"Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự tri thức, còn kẻ ngu muội khinh bỉ sự khôn ngoan và lời khuyên dạy." (c. #7)
Câu hỏi suy ngẫm:Theo phân đoạn này những câu Châm Ngôn nhằm giúp người ta những gì? Thế nào là khôn ngoan thật? Tại sao kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự khôn ngoan? Để cư xử ở đời cách khôn ngoan chúng ta cần theo những tiêu chuẩn hay mẫu mực nào?
Theo phân đoạn chúng ta vừa đọc, mục đích của những câu Châm Ngôn là:
1. Khiến người ta hiểu biết sự khôn ngoan và điều khuyên dạy.
2. Phân biệt các lời thông sáng.
3. Nhận lãnh điều dạy dỗ theo sự khôn ngoan.
4. Làm cho người ngu dốt được khôn khéo.
5. Người trẻ được tri thức và dẽ dặt ("Dẽ dặt" nghĩa là phân biệt thiện á c).
6. Người khôn thêm sự học vấn.
7. Người thông sáng được rộng mưu trí (biết những lời khuyên khôn ngoan).
8. Để hiểu biết châm ngôn, thí dụ, lời và câu đố của người khôn ngoan.
Tất cả mục đích trên đều nhấn mạnh về sự khôn ngoan và hiểu biết. Đây không phải là khôn ngoan và hiểu biết theo nghĩa thông thường nhưng là lối sống và cư xử ở đời. Mục đích của sách Châm Ngôn vì vậy là để dạy cho loài người biết sống cách khôn ngoan.
Câu #7 là chủ đề của cả sách: "Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự tri thức, còn kẻ ngu muội khinh bỉ sự khôn ngoan và lời khuyên dạy." Câu này nói đến hai hạng người: người kính sợ Chúa và người coi thường lời khuyên dạy.
Theo tiêu chuẩn của Chúa, người khôn ngoan thật là người biết kính sợ Chúa, còn người coi thường lời khuyên dạy của người khác là người ngu dại.
Ở đời, ai cũng muốn được kể là khôn ngoan, tài giỏi, nhưng người khôn ngoan tài giỏi thật, theo tiêu chuẩn của Thánh Kinh, là người biết kính sợ Chúa và sẵn sàng nghe theo những lời khuyên dạy. Chúng ta cần ý thức sự hiện diện của Chúa trong đời sống, kính sợ Ngài và sẵn sàng làm theo lời khuyên dạy của Ngài. Đó là sự khôn ngoan thật, sẽ giúp chúng ta cách sống và cư xử ở đời.
Xin giúp con sống mỗi ngày kính sợ Chúa và sẵn sàng làm theo lời dạy của Ngài.
(c) 2024 svtk.net