"Hỡi Đức Giê-hô-va, hãy xây chúng tôi trở về Ngài thì chúng tôi sẽ trở về, làm những ngày chúng tôi lại mới như thuở xưa" (c. #21).
Câu hỏi suy ngẫm: Những từ ngữ nào có thể diễn tả thảm trạng của dân Chúa? Trong thảm trạng đó họ nhận biết điều gì (c. #16)? Trong kinh nghiệm, tội lỗi thường dẫn chúng ta đến thảm trạng nào? Phương cách nào giúp chúng ta ra khỏi thảm trạng đó?
Một lần nữa tác giả nhắc lại điều mà dân Chúa phải trả khi phạm tội cùng Chúa, khi họ ngoan cố không nghe lời cảnh cáo và cố tình làm những điểu trái lời dạy của Chúa. Giọng văn của các câu này thật buồn, cái buồn của kẻ thất bại, của kẻ gặt lấy những gì mình đã gieo.
Hổ thẹn là điều chỉ có con người mới có. Con người biết hổ thẹn vì có thể biết được chính mình, có tự ái và kiêu hãnh. Chúng ta biết thế nào là nhục nhã (c. #11); khinh bỉ (c. #12); đày đọa (c. #13); buồn thảm sầu đau (c. #14,15); ân hận (c. #16); mòn mỏi (c. #17); nhớ thương (c. #18). Đó là quả trái của thái độ khinh Lời Chúa, theo lời giả dối, vui tai thỏa lòng. Ngày nay mỗi người phạm tội cũng sẽ gặt lấy bảy trái đắng kể trên.
Một điểm đáng khen của những người than khóc này là không dám trách Chúa, mà hoàn toàn nhận lỗi (c. #16). Nhiều người ngày nay phạm tội mà không biết hậu quả, có khi tai ương tới còn đổ cho vận rủi. Khi còn biết xấu hổ, khi còn nhận ra tội là kinh tởm, là con đường diệt vong thì may ra còn có cơ hội trở về. Dân Chúa phải nhớ Lời Chúa khi được ban phước hạnh cũng như khi bị trừng phạt phải cảnh giác kịp thời, sửa sai những lỗi lầm trước khi hậu quả tới, vì chắc không ai muốn trở về trong hổ nhục và thương tích đầy mình. Tuy nhiên dù ở đâu trong mức độ vi phạm, cũng phải nhận ra tội của mình và trở về, Chúa không bao giờ xua đuổi kẻ nào thành tâm ăn năn hối lỗi.
Xin Chúa giúp con luôn biết nhìn tội lỗi con, đừng để con có ý tưởng hay lời nói nào oán trách Ngài.
(c) 2024 svtk.net