Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 9

3:11-24 TÌNH YÊU THẬT

11 Vả, lời rao truyền mà các con đã nghe từ lúc ban đầu, ấy là chúng ta phải yêu thương lẫn nhau. 12 Chớ làm như Ca-in, là kẻ thuộc về ma quỉ, đã giết em mình. Vì sao người giết đi? Bởi việc làm của người là dữ, còn việc làm của em người là công bình.  13 Hỡi anh em, nếu thế gian ghen ghét anh em, thì chớ lấy làm lạ. 14 Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình. Còn ai chẳng yêu thì ở trong sự chết.  15 Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người. Anh em biết rằng chẳng một kẻ nào giết người có sự sống đời đời ở trong mình. 16 Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống, chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy. 17 Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đang cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được!

18 Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật. 19 Bởi đó, chúng ta biết mình là thuộc về lẽ thật, và giục lòng vững chắc ở trước mặt Ngài. 20 Vì nếu lòng mình cáo trách mình, thì Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa và biết cả mọi sự. 21 Hỡi kẻ rất yêu dấu, ví bằng lòng mình không cáo trách, thì chúng ta có lòng rất dạn dĩ, đặng đến gần Đức Chúa Trời 22 và chúng ta xin điều gì mặc dầu, thì nhận được điều ấy, bởi chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài và làm những điều đẹp ý Ngài. 23 Vả, nầy là điều răn của Ngài: là chúng ta phải tin đến danh Con Ngài, tức là Đức Chúa Giê-xu Christ, và chúng ta phải yêu mến lẫn nhau như Ngài đã truyền dạy ta. 24 Ai vâng giữ các điều răn Ngài thì ở trong Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời ở trong người ấy. Chúng ta biết Ngài ở trong lòng chúng ta, là nhờ Đức Thánh Linh mà Ngài đã ban cho chúng ta.

 

1. “Từ lúc ban đầu” (c. 11) là khi nào?

2. Xin đọc Sáng thế ký 4:1-16 và cho biết tại sao Ca-in giết A-bên?

3. Xin giải thích “dữ” và “công bình” trong câu 12b.

4. Tại sao chúng ta không ngạc nhiên khi bị người đời ganh ghét (c. 13)?

5. Xin cho biết liên hệ giữa việc “vượt khỏi sự chết qua sự sống” với việc “chúng ta yêu anh em mình” (c. 14)?

6. Tại sao “ghét anh em” bị coi là “giết người” (c. 15a)?

7. Chúng ta “bỏ sự sống vì anh em mình” như thế nào (c. 16b)?

8. Xin cho biết sự khác nhau giữa “yêu mến bằng lời nói và lưỡi” với “bằng việc làm và lẽ thật” (c. 18)?

9. Các câu 16-18 và 19-23 liên hệ với nhau như thế nào vì nói về hai đề tài khác nhau (yêu thương và cầu nguyện)?

10. Theo câu 22, điều kiện để lời cầu nguyện chúng ta được Chúa nhậm là gì?

11. Theo câu 23, điều răn của Chúa cho chúng ta là gì?

 

Sứ đồ Giăng kết luận phần trước (2:29-3:10) với câu:

Bởi đó, người ta nhận biết con cái Đức Chúa Trời và con cái ma qu: ai chẳng làm điều công bình là không thuộc về Đức Chúa Trời, kẻ chẳng yêu anh em mình cũng vậy (c. 10)

Vì nói rằng: Kẻ chẳng yêu anh em mình cũng vậy (c. 10b) nên trong phần tiếp theo (3:11-24) Giăng cho thấy một dấu hiệu khác của người thuộc về Đức Chúa Trời, dấu hiệu đó là yêu thương anh em (c. 11, 23). Ngược lại với yêu thương là hình ảnh ganh ghét và giết người của Ca-in (c. 12).

Phải yêu thương lẫn nhau (c. 11b) là mạng lệnh các tín hữu đã nghe từ lúc ban đầu (c. 11a). Lúc ban đầu nói đến lúc khi họ tin nhận Chúa (2:7).

Sáng thế ký 4:7 cho thấy hành động dâng hiến của Ca-in không phải là điều lành:

Nếu người làm lành há chẳng ngước mặt lên sao? (Sáng 4:7)

Không làm lành hàm ý Ca-in đã làm điều dữ (c. 12b). Lý do Đức Chúa Trời không nhậm lễ vật của Ca-in là vì ông đã không dâng bởi đức tin, ngược lại với A-bên là người dâng bởi đức tin (Hê-bơ-rơ 11:4). Ca-in không làm lành trong việc dâng hiến nên không được Đức Chúa Trời nhậm, vì thế ông ganh ghét A-bên và giết đi. Việc làm của A-bên là công bình chỉ vì ông đã làm bởi đức tin. Ca-in được gọi là kẻ thuộc về ma quỷ là điều chính Chúa Giê-xu đã xác nhận (Giăng 8:44b) vì việc Ca-in giết A-bên là vụ sát nhân đầu tiên trong lịch sử loài người.

Sứ đồ Giăng chuyển việc Ca-in giết A-bên vì lòng ganh ghét đến việc người tin Chúa bị thế gian ganh ghét:

Hỡi anh em, nếu thế gian ghen ghét anh em, thì chớ lấy làm lạ (c. 13)

Chúa Giê-xu nói lời tương tự trong Giăng 15:18 và tuy cùng dùng chữ thế gian, trong phần Kinh Thánh nầy sứ đồ Giăng muốn nói đến những người ly khai khỏi Hội Thánh và chống lại người tin Chúa (2:19). Giăng khuyên các tín hữu không nên ngạc nhiên khi bị những người nầy ganh ghét với lý do:

Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình. Còn ai chẳng yêu thì ở trong sự chết (c. 14)

Điểm khác biệt giữa người thật sự tin Chúa và người không tin là tình yêu thương. Tình yêu thương minh chứng điều đó. Vượt khỏi sự chết qua sự sống (Giăng 5:24) là hình ảnh của một người thật sự được cứu mà bằng chứng là lòng yêu thương. Ngược lại, một người thiếu yêu thương (chẳng yêu) chứng tỏ người đó chưa thật sự được cứu (ở trong sự chết).

Trở lại với ví dụ của Ca-in, Giăng viết:

Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người (c. 15a)

Đây cũng là điều Chúa Giê-xu dạy trong Ma-thi-ơ 5:21-22. Giăng viết tiếp:

Anh em biết rằng chẳng một kẻ nào giết người có sự sống đời đời ở trong mình (c. 15b)

Điều nầy nhằm xác nhận điều ông nói trong câu 14. Đây là đối chiếu giữa độc giả và những người ly khai khỏi Hội Thánh:

 

TIN CHÚA THẬT

LY KHAI

KHỎI HỘI THÁNH

Vượt khỏi sự chết qua sự sống

Ở trong sự chết

Yêu anh em

Không yêu

 

Giết người

 

Không có sự sống đời đời

 

Dấu hiệu của người tin Chúa thật là yêu thương (c. 14). Đặc tính của tình yêu đó thể hiện qua việc Chúa Giê-xu chịu chết vì chúng ta. Đây là gương chúng ta phải noi theo:

Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống, chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy (c. 16)

Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống nhắc lại lời của Chúa Giê-xu trong Giăng 10:11, 15 và chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình là lời Chúa dạy trong Giăng 15:12-14.

Noi gương yêu thương của Chúa Giê-xu, chúng ta không nhất thiết phải hy sinh mạng sống (bỏ sự sống) mà chỉ cần giúp đỡ anh chị em về phần vật chất:

Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đang cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được (c. 17)

Chặt dạ mang ý nghĩa “khép lòng lại” (“chẳng động lòng thương,” BHĐ) – Phục truyền 15:7. Không giúp đỡ anh chị em trên phương diện vật chất chứng tỏ chúng ta không có tình yêu của Chúa trong lòng.

Để khích lệ độc giả về việc nầy, sứ đồ Giăng viết:

Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật (c. 18)

Chúng ta không thể chỉ nói yêu thương nhưng phải bày tỏ ra bằng cách dùng của cải mình có để đáp ứng nhu cầu cho người thiếu thốn. Yêu mến bằng lẽ thật mang ý nghĩa “thật sự yêu mến,” ngược lại với chỉ yêu mến bằng miệng lưỡi, không có hành động đi kèm. Sứ đồ Gia-cơ dạy điều tương tự:

Ví thử có anh em hoặc chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày, mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng (Gia-cơ 2:15-16)

Giăng cho thấy, chia sẻ của cải vật chất chứng tỏ chúng ta làm theo lẽ thật:

Bởi đó, chúng ta biết mình là thuộc về lẽ thật và giục lòng vững chắc ở trước mặt Ngài (c. 19)

 Bởi đó tức là bởi việc bỏ sự sống vì anh em (c. 16b) và không chặt dạ trước anh em mình đang cùng túng (c. 17a). Hy sinh và sẵn sàng chia sẻ vật chất như vậy chứng tỏ chúng ta làm theo lẽ thật. Điều nầy cũng giục lòng vững chắc ở trước mặt Ngài (c. 19b). Giục lòng vững chắc vì tình cảm hay cảm xúc (lòng) của chúng ta có lúc dao động, không vững chắc ngay cả khi làm điều đúng (ở đây nói đến việc chia sẻ vật chất).

Giăng cho thấy dù lòng chúng ta dao động hay không (cáo trách hay không cáo trách), sự hiểu biết của Đức Chúa Trời về chúng ta mới quan trọng:

Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa và biết cả mọi sự (c. 20)

Sự kiên định trong lòng là điều quan trọng, cảm xúc hay suy nghĩ của chúng ta có khi sai lầm và chịu ảnh hưởng với nhiều yếu tố. Ma quỷ được mệnh danh là “kẻ kiện cáo” (Xa-cha-ri 3:1; Khải Huyền 12:10) và đó là điều ma quỷ thường làm để đức tin chúng ta nao núng. Do đó, khi chúng ta làm điều đúng (yêu thương chia sẻ) đó là chúng ta làm theo lẽ thật và không điều gì có thể làm cho chúng ta nao núng.

Lòng kiên định là yếu tố quan trọng, giúp chúng ta trong sự cầu nguyện:

Vì nếu lòng mình cáo trách mình, thì Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa và biết cả mọi sự. Hỡi kẻ rất yêu dấu, ví bằng lòng mình không cáo trách, thì chúng ta có lòng rất dạn dĩ, đặng đến gần Đức Chúa Trời và chúng ta xin điều gì mặc dầu, thì nhận được điều ấy, bởi chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài và làm những điều đẹp ý Ngài (c. 20-22)

Điều kiện để lời cầu nguyện chúng ta được Chúa nhậm là vâng giữ các điều răn của Ngài (c. 22) và điều răn của Chúa là:

Vả, nầy là điều răn của Ngài: là chúng ta phải tin đến danh Con Ngài, tức là Đức Chúa Giê-xu Christ và chúng ta phải yêu mến lẫn nhau như Ngài đã truyền dạy ta (c. 23)

Điều răn của Chúa gồm hai điều: (1) Tin đến Danh Con Ngài. Và: (2) Yêu mến lẫn nhau. Tin đến DANH Chúa nghĩa là tin đến CHÍNH NGÀI (2:12). Tin Chúa mang ý nghĩa tận hiến, cam kết và vâng lời Chúa (Giăng 8:31, Ma-thi-ơ 7:21; Lu-ca 6:46) và như vậy nghĩa là luôn luôn làm theo Lời Chúa dạy: Yêu mến lẫn nhau. Yêu mến lẫn nhau trong phần nầy hàm ý yêu mến cách thực tế, thể hiện trong việc chia sẻ, giúp đỡ vật chất (c. 16-18).

Một lần nữa, sứ đồ Giăng cho thấy dấu hiệu của đức tin thật không gì khác hơn là vâng giữ Lời Chúa:

Ai vâng giữ các điều răn Ngài thì ở trong Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời ở trong người ấy (c. 24a)

Đây là điều Chúa Giê-xu đã dạy:

Đức Chúa Jêsus đáp:Nếu ai yêu mến Ta thì sẽ vâng giữ lời Ta, Cha Ta sẽ yêu thương người, chúng Ta sẽ đến cùng người và ở với người” (Giăng 14:23)

trong Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời ở trong người ấy nói lên giáo lý liên hiệp với Chúa: người tin Chúa có sự sống của Chúa và sống trong sự hiện diện của Ngài. Đức Chúa Trời hiện diện với chúng ta qua Chúa Thánh Linh:

Chúng ta biết Ngài ở trong lòng chúng ta, là nhờ Đức Thánh Linh mà Ngài đã ban cho chúng ta (c. 24b)

Sự hiện diện của Chúa Thánh Linh trong lòng người tin Chúa là điều Chúa Giê-xu đã hứa (Giăng 14:16-17) và được sứ đồ Phao-lô khẳng định (Rô-ma 8:9b). Chữ thần (pneuma) trong câu tiếp theo (4:1) là cùng một chữ với Đức Thánh Linh (c. 24b) vì vậy đây là câu chuyển tiếp để độc giả phân biệt giữa “Linh” (pneuma) của người tin Chúa (Đức Thánh Linh) và những “linh” (pneuma) giả của thế gian.