu thương của Chúa thật sâu rộng. Đây là lối nói thậm xưng hay cường điệu hóa của Phao-lô, không nên giải thích theo chi tiết. Tuy nhiên, tác giả John Stott nói rằng nếu phải so sánh như sau thì cũng không phải là quá đáng:
Rộng bao quát toàn nhân loại, dài đến tận cõi vĩnh hằng, cao đến tận thiên đàng và sâu dụng đến kẻ tội nhân xấu xa nhất! (Stott, 137)
4. Được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời (c. 19b). “Sự dư dật của Đức Chúa Trời” nói đến sự đầy trọn hay toàn hảo của Đức Chúa Trời. Phao-lô cầu nguyện để tín hữu Ê-phê-sô ngày càng đạt đến sự trọn vẹn của Chúa. Đó là mục tiêu tối hậu của người tin Chúa.
Đức Chúa Trời là đối tượng lời cầu nguyện của Phao-lô: ông gọi Ngài là Cha (c. 14), ông nói đến sự dư dật của Đức Chúa Trời (c. 19b). Cuối cùng là lời tôn vinh Đức Chúa Trời (c. 20-21) nhưng trước khi tôn vinh, Phao-lô viết lời sau đây về Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện:
Vả, Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng (c. 20)
Lời nầy cho thấy, khi chúng ta cầu nguyện:
1. Đức Chúa Trời hành động trong chúng ta bằng quyền năng của Ngài (BHĐ).
2. Ngài có thể làm nhiều hơn những gì chúng ta cầu xin.
3. Ngài ban cho chúng ta luôn cả những điều chúng ta chỉ mới suy nghĩ.
Nguyền Ngài được vinh hiển trong Hội Thánh và trong Đức Chúa Giê-xu Christ, trải các thời đại, đời đời vô cùng! A-men (c. 21)
Đây là lời tôn vinh, chúc tụng để Đức Chúa Trời được vinh hiển qua Hội Thánh với Chúa Giê-xu là Đầu Hội Thánh. Trải các thời đại là qua cả dòng lịch sử. Đời đời vô cùng là suốt cả cõi vĩnh hằng.