Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 3

An-ne, Người Mẹ Cầu Nguyện

I Sa-mu-ên 1-2

 

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Xin cho biết những nan đề trong gia đình bà An-ne:

(1) ____________________________________________________________

(2) ____________________________________________________________

(3) ____________________________________________________________

2. Xin cho biết tâm tính và nỗi khổ của bà An-ne:

(1) ___________________________________________________________

(2) ___________________________________________________________

3. Bà An-ne cầu nguyện điều gì và cầu nguyện như thế nào (I Sa-mu-ên 1:10-13)?

 

 

 

 

4. Làm sao chúng ta biết bà An-ne là người có đức tin và có lòng trung tín (I Sa-mu-ên 1:17-18; 22-28)?

 

 

 

 

5. Bà An-ne có phải là người can đảm không? Làm sao chúng ta biết được lòng can đảm của bà?

 

 

 

 

6. Bà An-ne đã được phần thưởng gì khi yêu mến Chúa và giữ lời hứa với Chúa (I Sa-mu-ên 2:21)?

 

 

 

 

7. Bài ca của bà An-ne cho chúng ta thấy điều gì về Ðức Chúa Trời?

 

 

 

 

An-ne

Người Mẹ Cầu Nguyện

I Sa-mu-ên 1-2

 

Có người gọi bà An-ne là người đàn bà đau khổ nhưng người khác gọi bà là người phụ nữ có đức tin hay là người mẹ cầu nguyện.  Chúng ta hãy nhìn vào Kinh Thánh để biết An-ne là người như thế nào, bà có những điều đặc biệt gì cho chúng ta học hỏi.

Ý Nghĩa tên An-ne

Trong tiếng Hê-bơ-rơ chữ An-nehanna, nghĩa là ân điển, ân sủng hoặc là nhân từ, dịu dàng.  Tên bà An-ne thật đúng với con người của bà. Bà là một phụ nữ hiền lành, dịu dàng, nhẫn nại. Ngày nay nhiều người lấy tên An-ne đặt cho con gái vì muốn con mình có những đặc tính cao quý như bà An-ne ngày xưa.

 Ðời sống gia đình

Thánh Kinh cho biết, An-ne là vợ của Ên-ca-na, một người thuộc chi tộc Lê-vi, một trong mười hai chi tộc Y-sơ-ra-ên.   Chi tộc Lê-vi được Ðức Chúa Trời biệt riêng để chăm sóc đời sống tâm linh của con dân Chúa. Trách nhiệm của người Lê-vi là chăm sóc đền thờ, lo việc thờ phượng và dâng tế lễ.   Các thầy tế lễ Do Thái đều từ chi tộc Lê-vi mà ra.  Thánh Kinh cũng cho biết, ông Ên-ca-na thuộc dòng họ Kê-hát, là dòng họ được tôn trọng nhất trong chi tộc Lê-vi.

Là người kính sợ Chúa nhưng ông Ên-ca-na có hai vợ, vợ lớn là An-ne, vợ thứ tên là Phê-ni-na.   Cũng như người Việt chúng ta, người Do Thái khi lập gia đình thường mong có con trai nối dõi, để giòng họ mình không bị tuyệt diệt.   Bà An-ne sống với chồng đã lâu nhưng không có con.   Có lẽ vì thế chồng bà cưới thêm Phê-ni-na.   Thánh Kinh không nói gì nhiều về bà Phê-ni-na, ngoại trừ hai điều là bà có nhiều con và bà hay trêu ghẹo An-ne vì An-ne không có con.  

 Nan đề trong gia đình An-ne

 Ðiều nổi bật trong gia đình bà An-ne là, vì ông Ên-ca-na có hai vợ, gia đình có nhiều nan đề (I Sa-mu-ên 1:1-8). Những nan đề đó gồm có:

Không hiệp một

Vợ chồng ông Ên-ca-na thiếu sự hiệp nhất trọn vẹn vì đã đi ra ngoài mẫu mực của Ðức Chúa Trời trong buổi sáng thế khi Ngài thiết lập hôn nhân.  Mẫu mực đó là: hôn nhân là kết hợp giữa mộtngười nam và một người nữ.   Chúa Giê-xu nhắc lại mẫu mực đó như sau:  Các ngươi há chưa đọc lời chép về Ðấng Tạo Hóa, hồi ban đầu dựng nên một người nam, một người nữ, và có phán rằng: Vì cớ đó người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu với vợ mình, hai người sẽ cùng nên một thịt hay sao? (Ma-thi-ơ 19:4-5).  Hôn nhân nào đi ra ngoài mẫu mực đó của Chúa sẽ không hạnh phúc nhưng có nhiều nan đề.  Như chúng ta thấy trong gia đình Ên-ca-na: vợ lớn trêu chọc vợ nhỏ, vợ nhỏ buồn giận vợ lớn, chồng thì khổ tâm vì không biết làm thế nào cho vừa lòng cả hai.

Không công bình trong cách đối xử

Vì thương và muốn làm cho người vợ lớn vui, Ên-ca-na đã thiên vị trong cách đối xử với hai bà vợ.  Kinh Thánh ghi:  Ðến ngày Ên-ca-na dâng tế lễ thì chia của lễ ra từng phần, ban cho Phê-ni-na, vợ mình, và cho các con trai và con gái mình.  Nhưng người lại ban cho An-ne một phần bằng hai, vì người thương nàng (1:4-5).  Ên-ca-na thương An-ne hơn Phê-ni-na và bày tỏ tình thương đó qua việc chia cho An-ne phần thức ăn gấp đôi phần của người khác.  Thiên vị hay thương không đồng đều là điều tai hại cho hạnh phúc gia đình.  Người được thiên vị chưa hẳn đã vui mà người bị thiệt thòi lại thêm lòng ganh tị, ganh tức.  Ðó cũng là lý do tại sao Phê-ni-na cứ trêu ghẹo, chế giễu An-ne.  Kinh Thánh ghi: Kẻ phân bì nàng khôn xiết trêu ghẹo nàng, để giục nàng lằm bằm, vì Ðức Giê-hô-va đã khiến nàng son sẻ.

Không hạnh phúc

Gia đình của người đa thê không thể nào hạnh phúc.  Vì có hai vợ, ông Ên-ca-na không thể dành trọn vẹn tình yêu cho một người nhưng phải san xẻ tình yêu đó với hai người đàn bà cùng một lúc.  Ông cũng không thể thật sự kết hợp làm một với người vợ nào như lời Chúa dạy: “Vợ chồng không phải là hai nữa nhưng một thịt mà thôi” (Ma-thi-ơ 19:6a).  Cả ba người trong gia đình Ên-ca-na đều không hạnh phúc.  Bà An-ne đau khổ vì bị người vợ thứ của chồng khinh khi, trêu ghẹo.  Không có con là một nỗi khổ lớn nhưng An-ne còn khổ tâm hơn vì luôn luôn bị Phê-ni-na trêu chọc, chế giễu.  Dù được chồng yêu nhiều hơn, bà vẫn không hạnh phúc.  Ên-ca-na cũng không hạnh phúc vì hai người vợ không hòa thuận với nhau, người này ganh ghét người kia, người kia buồn giận người nọ, còn ông phải tìm cách để làm vừa lòng cả hai.  Phê-ni-na cũng không hạnh phúc, dù bà hơn An-ne vì đã sinh con trai con gái cho chồng nhưng bà biết chồng không thương mình mà chỉ thương người vợ lớn.  Ðây là thảm kịch gia đình mà những ai đi ra ngoài mẫu mực Chúa định cho hôn nhân sẽ không tránh được.

Có lẽ quý vị đang sống trong đau buồn như bà An-ne vì một người thứ ba nào đó đã chen vào giữa vợ chồng quý vị.  Người Việt chúng ta từ xưa có một quan niệm bất công, chủ trương rằng “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng.”  Theo quan niệm này, người đàn bà đứng đắn chỉ có một chồng, còn các ông có quyền gian díu với nhiều người, nếu có năm bảy vợ cũng là chuyện thường tình. Vì quan niệm bất công đó mà một số chị em phụ nữ phải sống trong đau khổ, phải chấp nhận chồng chia xẻ tình yêu với người khác.  Vì lý do đó nhiều gia đình không hạnh phúc trọn vẹn như điều Chúa định.

Mong rằng không một người nào đã tin Chúa, đã biết Lời Chúa dạy về hôn nhân mà còn sống theo quan niệm sai lầm đó.  Hôn nhân chỉ hạnh phúc khi là kết hợp của một vợ một chồng, không có một ngoại lệ nào khác.  Chúng tôi cũng mong rằng nếu có ông chồng nào đang phiêu lưu trong những tình cảm bất chính, đang đắm mình trong tội lỗi, nghe tiếng Chúa nhắc nhở hôm nay sẽ ăn năn, quay trở lại với người vợ mà mình đã cưới ngày và dành trọn tình yêu cho vợ.  Lời Chúa cảnh cáo: Mọi người phải kính trọng hôn nhân, chốn khuê phòng chớ có ô uế, vì Ðức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục cùng kẻ phạm tội ngoại tình - Hê-bơ-rơ 13:4.

Những Ðiều Ðặc Biệt Về Bà An-ne

Ðể thấy rõ hoàn cảnh sống và gương sáng của bà An-ne, xin chúng ta đọc lại phần Kinh Thánh ghi về bà An-ne và phân tích những điều sau đây

Tâm tính của An-ne

Có thể nói, bà An-ne là người đàn bà toàn hảo.  Trước hết, bà là người nhân từ, dịu dàng, đúng như ý nghĩa của tên bà.  Dù bị người vợ thứ của chồng trêu ghẹo, bà không hề nổi giận, phàn nàn hay gây gổ với người đó.  Thánh Kinh ghi: “Kẻ phân bì nàng khôn xiết trêu ghẹo nàng, để giục nàng lằm bằm vì Ðức Giê-hô-va đã khiến nàng son sẻ.  Từ năm này đến năm kia, mỗi khi nàng đi lên đền Ðức Giê-hô-va chồng đãi nàng như vậy, còn Phê-ni-na cứ trêu ghẹo nàng; An-ne khóc và không ăn” (I Sa-mu-ên 1:6-7).  Khi bị người vợ thứ trêu ghẹo, chế giễu, An-ne không trả đũa cũng không nổi giận nhưng chỉ biểu lộ nỗi buồn đau qua giòng nước mắt.

Chúng ta cũng không thấy Kinh Thánh nói rằng bà An-ne oán trách chồng hay đổ lỗi cho chồng.  Oán trách và đổ lỗi cho chồng là điều chị em chúng ta thường làm khi gặp thử thách hay khó khăn trong cuộc sống.  Thánh Kinh ghi rằng Phê-ni-na hết sức trêu chọc An-ne để khiến nàng lằm bằm vì Chúa Hằng Hữu đã khiến nàng son sẻ.  Nhưng Phê-ni-na đã thất bại, An-ne không phàn nàn chồng cũng không oán trách Chúa.

Dù được chồng thương yêu nhưng sống trong hoàn cảnh của An-ne không phải là dễ.  Mỗi ngày An-ne phải nghe lời chế giễu của người vợ lẽ, chấp nhận chồng san xẻ tình yêu với người đó, dành thì giờ chăm sóc con cái của người đó, nhìn thấy các con của người đó chơi đùa với nhau còn mình thì không có đứa con nào.  Dù phải đối diện với tất cả những nỗi khổ đó, An-ne không oán trách, buồn giận nhưng yên lặng chịu đựng và dâng trình niềm đau của mình cho Chúa.  Với tính mềm mại, nhẫn nhục chịu đựng, sẵn sàng hy sinh cho hạnh phúc của người khác, bà An-ne đã nổi bật như một đóa hoa thơm giữa đám gai gốc.

 Nỗi khổ của An-ne

Thánh Kinh cho biết, Phê-ni-na có con trai, con gái.  Người vợ thứ của chồng có một gia đình đông đủ, vui vẻ nhưng An-ne không hề ganh tị.   Nàng chỉ buồn vì mình không sinh được đứa con nào cho chồng.  Ðối với người Do Thái, đàn bà không con thường bị xem là người bị Ðức Chúa Trời rủa sả.  Vì thế người vợ không con không những phải sống trong buồn bã, cô đơn; phải chấp nhận cho chồng cưới vợ lẽ, nhưng còn bị người chung quanh xem khinh, vì bị kể là không được ơn Chúa.  Ên-ca-na thương An-ne hơn Phê-ni-na vì là người vợ đầu tiên của ông nhưng cũng có lẽ vì thấy An-ne có tâm tính cao đẹp hơn Phê-ni-na. Thánh Kinh cho biết, mỗi khi lên đền thờ dâng tế lễ cho Ðức Chúa Trời, ông chia cho An-ne phần thức ăn nhiều gấp đôi.

Khi thấy vợ buồn khổ, khóc lóc, bỏ ăn, Ên-ca-na cũng khổ tâm nên ông hỏi:  “Cớ sao không ăn và lòng buồn bực dường ấy?” và ông an ủi: “Ta há chẳng đáng cho nàng hơn mười đứa con trai ư?” (1:8).  Ông Ên-ca-na cố gắng an ủi vợ nhưng lời nói của ông làm An-ne càng đau buồn hơn, vì chứng tỏ chồng nàng không thông cảm với niềm đau sâu kín trong lòng nàng.  Chồng làm sao có thể so sánh với con? Tình yêu vợ chồng không giống như tình cha con hay tình mẹ con.  Dù thương vợ, nhưng Ên-ca-na là người nam, ông không thể nào hiểu được niềm mong ước được làm mẹ của An-ne.  An-ne mơ ước có một đứa con để bồng bế nâng niu, để làm trọn bổn phận của một người vợ.  Ngày tháng càng qua đi chừng nào thì nổi khổ của An-ne càng gia tăng chừng nấy, vì hy vọng có một đứa con càng phai tàn đi.

Lời cầu nguyện của An-ne

Chúng ta cùng đọc lại phần Kinh Thánh dưới đây để thấy rõ nỗi lòng của An-ne:

Sau khi người ta đã ăn uống tại Si-lô rồi, An-ne bèn đứng dậy, lúc ấy Hê-li, thầy tế lễ, đương ngồi trên một cái ghế gần bên cửa của đền Ðức Giê-hô-va.  An-ne lấy làm sầu khổ trong lòng, vừa cầu khẩn Ðức Giê-hô-va vừa tuôn tràn giọt lệ.  Nàng hứa nguyện rằng: Ôi, Ðức Giê-hô-va của vạn quân, nếu Ngài đoái xem nỗi sầu khổ của con đòi Ngài, nhớ lại nó chẳng quên, và ban cho con đòi Ngài một đứa trai, thì tôi sẽ phú dâng nó trọn đời cho Ðức Giê-hô-va, và dao cạo sẽ chẳng đưa ngang qua đầu nó.  Vì nàng cầu nguyện lâu dài trước mặt Ðức Giê-hô-va, Hê-li chăm xem miệng nàng.  Vả An-ne nói trong lòng, chỉ nhóp nhép miệng mà thôi, không có ai nghe tiếng nàng, nên Hê-li tưởng nàng say, bèn hỏi rằng: chừng nào nàng mới hết say? Hãy đi giã rượu đi.” An-ne thưa rằng: Chẳng phải vậy chúa, tôi vốn một đàn bà có lòng buồn bực, chẳng uống rượu hay là vật gì uống say; nhưng tôi giải bày lòng tôi ra trước mặt Ðức Giê-hô-va.  Chớ tưởng con đòi của ông là một người đàn bà gian ác; vì nỗi đau đớn và ưu phiền quá độ của tôi bắt tôi phải nói đến bây giờ (I Sa-mu-ên 1:9-16)

Dù đau buồn vì không con nhưng An-ne không tuyệt vọng, nàng không đầu hàng hoàn cảnh.  Trái lại, An-ne tìm thấy hy vọng nơi Ðức Chúa Trời qua lời cầu nguyện.  Trong ngày lên đền thờ, An-ne đã dành thì giờ cầu nguyện với Chúa.  Nàng tin rằng Chúa là Ðấng Tạo Hóa có thể phá bỏ định luật thiên nhiên và ban cho nàng đặc ân làm mẹ.  Lời cầu nguyện của An-ne rất rõ ràng và chính đáng.  Bà không cầu xin Chúa trừng phạt Phê-ni-na và những người làm khổ mình, cũng không xin Chúa cất đi niềm vui và hạnh phúc của họ.  An-ne chỉ xin một điều: xin Chúa đoái xem nỗi sầu khổ của nàng và ban cho nàng một đứa con trai.

An-ne vừa khóc vừa dốc đổ lòng mình trước mặt Chúa.  Theo lời Thánh Kinh ghi, nàng không cầu nguyện thành lời nhưng chỉ thầm nguyện với tấm lòng khẩn thiết, với nỗi niềm không thể nói nên lời.  Ðây là lời cầu xin tha thiết, từ tấm lòng tan vỡ chân thành.  Khi cầu nguyện, An-ne thật sự tâm giao với Chúa, hướng trọn linh hồn và tâm thần về Chúa, nàng không để ý đến người chung quanh, cũng không cần biết người chung quanh nghĩ gì về mình.  Vì thế An-ne đã bị thầy tế lễ Hê-li hiểu lầm, tưởng nàng say rượu nên nói lảm nhảm một mình.  Khi biết thầy tế lễ tưởng mình say, An-ne thành thật thưa rằng nàng đang giải bày niềm đau của mình với Chúa; vì quá đau buồn nàng không thể cầu nguyện thành lời chứ không phải nàng say rượu.  Nghe vậy thầy tế lễ Hê-li có vẻ ân hận nên dù không biết An-ne đã cầu xin Chúa điều gì, ông nói: “Hãy đi bình an, nguyện Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên nhậm lời nàng đã cầu xin cùng Ngài.”  

Chúng ta ghi nhận những điểm sau đây về lời cầu nguyện của bà An-ne:

1.  Trong khó khăn buồn đau, An-ne đến với Chúa

Trước những khổ đau của đời sống, bà An-ne không than thở với người nhưng trình dâng niềm đau của bà cho Chúa.  Bà biết Chúa sẽ đoái nghe, thông cảm và Ngài cũng sẽ nhậm lời, cứu bà ra khỏi hoàn cảnh đau buồn.  Chúng ta cần nhìn lại xem chúng ta có mối quan hệ gần gũi với Chúa như An-ne không?  Khi lo lắng, khi gặp chuyện buồn đau, chúng ta thường tìm đến với ai?  Với bạn bè, người thân hay đến với chính Chúa?  Người chung quanh có thể thông cảm và giúp chúng ta phần nào trước những khó khăn đau buồn, nhưng lắm khi cũng có thể khiến chúng ta thất vọng hoặc cho chúng ta những lời khuyên nhủ, góp ý sai lầm. 

Khi gặp chuyện nan giải trong đời sống cũng như khi gặp thử thách, chúng ta hãy noi gương bà An-ne, đến với Chúa, dâng trình những khó khăn đó cho Chúa và trông đợi Ngài giải cứu.  Vua Ða-vít ngày xưa đã kinh nghiệm điều này nên ông khuyên: Hãy trao gánh nặng ngươi cho Ðức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công bình bị rúng động -Thi Thiên 55:22.  Sứ đồ Phi-e-rơ cũng kinh nghiệm sự chăm sóc đặc biệt của Chúa nên ông khuyên: Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em- I Phi-e-rơ 5:7.

2.  An-ne có mối tâm giao mật thiết với Chúa

Qua những chi tiết dưới đây, chúng ta  biết An-ne có mối tâm giao mật thiết với Chúa.

An-ne dành thì giờ cầu nguyện thay vì ăn uống 

Ngày xưa, mỗi lần lên đền thờ dâng tế lễ là dịp cho con dân Chúa ăn uống, thông công với nhau, tương tự như các buổi nhóm họp của chúng ta ngày nay.  Vì mỗi năm mới gặp nhau một lần, lại phải dâng sinh tế như bò, chiên, ...  nên sau đó con dân Chúa có dịp ngồi lại ăn chung những tế lễ đã dâng.  Ðây là dịp thông công hiếm có nên nhiều người không quan tâm đến thì giờ cầu nguyện với Chúa.  Có người còn tranh giành nhau phần tế lễ đã dâng, như trường hợp các con của thầy tế lễ Hê-li (I Sa-mu-ên 2:12-17).  Nhưng An-ne thì khác, Kinh Thánh cho biết, dù được chồng thương và chia cho phần tế lễ gấp đôi, bà không màng đến việc ăn uống:

Ðến ngày Ên-ca-na dâng tế lễ, thì chia của lễ ra từng phần ban cho Phê-ni-na, vợ mình, và cho các con trai và con gái mình.  Nhưng người lại ban cho An-ne một phần bằng hai, vì người thương nàng, dẫu rằng Ðức Giê-hô-va khiến cho nàng son sẻ...  nhưng An-ne khóc và không ăn (I Sa-mu-ên 1: 4-7)

An-ne đang mang một gánh nặng trong lòng nên việc ăn uống đối với bà không quan trọng.  Ðối với An-ne, nhu cầu tâm linh quan trọng hơn.  Bà đi với chồng lên đền thờ không phải để ăn uống nhưng để cầu nguyện, để dâng trình nỗi niềm của bà lên Chúa.  Trong hội thánh ngày nay, đặc biệt là các hội thánh tại Hoa Kỳ, thường có bữa ăn thông công mỗi khi nhóm họp.  Lắm khi con dân Chúa, nhất là chị em phụ nữ, vì phải lo cho bữa ăn nên thường bỏ qua thì giờ thờ phượng và học Lời Chúa, nhất là bỏ qua thì giờ cầu nguyện.  Chính vì thế mà nhiều người, dù dự các khóa bồi linh, hội thảo thường xuyên mà không học hỏi được bao nhiêu, không tăng trưởng trong đức tin, cũng không có mối quan hệ mật thiết với Chúa.  Xin Chúa giúp chúng ta nhìn thấy tầm quan trọng của nhu cầu tâm linh, để không vì chuyện ăn uống mà bỏ qua thì giờ học Lời Chúa, thì giờ cầu nguyện tâm giao với Ngài.

 An-ne cầu nguyện thầm

Có người nghĩ rằng mỗi khi cầu nguyện chúng ta cần nói to, nói nhiều để bày tỏ đức tin và để day động cánh tay của Ðức Chúa Trời.  Thật ra, những lời cầu nguyện linh nghiệm được ghi lại trong Kinh Thánh hầu hết là những lời cầu nguyện thầm, chỉ một mình Chúa nghe.  Ðiểm đặc biệt trong cách cầu nguyện của An-ne cũng là cầu nguyện thầm.  Bà chỉ cần một mình Chúa nghe, vì Chúa với bà rất gần gũi, thân mật.  Thường chúng ta chỉ thì thầm tâm sự với người nào chúng ta thật thân và thật tin cậy.  Mỗi khi cầu nguyện với Chúa, chúng ta cầu nguyện như thế nào, chúng ta có thì thầm, tâm tình với Chúa như An-ne không?  Khi được mời cầu nguyện trong những buổi nhóm đông người, chúng ta cần cầu nguyện lớn tiếng để mọi người có thể đồng thanh nói “A-men,” nhưng những lúc cầu nguyện một mình, chúng ta chỉ cần cầu nguyện thầm.  Trong chỗ riêng tư, yên tĩnh đó một mình ta với Chúa, Chúa với ta, và Ngài sẽ đoái nghe.  

Chúa Giê-xu dạy về cách cầu nguyện như sau:

Khi các ngươi cầu nguyện, đừng làm như bọn giả hình, vì họ ưa đứng cầu nguyện nơi nhà hội và góc đường, để cho thiên hạ đều thấy.  Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi.  Song khi ngươi cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu nguyện Cha ngươi ở nơi kín nhiệm đó, và Cha ngươi, là Ðấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi (Ma-thi-ơ 6:6)

Chúa Giê-xu khuyên môn đồ Ngài cầu nguyện trong chỗ riêng tư, yên tịnh, vì đó cũng là chỗ chúng ta có thể nghe tiếng Chúa phán với chính mình.  Chúa nhìn thấy tấm lòng chúng ta trong chỗ riêng tư đó và Ngài hứa sẽ ban thưởng cho chúng ta.  Có những người chỉ cầu nguyện ở nhà thờ, trong các buổi nhóm họp đông người, và cầu nguyện rất hay nhưng ở nhà thì không bao giờ cầu nguyện.  Xin Chúa giúp chúng ta không vấp phải điều này; nếu không, chúng ta chỉ nhận được phần thưởng của người, lời khen của người, mà không nhận được phần thưởng của Chúa.

An-ne  cầu nguyện rất lâu

Một chi tiết khác trong cách cầu nguyện của An-ne cho thấy bà có mối tâm giao mật thiết với Chúa, đó là bà cầu nguyện rất lâu.  Kinh Thánh ghi: Nàng cầu nguyện lâu dài trước mặt Ðức Giê-hô-va - I Sa-mu-ên 1:12.  Cầu nguyện lâu là điều khó chứ không dễ, nhất là trong đời sống bận rộn ngày nay.  Mỗi ngày chúng ta có bao nhiêu công việc phải lo, phải làm.  Lắm khi chúng ta làm hai ba việc một lúc mà cũng không kịp với những đòi hỏi của công việc, của gia đình, làm sao có thể cầu nguyện lâu?  Không những bận nhiều công việc chúng ta lại còn thường bị người chung quanh hay con cái quấy rầy, nhiều khi muốn ngồi yên nghỉ ngơi một chút cũng không được, nói gì đến việc có nhiều thì giờ yên tĩnh để cầu nguyện.

Thật ra, cầu nguyện lâu và hướng trọn tâm trí về Chúa trong khi cầu nguyện là điều khó.  Chỉ những ai có đời sống tâm linh trưởng thành, yêu Chúa và muốn tương giao sâu đậm với Chúa mới yêu thích giờ cầu nguyện và mới muốn cầu nguyện lâu.  Tuy nhiên, chúng ta có thể đặt kỷ luật và tập cho mình có thói quen cầu nguyện với Chúa mỗi ngày.  Nếu không có chỗ yên tịnh và không có nhiều thì giờ để cầu nguyện, chúng ta vẫn có thể tìm những phút rảnh rỗi trong ngày để tâm giao với Chúa.  Chẳng hạn lúc sáng sớm khi người trong gia đình còn ngủ hoặc sau bữa ăn sáng, khi chồng đi làm, con cái đã đi học, chúng ta có thể tìm được thì giờ yên tĩnh để cầu nguyện.  Chúng ta cũng có thể dành thì giờ vào buổi tối, khi mọi việc trong ngày đã tạm xong, để ra mắt Chúa.  Ðiều quan trọng là chúng ta quyết tâm đặt kỷ luật, tập cho mình có thói quen tâm giao với Chúa mỗi ngày.  Chúng ta cũng nên cho trong gia đình biết lúc nào là giờ cầu nguyện của chúng ta để mọi người tôn trọng và giúp chúng ta giữ được thì giờ đó.

An-ne khóc với Chúa

An-ne không những cầu nguyện thầm và cầu nguyện lâu nhưng bà cũng khóc với Chúa.  Kinh thánh ghi: An-ne lấy làm sầu khổ trong lòng, vừa cầu khẩn Ðức Giê-hô-va vừa tuôn tràn giọt lệ - I Sa-mu-ên 1:10.  Quý vị có bao giờ tuôn tràn giọt lệ khi cầu nguyện không?  Nếu chúng ta chỉ cầu nguyện cách qua loa chiếu lệ thì khó mà có thể khóc trước mặt Chúa.  Chỉ khi nào Chúa là Người Bạn Thân của chúng ta, là người chúng ta tin cậy, kính yêu, luôn luôn nghĩ đến và là người chúng ta tìm đến trong mọi hoàn cảnh thì chúng ta mới có thể tuôn tràn nước mắt và dốc đổ tâm sự trước mặt Ngài.

Có nhiều người tin Chúa, đi nhà thờ, đọc Kinh Thánh nhưng không bao giờ cầu nguyện.  Có người viện cớ bận công việc, bận lo cho con cái nên không có thì giờ cầu nguyện, và vì thế hết năm này sang năm khác, tháng này sang tháng khác, chẳng bao giờ cầu nguyện.  Thậm chí có người tin Chúa đã lâu nhưng không biết cầu nguyện như thế nào.  Không cầu nguyện là một thiếu sót lớn trong đời sống người tin Chúa.  Nếu không cầu nguyện, chúng ta sẽ không biết ý Chúa, không được Chúa hướng dẫn trong những quyết định quan trọng.  Không những thế, trước khó khăn, thử thách chúng ta sẽ bối rối, không biết giải quyết thế nào.  Là con dân Chúa và là môn đệ của Chúa, dù bận rộn đến đâu chúng ta cũng cần tập thói quen cầu nguyện mỗi ngày để được sống trong mối tâm giao mật thiết với Chúa.  Chúa Giê-xu phán:

Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được...  Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó (Giăng 15:5, 7)

Chúng ta khó có thể tuôn tràn giọt lệ khi nói chuyện với những người ta không quen biết nhiều.  Với Chúa cũng vậy, để có thể khóc với Chúa và tìm an ủi từ nơi Ngài, Chúa phải là Người Bạn Tri Kỷ của chúng ta.  Nếu chúng ta chỉ đến với Chúa mỗi khi có nan đề cần Chúa cứu giúp, chứ không thường xuyên trò chuyện với Ngài, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ khô khan nhạt nhẽo.  Chúng ta không thể khóc với Chúa nếu giữa chúng ta với Chúa không có mối quan hệ đậm đà thắm thiết. 

Ðức tin của An-ne

An-ne là người có đức tin mạnh mẽ nơi Chúa.  Nhờ có đức tin, bà đã thiết tha cầu xin Chúa điều mình mơ ước.  Chúng ta thấy đức tin đó trong lời cầu nguyện của An-ne.  Bà cầu xin Chúa một điều mà đối với cái nhìn của con người là vô lý, không thể thực hiện được.  Bà có chồng đã lâu mà không có con, bây giờ bà xin Chúa ban cho bà một đứa con.  Không những thế bà còn xin Chúa ban cho bà một đứa con trai.  Bà An-ne cầu nguyện thật lâu, thật khẩn thiết vì bà tin rằng Chúa đoái sẽ nghe và nhậm lời cầu xin của bà.

Chúng ta cũng thấy đức tin của An-ne qua chi tiết Thánh Kinh ghi lại như sau: Hê-li  bèn tiếp rằng: Hãy đi bình an, nguyện Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên nhậm lời nàng đã cầu xin cùng Ngài, nàng thưa rằng: Nguyện tôi tớ ông được ơn trước mặt ông! Ðoạn người nữ lui ra, ăn, nét mặt nàng chẳng còn ra ưu sầu nữa - I Sa-mu-ên 1:18b.  Câu Kinh Thánh này thật ngắn nhưng mô tả đầy đủ sự thay đổi lớn lao nơi An-ne: Trước khi cầu nguyện bà buồn, khóc, sầu khổ và không thiết gì đến chuyện ăn uống.  Nhưng sau khi thầy tế lễ Hê-li nói: Nguyện Ðức Chúa Trời nhậm lời nàng đã cầu xin, thái độ của bà thay đổi hẳn: Bà không buồn khóc và sầu khổ nữa nhưng vui vẻ đi ra ăn uống với gia đình.  Tại sao An-ne thay đổi nhanh chóng như vậy?  Vì bà tin rằng Chúa đã đoái nghe lời cầu nguyện của bà.  An-ne cũng tin rằng Chúa sẽ nhậm lời và ban cho bà điều bà cầu xin.  Vì thế bà không còn lý do gì để buồn khóc và không ăn.

Có lẽ đã nhiều lần chúng ta cũng như bà An-ne, khi có chuyện buồn lo, chúng ta đem dâng trình cho Chúa. Tuy nhiên, cầu nguyện rồi lòng chúng ta vẫn nặng nề, bất an, chúng ta vẫn không ăn, không ngủ được.  Lý do là vì chúng ta chưa thật sự trao hết gánh nặng của mình cho Chúa.  Xin Chúa giúp chúng ta có lòng tin trọn vẹn như An-ne.  Khi gặp chuyện buồn đau, chúng ta đến với Chúa, dâng trình hết cho Ngài và rồi bình an, không lo lắng nữa vì tin chắc rằng Chúa đã nghe lời cầu xin của chúng ta, đã biết những khổ đau, khó khăn của chúng ta và Ngài sẽ can thiệp để giúp chúng ta.  Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta lời khuyên sau đây:

Chớ lo phiền chi hết nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Ðức Chúa Trời.  Sự bình an của Ðức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Ðức Chúa Giê-xu Christ (Phi-líp 4:6-7)

Một chi tiết khác trong Kinh Thánh cũng nói lên đức tin của An-ne, đó là khi sinh được đứa con trai mà bà cầu xin Chúa, bà đã đặt tên là Sa-mu-ên.  An-ne tin chắc rằng đó là đứa con do Ðức Chúa Trời ban vì bà đã cầu xin Ngài.  Kinh Thánh ghi: Ðương trong năm, An-ne thọ thai và sinh một con trai, đặt tên là Sa-mu-ên mà nói rằng: Tôi đã cầu xin nó nơi Ðức Giê-hô-va.  ‘Sa-mu-ên’ có nghĩa là Ðức Chúa Trời nhậm lời.

Lòng trung tín giữ lời hứa nguyện của An-ne

Sau nhiều năm cầu khẩn và chờ đợi, bây giờ An-ne được bồng bế trên tay đứa con cầu tự, bảo vật quý nhất của cuộc đời bà.  Chỉ người đã làm mẹ mới hiểu được niềm vui của An-ne, và những chị em chờ đợi nhiều năm mới có con lại càng hiểu rõ niềm vui lớn lao của An-ne khi được bế bé Sa-mu-ên trong tay.  Tuy nhiên, dù vui mừng nhiều, An-ne không quên lời hứa nguyện với Chúa.  Trước đó bà hứa với Chúa:  “Nếu Ngài đoái đến nỗi sầu khổ của con và ban cho con một đứa con trai, con sẽ dâng nó trọn đời cho Ngài.”  Bây giờ An-ne trung tín giữ vẹn lời hứa đó, dù phải trả một giá rất đắt, đó là bà không được ở gần, cũng không được chăm sóc đứa con trai yêu dấu, đứa con mà bà đã đổ bao nhiêu nước mắt để cầu xin Chúa ban cho.  Bà hứa dâng con cho Chúa và quyết tâm làm trọn điều đã hứa nguyện.  Kinh Thánh ghi như sau:

Vừa khi (đứa bé) dứt sữa, nàng bèn dẫn nó theo mình đến đền của Ðức Giê-hô-va tại Si-lô… Ðứa trẻ hãy còn nhỏ lắm.  An-ne dẫn bé Sa-mu-ên đến bên thầy tế lễ Hê-li và thưa:  Ấy vì đứa trẻ này mà tôi cầu nguyện.  Ðức Giê-hô-va đã nhậm lời tôi đã cầu xin cùng Ngài.  Vì vậy, tôi cũng dâng nó cho Ðức Giê-hô-va, tôi cho Ðức Giê-hô-va mượn nó trọn đời nó (I Sa-mu-ên 1:24, 27-28)

Hành động của An-ne cho chúng ta một tấm gương sáng ngời.  Bà trung tín giữ vẹn lời hứa dù bất cứ giá nào.  Quý vị có bao giờ hứa nguyện với Chúa điều gì không?  Chắc chắn là có. Trong cuộc đời theo Chúa, biết bao nhiêu lần chúng ta hứa với Chúa điều này điều kia nhưng đã mấy khi chúng ta làm trọn điều hứa nguyện?  Những lúc gặp khó khăn, thử thách, những lúc cùng đường, chúng ta cầu xin Chúa cứu giúp và hứa với Chúa nhiều điều.  Chúng ta hứa:  Nếu Chúa cứu con khỏi tai nạn này hoặc nếu Chúa chữa lành con, cho con còn sống, con sẽ dâng cuộc đời còn lại để hầu việc Chúa; nếu Chúa phù hộ con trong công ăn việc làm con sẽ dâng một phần mười cho Chúa, nếu Chúa ban cho con điều này con sẽ làm điều kia cho Chúa, v.v...

Chúng ta hứa với Chúa rất nhiều để mong Chúa đoái nghe lời chúng ta cầu xin, nhưng khi được Chúa nhậm lời rồi, chúng ta liền quên ơn Chúa và quên luôn những điều đã hứa với Ngài.  Xin Chúa tha thứ cho chúng ta và giúp chúng ta noi gương bà An-ne, trung tín giữ vẹn lời hứa nguyện dù phải trả giá nào đi nữa.  Nếu trong quá khứ chúng ta đã hứa nguyện một điều gì đó với Chúa mà vẫn chưa làm, xin Chúa giúp chúng ta làm trọn lời hứa đó hôm nay.  Tác giả sách Truyền Ðạo nhắc nhở như sau:

Khi ngươi khấn hứa sự gì với Ðức Chúa Trời, chớ chậm mà hoàn nguyện, vì Ngài chẳng vui thích kẻ dại; vậy khá trả điều gì ngươi hứa. Thà đừng khấn hứa hơn là khấn hứa mà lại không trả (Truyền Ðạo 5:4-5)

Ước mong chúng ta đều có thể nói như tác giả Thi Thiên 66:

Tôi sẽ lấy của lễ thiêu mà vào trong nhà Chúa, trả xong cho Chúa các sự hứa nguyện tôi, mà môi tôi đã nói ra trong khi bị gian truân (c. 13-14).

Lòng can đảm của An-ne

Lúc đầu chúng ta thấy An-ne như là một người mềm yếu, hay buồn hay khóc, nhưng thật ra bà là người can đảm và đầy nghị lực.  Ðức can đảm của An-ne ít bà mẹ nào có thể sánh kịp.  Ðọc lại phần Kinh Thánh sau đây chúng ta sẽ thấy:

Ên-ca-na, chồng nàng và cả nhà người đi lên đặng dâng cho Ðức Giê-hô-va của lễ hằng năm và làm xong sự hứa nguyện mình. Nhưng An-ne không đi lên vì nói cùng chồng rằng: Khi đứa trẻ dứt sữa tôi sẽ dẫn nó lên, để nó ra mắt Ðức Giê-hô-va và ở đó luôn luôn (I Sa-mu-ên 1:21-22)

An-ne rất thương con vì người mẹ nào lại không thương đứa con do chính mình sinh ra.  Hơn nữa, Sa-mu-ên là đứa con bà đã trông mong, cầu xin Chúa suốt bao nhiêu lâu.  Sa-mu-ên là con trai duy nhất và là con cầu tự.  An-ne và chồng chắc chắn rất thương và quý con.  Nhưng dù quý con, dù tình mẹ con là tình cảm sâu đậm nhất trong con người, An-ne đã can đảm dứt bỏ tình cảm đó để giữ trọn lời hứa với Chúa.  Ðây là điều rất khó làm đối với các bà mẹ: dâng trọn vẹn đứa con yêu quý, đứa con độc nhất của mình cho Chúa để giữ trọn lời hứa nguyện với Chúa.

An-ne không những là người can đảm nhưng cũng khôn ngoan, bà sắp đặt mọi việc đâu vào đó.  Bà biết rõ việc sẽ làm, cũng biết khi nào phải làm và làm như thế nào.  Gia đình bà thường mỗi năm một lần đi lên đền thờ để dâng lễ cho Ðức Chúa Trời.  An-ne quyết định rằng khi Sa-mu-ên còn nhỏ bà không lên đền thờ với chồng nhưng sẽ chờ đến khi con thôi bú.  Lúc đó bà sẽ dẫn Sa-mu-ên đi và để lại đền thờ luôn.  Ên-ca-na có lẽ biết tính dứt khoát của vợ nên không ép mà chỉ nói:

Hãy làm theo ý nàng cho là phải, ở lại đây cho đến chừng nàng dứt sữa nó. Nguyện Ðức Giê-hô-va làm ứng nghiệm lời hứa của Ngài! (I Sa-mu-ên 1:23)

Sau đó, An-ne đã làm đúng như dự tính. Kinh Thánh ghi:

Vậy, nàng ở lại nhà, cho con bú đến lúc dứt sữa.  Vừa khi dứt sữa, nàng bèn dẫn nó theo mình đến đền của Ðức Giê-hô-va tại Si-lô, cùng đem theo ba con bò đực, một ê-pha bột mì và một bầu rượu. Ðứa trẻ hãy còn nhỏ lắm (I Sa-mu-ên 1:24)

Theo các tài liệu lịch sử Do Thái, các em bé thường dứt sữa hay thôi bú khi được ba tuổi. Như vậy, khi An-ne đem con lên đền thờ, bé Sa-mu-ên chỉ mới ba tuổi. Ðể đứa con trai ba tuổi ở lại đền thờ với một ông cụ già, còn mình trở về nhà cô đơn, không một đứa con nào khác bên cạnh, đó là một việc làm vô cùng can đảm.  An-ne đã dẹp bỏ tình cảm, vượt lên trên những yếu đuối thường tình của con người và chấp nhận đau đớn, thiệt thòi để giữ vẹn lời hứa nguyện với Chúa.  Thật là một gương sáng cho chúng ta noi theo. 

Khi đến đền thờ, bà An-ne dẫn bé Sa-mu-ên đến gặp thầy tế lễ Hê-li và dõng dạc nói: 

Xin lỗi, chúa, xưa có người đàn bà đứng tại đây, gần bên ông, đặng cầu khẩn Ðức Giê-hô-va; tôi chỉ sinh mạng ông mà thề rằng tôi là người đó. Ấy vì đứa trẻ này mà tôi cầu nguyện. Ðức Giê-hô-va đã nhậm lời tôi cầu xin cùng Ngài. Vì vậy, tôi cũng dâng nó cho Ðức Giê-hô-va; tôi cho Ðức Giê-hô-va mượn nó trọn đời nó. Ðoạn hai mẹ con đều thờ lạy tại đó trước mặt Ðức Giê-hô-va (I Sa-mu-ên 1:26-28)

Một lần nữa chúng ta thấy hình ảnh một người đàn bà đầy nghị lực và can đảm.  Vui vẻ, sẵn sàng dâng cho Chúa điều quý nhất của đời mình. 

Lòng yêu Chúa của An-ne

Lý do nào khiến An-ne có thể dâng đứa con trai duy nhất cho Chúa, để con ở lại đền thờ với thầy tế lễ Hê-li rồi trở về nhà, cô đơn một mình?  Thánh Kinh ghi rằng:

Sa-mu-ên phục sự trước mặt Ðức Giê-hô-va, người hãy còn thơ ấu…  Mỗi năm, mẹ người may cho một cái áo dài nhỏ, đem ban cho người trong khi đi lên với chồng đặng dâng của lễ hàng năm (I Sa-mu-ên 2:18-19)

Mỗi năm hai mẹ con gặp nhau một lần, mỗi lần có lẽ được vài ngày. Thầy tế lễ Hê-li cũng cảm động trước sự hy sinh lớn lao của An-ne nên ông chúc phước cho hai vợ chồng và nói:

Cầu xin Ðức Giê-hô-va ban cho ngươi những con cái bởi người nữ này, để đổi lấy đứa mà nàng đã cầu nơi Ðức Giê-hô-va (I Sa-muên 2:20)

Tại sao bà An-ne có thể dâng cho Chúa đứa con một yêu dấu cách can đảm như thế?  Câu trả lời là vì bà kính yêu Chúa hết lòng, Chúa là điều quý nhất trong cuộc đời bà, quý hơn cả con cái, dù bà là người hiếm con.  An-ne có đủ lý do để thoái thác, không giữ trọn lời bà đã hứa trước mặt Chúa.  Bà cũng có thể “mặc cả” với Chúa: “Chúa biết lòng con, con muốn dâng Sa-mu-ên cho Chúa nhưng con chỉ có một đứa con duy nhất, dâng cho Chúa rồi con làm sao chịu nổi sự cô đơn thương nhớ?  Nếu Chúa cho con thêm một đứa con trai nữa, con sẽ dâng Sa-mu-ên cho Chúa.  Bà cũng có thể tự nhủ: Hồi đó mình quá tuyệt vọng, thiếu sáng suốt nên hứa dâng con cho Chúa, có lẽ Chúa cũng thông cảm, Chúa đâu muốn mình sống trong buồn khổ, cô đơn.  Ðó là lập luận của người không đặt Chúa lên trên hết trong đời sống và không muốn làm theo Lời Chúa dạy.

Ngày nay nếu Chúa muốn chúng ta dâng con cái cho Chúa để Ngài dùng trong công việc Ngài, chúng ta có sẵn sàng dâng như An-ne đã làm ngày xưa không?  Nếu con em chúng ta được Chúa kêu gọi hầu việc Ngài, chúng ta sẽ khuyến khích hay ngăn cản?   Mong rằng là những bà mẹ yêu Chúa và kính sợ Chúa, chúng ta sẽ khích lệ con và giúp con vâng theo tiếng Chúa gọi chứ không ngăn cản con vâng lời Chúa.

Có một điều thường thấy nơi một số vợ chồng trẻ ngày nay, đó là khi còn độc thân thì hăng hái lo công việc Chúa, tham gia các sinh hoạt của hội thánh.  Nhưng khi có gia đình rồi thì chỉ lo cho gia đình chứ không quan tâm đến công việc Chúa nữa.  Ðiều đáng buồn là khi những vợ chồng trẻ này có con, con cái trở thành trọng tâm của đời sống.  Họ quý con và phục vụ con như là ‘chúa’ của đời mình.  Những cha mẹ trẻ này không quan tâm đến công việc Chúa, không còn thì giờ tâm giao với Chúa mà lắm khi cũng sẵn sàng bỏ giờ thờ phượng Chúa, bỏ các buổi học Kinh Thánh để chiều theo giờ giấc của con, để cho con được thoải mái.  Nhiều người không dám thay đổi giờ ăn giấc ngủ của con trong ngày thánh để đi thờ phượng Chúa đúng giờ và sẵn sàng bỏ qua mạng lệnh của Chúa để chiều theo con.  Một điều khác chúng ta cần điều chỉnh, đó là suốt tuần chúng ta gởi con cho người khác chăm sóc thì không sao, nhưng ngày Chúa Nhật cần gởi con vào phòng giữ trẻ để được yên tịnh thờ phượng Chúa thì lo ngại, sợ con khóc, sợ người khác không lo cho con được, và vì thế muốn ở ngoài, vừa giữ con vừa thờ phượng Chúa!

Dĩ nhiên, khi con cái ốm đau chúng ta phải lo cho chúng nhưng không nên xem con quá quan trọng, đến nỗi đặt con lên trên hết trong cuộc sống, để con quyết định mọi sinh hoạt của gia đình.  Chúng ta không nên vì lo cho con mà không còn thì giờ thờ phượng Chúa, hầu việc Ngài.  Con cái là ơn phước, là cơ nghiệp Chúa ban nhưng nếu không cẩn thận, con cái có thể trở thành người cản trở chúng ta sống đẹp lòng Chúa và phục vụ Ngài.  Chúa Giê-xu dạy về vị trí của Chúa trong đời sống người tin Chúa như sau: 

Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta. Ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì không đáng cho ta (Ma-thi-ơ 10:37)

Vì yêu chúng ta, Chúa đã hy sinh tất cả.  Nếu chúng ta không yêu Chúa hơn tất cả mọi điều và mọi người khác trên trần gian này, chúng ta không xứng đáng với tình yêu của Ngài.

Cầu xin Chúa giúp chúng ta làm trọn trách nhiệm với gia đình, nhưng cũng giữ vẹn bổn phận đối với Chúa, Ðấng đã hy sinh mạng sống vì chúng ta.  Ðể làm được điều này, chúng ta cần phân định rõ thì giờ nào cho con cái, thì giờ nào là của Chúa, để dành trọn cho Ngài.  Chẳng hạn như mỗi ngày chúng ta phải lo cho con nhưng Chúa Nhật là ngày của Chúa, chúng ta cần sắp xếp thế nào để không vì chăm sóc con mà trễ nải trong việc đi thờ phượng Chúa.  Người tin Chúa phải đặt Chúa lên trên hết trong đời sống.  Nếu chúng ta đặt một điều gì hay một người nào trên Chúa, là chúng ta đã phạm tội thờ hình tượng, vì Chúa không còn ở vị trí cao nhất trong cuộc đời chúng ta.

 

Phần thưởng Chúa ban cho An-ne

An-ne kính yêu Chúa, trung tín giữ lời hứa nguyện với Chúa và sẵn sàng dâng điều quý nhất trong cuộc đời cho Chúa sử dụng.  Khi dâng Sa-mu-ên cho Chúa, có lẽ An-ne nghĩ rằng bà chỉ làm trọn lời hứa với Chúa chứ không làm điều gì lớn lao.  Bà không kể công với Chúa, cũng không khoe với người chung quanh.  Bà vui thỏa và không trông mong điều gì nơi Chúa.  Nhưng Ðức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng chân thành của bà và Ngài đã ban thưởng cho bà thật xứng đáng.  I Sa-mu-ên 2:21 ghi:

Ðức Giê-hô-va đoái xem An-ne, nàng thọ thai và sanh ba con trai và hai con gái. Còn cậu bé Sa-mu-ên khôn lớn trước mặt Ðức Giê-hô-va.

Ðức Chúa Trời ban lại cho bà An-ne gấp năm lần điều bà dâng cho Ngài.  Bà dâng cho Chúa một đứa con bây giờ Chúa ban cho bà thêm năm đứa con nữa.  Ðây là điều An-ne không trông mong, không cầu xin nhưng là phần thưởng Chúa ban vì lòng tôn kính Chúa của bà. 

Một phần thưởng khác Chúa ban cho An-ne là, Sa-mu-ên trở nên một người hầu việc Chúa rất đặc biệt.  Tên của Sa-muên được ghi vào Thánh sử.  Ông là vị quan xét cuối cùng, cũng là vị quan xét lớn nhất trong lịch sử Do-thái (Công vụ 13:20).  Sa-mu-ên được xem là vị tiên tri đầu tiên của con dân Chúa (Công vụ 3:24) và là lãnh tụ lớn nhất của thời Cựu Ước, sau Môi-se. Không những thế, Sa-mu-ên còn là thầy tế lễ, nối tiếp chức vụ tế lễ của Hê-li, đại diện con dân Chúa dâng tế lễ cho Ngài (I Sa-mu-ên 13:13).  Sa-mu-ên cũng được Chúa ban cho đặc ân xức dầu cho Ða-vít làm vua, vị vua lớn nhất trong lịch sử Do Thái.

An-ne dâng cho Chúa một đứa con nhỏ bé nhưng với lòng kính yêu và tận hiến.  Chúa đẹp lòng sự dâng hiến của An-ne nên Ngài đã dùng con của bà vào những công việc lớn lao.  Kinh nghiệm của An-ne cho chúng ta một chân lý quan trọng.  Chân lý đó là, dâng hiến cho Chúa không mất, cũng không thiệt thòi.  Những gì chúng ta dâng cho Chúa không mất nhưng được Chúa ban lại bội phần hơn.  Không những thế, Chúa dùng điều chúng ta dâng để làm ích lợi cho công việc Chúa một cách tốt đẹp, lạ lùng, quá sự suy tưởng của chúng ta.  

Nếu có điều quý giá nào trong đời sống chúng ta Chúa muốn sử dụng, hãy dâng cho Chúa đừng tiếc, đừng ngần ngại.  Khi chúng ta kính yêu Chúa hết lòng, tôn Chúa lên trên hết trong đời sống và sẵn sàng dâng điều tốt nhất cho Chúa, Ngài sẽ làm những việc lớn lạ cho cuộc đời chúng ta đến nỗi chính chúng ta cũng không hiểu được.

Con đường theo Chúa cũng như Lời dạy của Chúa có nhiều điều thấy như là nghịch lý nhưng nếu lấy đức tin vâng theo, chúng ta sẽ được hưởng phước của Chúa một cách lạ lùng.  Chẳng hạn như đối với đời, điều gì cho đi là kể như mất, nhưng lời Chúa dạy: ai cho đi sẽ được lại, và “ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh” (Công vụ 20:35b).  Những ‘nghịch lý’ khác trong lời dạy của Chúa như: “Ai gìn giữ sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống mình thì sẽ tìm lại được” (Ma-thi-ơ 10:39). “Ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên” (Lu-ca 18:14b).  “Hễ ai muốn làm lớn trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ, còn ai trong các ngươi muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi mọi người” (Mác 10:43-44).  Nghịch lý trong đạo Chúa là điều An-ne đã kinh nghiệm.  Bà đã hy sinh hạnh phúc riêng để giữ trọn lời hứa nguyện với Chúa. Ðối với người chung quanh An-ne có vẻ bị thiệt thòi quá nhiều nhưng trước mặt Chúa, bà là người được phước vô cùng.  Chúa đã ban phước lại cho bà bội phần và ban cho bà niềm vui lớn lao mà không điều gì có thể sánh được.

Một nguyên tắc khác nữa mà chỉ khi nào lấy đức tin thực hành chúng ta mới nhìn thấy được, đó là khi chúng ta dâng điều quý nhất cho Chúa một cách vui lòng, dù điều đó rất nhỏ bé, tầm thường, Chúa cũng sẽ tiếp nhận, sử dụng và làm lợi ích ra trăm ngàn lần.  Nếu An-ne giữ con ở lại với mình, Sa-mu-ên lớn lên có thể là một đứa con ngoan, một người tin thờ Chúa hết lòng, nhưng sẽ không là một nhà lãnh đạo uy tín, hướng dẫn cả dân tộc Do Thái trong đường lối của Chúa.  Chức vụ và cuộc đời của Sa-mu-ên đã ảnh hưởng tốt đẹp trên nhiều thế hệ, kể cả chúng ta ngày nay và sẽ còn ảnh hưởng trên những thế hệ kế tiếp.  Nhiều khi chúng ta nghĩ: điều mình có trong tay quá nhỏ bé, tầm thường, không đáng để dâng cho Chúa.  Nhưng hãy nhớ, Ðức Chúa Trời đã tạo dựng cả vũ trụ này từ chỗ không có gì cả, vì vậy nếu Chúa muốn, Ngài có thể khiến điều nhỏ bé chúng ta dâng trở nên điều lớn lao chúng ta không thể ngờ.  Ðiều quan trọng là chúng ta có sẵn sàng dâng cho Chúa cách vui lòng điều ta có hay không.  

 

Bài hát ca ngợi Chúa của An-ne

Sau khi đưa bé Sa-mu-ên lên đền thờ dâng cho Chúa, An-ne đã vui mừng hát cảm tạ Chúa. Bài ca của bà được Thánh Kinh ghi lại, nói lên niềm vui và lòng ca ngợi Chúa của bà (xin xem I Sa-mu-ên 2:1-10).

Bài thơ An-ne làm cho thấy bà được Chúa ban ơn đặc biệt để nói tiên tri và nói ra lời của Ngài.  Khi điều ao ước được thành sự thật, niềm vui trong lòng An-ne dâng tràn, đến nỗi bà không thể yên lặng nhưng phải hát ca ngợi Chúa.  Quý vị có kinh nghiệm điều này bao giờ chưa? Khi chúng ta ao ước làm một điều gì cho Chúa mà điều đó được thành, chúng ta sẽ thỏa nguyện và sung sướng vô cùng.  Một lần nữa, chi tiết này nói lên lòng kính yêu Chúa thiết tha của bà An-ne.  Ðưa đứa con nhỏ lên đền thờ dâng cho Chúa, để con ở lại một mình, một năm sau mới được gặp lại, nhưng An-ne không có một tiếng khóc, không một lời than. Trái lại, niềm vui và sự thỏa nguyện trong bà bật lên thành tiếng hát, thành bài ca cảm tạ và tôn vinh Chúa.

Khi trinh nữ Ma-ri được thiên sứ báo tin bà sẽ cưu mang Chúa Cứu Thế, bà cũng đã vui mừng hát lên bài ca cảm tạ Ðức Chúa Trời.  Bài ca của Ma-ri được ghi trong Lu-ca 1:46-56.  So sánh bài ca của An-ne và bài ca của Ma-ri, chúng ta thấy có nhiều điểm giống nhau.  Cả hai bài thơ đều nói lên lòng vui mừng của tác giả, ca ngợi Chúa vì Ngài đoái đến kẻ hèn hạ, nâng đỡ người tầm thường.  Cả hai bài thơ đều nói sức mạnh và quyền năng của Chúa, Ngài hạ người kiêu ngạo xuống và nâng người khiêm nhường lên, làm cho kẻ đói được no, đuổi kẻ giàu về tay không.  Các nhà giải nghĩa Kinh Thánh phân tích bài ca của An-ne và cho biết bài ca này có giá trị như những Thi Thiên trong Cựu Ước, vì nói đến các đặc tính của Ðức Chúa Trời: thánh khiết, quyền năng, nhân từ, thông biết mọi sự và đầy uy quyền.

Khi chúng ta kính yêu Chúa hết lòng và sống trong mối tâm giao mật thiết với Chúa, chúng ta cũng sẽ muốn dâng cho Chúa điều tốt nhất trong cuộc đời. Và khi dâng điều tốt nhất cho Chúa, niềm vui sẽ tràn ngập tâm hồn và chúng ta sẽ muốn hát ca ngợi Chúa, cảm tạ Ngài.  Ngược lại, nếu không yêu Chúa, chúng ta sẽ thấy làm theo Lời Chúa dạy sao quá khó, sẽ buồn tiếc khi dâng hiến cho Chúa và thấy sống cho Chúa sao quá nặng nề.  Không những thế, chúng ta cũng dễ than van oán trách chứ không nhìn thấy phước hạnh của Chúa trong đời sống và ít khi nào có thể hát ca ngợi Chúa.  Xin Chúa giúp chúng ta là những phụ nữ kính yêu Chúa hết lòng, tận tụy hầu việc Ngài để cuộc đời chúng ta luôn luôn là một bài hát ca ngợi Chúa.

Một điều khác chúng ta nhìn thấy trong cuộc đời An-ne, đó là bà có một ảnh hưởng tốt đẹp trên con cái.  Cậu bé Sa-mu-ên nhờ có người mẹ đạo đức đã trở nên một người đạo đức, kính yêu Chúa.  Dầu bà An-ne không ở gần con và không trực tiếp nuôi dạy con, nhưng bà vẫn có ảnh hưởng sâu đậm trên Sa-mu-ên.  Có lẽ mỗi năm lên đền thờ gặp con, An-ne có những lời khuyên dạy, nhắc nhở và khích lệ con kính yêu Chúa, hầu việc Chúa.  Sa-mu-ên nhìn thấy đức tin và lòng kính yêu Chúa sâu xa nơi mẹ, và điều đó đã giúp cho đức tin của Sa-mu-ên được vững mạnh. Ngoài ra, là người có mối tâm giao mật thiết với Chúa như An-ne, chúng ta tin chắc rằng bà đã cầu nguyện cho con rất nhiều.  Lời cha mẹ cầu nguyện cho con bao giờ cũng đẹp lòng Chúa và được Chúa nhậm lời, nhất là khi chúng ta cầu xin những điều đẹp ý Chúa.

Ngày nay chúng ta cũng được Chúa ban cho con cái như An-ne.  Có người nhiều con, có người ít con, nhưng nhiều hay ít không quan trọng.  Ðiều quan trọng là chúng ta cần có một đức tin chân thành, mạnh mẽ để làm gương cho con.  Trong nhiều gia đình, vì cách sống và cư xử của cha mẹ mà con cái xem thường Ðạo Chúa; vì đức tin giả dối của cha mẹ mà con cái nghi ngờ tình yêu của Chúa và thiếu lòng tin nơi Ngài.  Dù muốn dù không, cha mẹ luôn luôn có một ảnh hưởng lớn lao trên con cái.  Ảnh hưởng đó tốt hay xấu là tùy ở đức tin và đời sống của chúng ta, thể hiện qua hành động, lời ăn tiếng nói và cách chúng ta cư xử với người chung quanh.

Chúng ta cũng cần cầu nguyện cho con, không chỉ những khi con đau ốm hay gặp khó khăn, nguy hiểm nhưng cầu nguyện dâng đời sống con cho Chúa sử dụng và xin Chúa luôn dẫn dắt các em trong đường lối của Ngài.  Xin Chúa giúp chị em chúng ta noi theo gương bà An-ne ngày xưa, thương con nhưng không xem con quá quan trọng.  Xin Chúa cũng giúp chúng ta, dù bận rộn đến đâu cũng dành thì giờ cầu nguyện cho con mỗi ngày để con tin nhận Chúa và trọn đời con được ở trong sự hướng dẫn của Chúa.