Kinh Thánh: Luca 19:28-40; Thi Thiên 118:1-2, 19-29; ; Êsai 50:4-9a; Philip 2:5-11; Thi Thiên 24:7-10
Đột nhiên người ta nghe tiếng la hét của đám đông, hoan hô và hò hét. Càng tới gần tiếng hét nghe càng rõ: “Đức Vua đến rồi! Đức Vua đến rồi! Đức Vua đến rồi!”
Quá tò mò, mọi người chen lấn đến gần để xem cho rõ. Có vài người lột áo choàng ngoài ném xuống đất. Có vài người trèo lên cây để hái nhành lá. Trẻ con xếp hàng, vẫy những cành lá hát vang: “Hôsana! Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến! Hôsana trên từng trời cao ngất!” Rồi người ta thấy Đức Vua - một người đàn ông ngồi trên lưng lừa, biểu trưng cho uy quyền hoàng gia, đến trong tinh thần hòa bình. Có người níu áo người bên cạnh hỏi to “Ai vậy?” Đám đông la lên “Là Jesus” (Math 21:1-11).
Chuyện xảy ra ngày Chúa nhật Lễ Lá, là ngày Chúa Jesus vào thành Giêrusalem “nhu mì cỡi lừa con”. Ngoài ra còn có chuyện khác xảy ra nữa. Trong khi Jesus đang vào thành cách vinh quang thì các thầy tế lễ đang ngợi khen Chúa trong đền thờ. Đó là ngày đầu trong tuần lễ và theo như lời các rabi cổ xưa đã thuật lại, các thầy tế lễ đang đọc thuộc lòng Thi thiên 24:
7 Hỡi các cửa, hãy cất đầu lên! Hỡi các cửa đời đời, hãy mở cao lên, Thì Vua vinh hiển sẽ vào. 8 Vua vinh hiển nầy là ai? Ấy là Đức Giê-hô-va có sức lực và quyền năng, Đức Giê-hô-va mạnh dạn trong chiến trận. 9 Hỡi các cửa, hãy cất đầu lên! Hỡi các cửa đời đời, hãy mở cao lên, Thì vua vinh hiển sẽ vào. 10 Vua vinh hiển nầy là ai? Ấy là Đức Giê-hô-va vạn quân, Chính Ngài là Vua vinh hiển. (Thi Thiên 24:7-10).
1. Vua của mọi người
Thi thiên này mở đầu bằng cách ca ngợi Đức Chúa Trời là Đấng tạo ra vũ trụ: “1 Đất và muôn vật trên đất, Thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đức Giê-hô-va. 2 Vì Ngài đã lập đất trên các biển,
Và đặt nó vững trên các nước lớn. ”
Những câu này khẳng định quyền sở hữu tối thượng của Đức Chúa Trời trên mọi vật. Cả thế gian này đều thuộc về Chúa. Không phải chỉ thế gian không, mà tất cả những gì trong đó - nghĩa là cây, đá, chim chóc, côn trùng. Toàn bộ con người cũng đều thuộc về Chúa, vì Chúa yêu cầu thẩm quyền của Ngài trên hết thảy con người sống trong thế giới của Ngài.
Có người thắc mắc: dựa vào đâu mà Chúa tự xưng thẩm quyền hoàn toàn như vậy? Dựa trên sự tạo dựng. Trái đất thuộc về Chúa, vì Ngài dựng nên nó. Chúa là Đấng Tạo hóa và vì Ngài là tạo hóa nên Ngài cũng là Vua. Quyền năng sáng tạo của Ngài cho Ngài quyền cai trị mọi vật vì Ngài tạo ra chúng.
Đây là lý do khiến người ta tranh cãi về sự khởi đầu. Khi người ta bất đồng về khởi đầu của loại nào đó hay về khởi đầu của thế giới, thì không phải họ chỉ tranh cãi về cách vũ trụ hình thành như thế nào mà là AI đang điều hành.
Nếu Đức Chúa Trời không phải là Đấng Tạo hóa, thì Ngài không thể là Vua của chúng ta. Thế kỷ 17, 18 có Tự nhiên Thần giáo, cho rằng Đức Chúa Trời tạo nên thế giới và để nó tự nhiên vận hành, chớ Ngài không tiếp tục can thiệp vào nữa. Thi thiên 24 trả lời rằng Đức Chúa Trời đang cai trị cái vũ trụ này ngay chính phút giây này đây. Thế kỷ 21 này thì quan điểm về Chủ nghĩa Tự nhiên đang thắng thế. Chủ nghĩa này chối bỏ sự sáng tạo mà còn chối bỏ luôn quyền cai trị của Đức Chúa Trời.
Kinh Thánh chép trong Sáng 1:1 “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất”. chỉ có một cách để thoát khỏi vương quyền của Đức Chúa Trời trên mỗi con người là không thừa nhận Thi Thiên 24.
“1 Đất và muôn vật trên đất, Thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đức Giê-hô-va. 2 Vì Ngài đã lập đất trên các biển, ”
Thi Thiên 24 kết thúc bằng hình ảnh Đức Chúa Trời bước vào Giêrusalem. Dù vậy, Đức Chúa Trời của Y sơ ra ên không chỉ là Vua của người Do thái mà còn là Vua của cả trái đất này.
2. Thần dân của Vua
Câu số 3 hỏi rằng: “3 Ai sẽ được lên núi Đức Giê-hô-va? Ai sẽ được đứng nổi trong nơi thánh của Ngài? ”
“Nơi thánh của Ngài” là đền thờ thánh của Chúa. Khổ thứ hai trả lời:
“4 Ấy là người có tay trong sạch và lòng thanh khiết,
Chẳng hướng linh hồn mình về sự hư không, Cũng chẳng thề nguyện giả dối. 5 Người ấy sẽ được phước từ nơi Đức Giê-hô-va, Và sự công bình từ nơi Đức Chúa Trời về sự cứu rỗi người. 6 Ấy là dòng dõi của những người tìm kiếm Đức Giê-hô-va, Tức là những người tìm kiếm mặt Đức Chúa Trời của Gia cốp. ”
Để có thể hiện diện trước nhà Vua, thần dân phải vâng lời và tâm phải chính trực. Đó là ý nghĩa của “tay trong sạch và lòng thanh khiết”. Tay trong sạch không mang ý nghĩa rửa tay bằng nước sát khuẩn (như chúng ta vẫn đang được khuyến khích làm thường xuyên), hay rửa theo nghi thức, mà tuân giữ mạng lịnh Chúa. Lòng thanh khiết nói đến đời thuộc linh. Chúa đòi hỏi cả bề trong lẫn bề ngoài.
Phần sau của câu 4 nghiêm cấm thờ hình tượng và đòi hỏi nói thật. Thờ hình tượng liên quan đến sự thờ phượng Đức Chúa Trời, còn nói thật liên quan đến quan hệ giữa người với người. Tức là câu này nói đến kính Chúa và yêu người.
Như vậy, có 4 điều kiện để ra mắt Đức Vua. Chỉ ai có sự vâng lời và tâm chính trực, kính Chúa và yêu người “Người ấy sẽ được phước từ nơi Đức Giê-hô-va, ” (c.5a).
Điều này vẫn đúng trong sự thờ phượng Cơ đốc ngày nay. Người được chấp nhận đến gần ngai của Chúa là người vâng lời, có tâm chính trực, kính Chúa và yêu người. Để có thể đáp ứng yêu cầu này, con người phải được xưng công bình bởi đức tin, tin nhận Chúa là Đấng cứu chuộc và tin cậy nơi Chúa Jesus là của lễ chuộc tội.
Khổ chót của Thi thiên 24 ở dạng đối thoại. Đây là bài ca với lời kêu gọi và đáp lời. Trong thời Đavít, bài ca này do người Lêvi hát, cùng với vài đơn ca. Thứ tự như sau: Trước tiên, ban hát hát bên ngoài cổng thành, nhân danh nhà vua mà kêu gọi: “7 Hỡi các cửa, hãy cất đầu lên! Hỡi các cửa đời đời, hãy mở cao lên, Thì Vua vinh hiển sẽ vào. ”
Nhưng trước khi cổng mở, người canh cổng phải biết chắc lý lịch của nhà vua. Vì thế, câu hỏi được nêu lên: “8 Vua vinh hiển nầy là ai? ”
Sứ giả trả lời: “Ấy là Đức Giê-hô-va có sức lực và quyền năng, Đức Giê-hô-va mạnh dạn trong chiến trận. ”
Đến lúc này, ban hát hoàng gia bắt đầu sốt ruột, nên lập lại lời kêu gọi:
“9 Hỡi các cửa, hãy cất đầu lên! Hỡi các cửa đời đời, hãy mở cao lên, Thì vua vinh hiển sẽ vào. ”
Khi cánh cổng nặng nề mở ra, người canh cổng lập lại câu hỏi, không phải vì không nghe rõ, hay muốn làm khó, chỉ vì muốn nghe tin vui lần nữa:
“10 Vua vinh hiển nầy là ai? ”
Họ cùng hát to lên:
“Ấy là Đức Giê-hô-va vạn quân, Chính Ngài là Vua vinh hiển. ”
Còn một chỗ cuối cùng mà Chúa Jesus cần đi vào: tấm lòng của bạn và tôi. Điều cần nhớ là không phải cứ ai hát ngợi khen Chúa đều nhận Ngài như Đức Vua. Ngày Chúa nhật lễ Lá là ví dụ điển hình. Ngày đầu tiên của tuần lễ, trong khi các thầy tế lễ đang hát Thi thiên 24, toàn thành phố đang chào đón Vua Jesus. Thế nhưng, đến cuối tuần, cũng những con người ấy đòi hỏi đóng đinh Chúa Jesus. Không phải chỉ dùng môi miệng xưng tụng Chúa Jesus là Vua vinh hiển; chúng ta phải để Ngài ngồi làm Vua của lòng mình.